Đối với fan của Studio Ghibli, nhất là tác phẩm Spirited Away, thì hẳn là chẳng còn xa lạ gì với Vô Diện – nhân vật không mặt trông khá kì lạ nhưng khá đáng yêu. Thực tế, Vô Diện không phải là sản phẩm sáng tạo của các nhà làm phim mà thực chất, nó đã tồn tại trong các câu chuyện kể dân gian được người Nhật Bản truyền tai nhau từ đời này sang đời khác dù không có chứng cứ xác thực. Trong đó, Vô Diện không hề đáng yêu mà ngược lại, nó lại có sở thích trêu chọc, dọa cho nạn nhân hoảng sợ đến ngất đi mới thôi.
Vô Diện trong phim hoạt hình khá đáng yêu.
Trong tiếng Nhật, Vô Diện được gọi là Noppera-Bo, sở hữu chiều cao khoảng hơn 2m, nó thường bị nhầm lẫn là mujina, một từ để chỉ con chồn hoặc lửng có khả năng biến thành một loài khác. Thỉnh thoảng, mujina biến thành Noppera-Bo để dọa con người nên gây ra nhầm lẫn tưởng chúng là một. Noppera-Bo được nhắc đến nhiều trong các câu chuyện dân gian ở tỉnh Osaka và Kotonami, quận Nakatado, tỉnh Kagawa nhưng không ai biết rõ chính xác danh tính của nó là gì.
Ban đầu, Noppera-Bo sẽ cải trang như một người bình thường, hoặc đóng giả làm người quen để tiếp cận nạn nhân, trước khi hiện nguyên hình là một con ma sở hữu gương mặt nhẵn mịn, không mắt, mũi hay miệng.
Nhìn thấy gương mặt kì dị ấy thì không ai có thể giữ được bình tĩnh mà dùng hết sức bình sinh để bỏ của chạy lấy người. Noppera-Bo sẽ không từ bỏ cho đến khi nó dọa được đối phương ngất đi trong sợ hãi. Nếu người đó về được tới nhà mà vẫn còn ý thức thì Noppera-Bo sẽ biến hình thành người thân của họ, ngồi chờ sẵn rồi hù thêm lần nữa. Chúng thưởng thức nỗi sợ của con người như một thú vui, trong đêm tìm hết người này đến người khác để hù dọa cho đến lúc mặt trời mọc mới chịu biến đi.
Nhìn chung Noppera-Bo đáng sợ nhưng vô hại, chúng chỉ có sở thích dọa người chứ không có nhu cầu giết hại bất kỳ ai. Nhiều người mắc vấn đề thần kinh hoặc quá cô đơn đến nỗi mất đi cảm giác sợ hãi sẽ tự tìm đến Noppera-Bo để có người tâm sự qua đêm dài. Những lúc như vậy, Noppera-Bo vẫn tử tế ngồi lắng nghe tâm tư của con người nhưng không thể đáp lại (vì chúng chẳng có miệng mà nói).
Có rất nhiều câu chuyện kể đến Noppera-Bo nhưng nổi tiếng nhất là tuyển tập “Kwaidan: Những câu chuyện và nghiên cứu về những điều kỳ lạ” của Lafcadio Hearn. Trong đó, tác giả đã kể về mujina cải trang thành Noppera-Bo. Một người đàn ông đang đi dọc theo con đường Akasaka đến Edo thì tình cờ gặp một cô gái đang ngồi khóc lóc trong tuyệt vọng ở khu vực hẻo lánh gần đồi Kunizaka. Người đàn ông đã ra sức an ủi và đề nghị được giúp đỡ trước khi giật mình trước dung nhan của đối phương, chính xác là một gương mặt láng bóng, không có gì trên đó.
Quá sợ hãi, người đàn ông bỏ chạy, trên đường gặp một người bán rượu soba và kể lại hết mọi chuyện vừa xảy ra. Người đàn ông không ngờ sau đó, người bán rượu giơ tay vuốt ve khuôn mặt của chính mình rồi hiện nguyên hình là Noppera-Bo. Hóa ra tất cả những Vô Diện mà anh gặp trên đường đều là do mujina ngụy trang.
Ở một số khu vực khác, người ta lan truyền câu chuyện về một người đánh cá lười biếng quyết định đi câu cá trong hồ cá của hoàng gia gần cung điện Heian-kyo. Mặc dù vợ đã ra sức ngăn cản và cảnh báo về chiếc hồ linh thiêng nằm gần nghĩa trang ấy nhưng người này vẫn quyết định lên đường. Trên đường đến hồ, anh ta gặp một cư dân khác và cũng bị cảnh báo không nên đến gần nhưng cũng chọn phớt lờ mọi thứ.
Khi đến nơi, ngư dân gặp được một cô gái trẻ xinh đẹp, cầu xin anh đừng câu cá trong hồ. Anh ta không nghe theo cho đến khi người đối diện hiện nguyên hình là Noppera-Bo. Hớt hải chạy về nhà, người đánh cá gặp vợ định chất vấn nhưng liền bị bạn đời lao vào đánh đập. Người vợ sau đó “lau đi” hết những gì có trên mặt mình, để lộ phần đầu không hề có mặt.
Ngoài ra, Noppera-Bo còn xuất hiện trong những câu chuyện khác như người phụ nữ được một samurai cứu sống khỏi băng đảng nhưng cuối cùng phát hiện vị anh hùng ấy không hề có mặt. Hoặc chuyện kể về nhóm quý tộc đến kỹ viện chơi bời cuối cùng hoảng loạn nhận ra những cô gái ở đó không hề có mặt.
Tóm lại, Noppera-Bo hay còn gọi là Vô Diện là một nhân vật chỉ tồn tại trong các câu chuyện kể trong văn hóa dân gian Nhật Bản nhằm nhắc nhở con người đi đêm có ngày gặp ma.
(Nguồn: Tổng hợp)