Các nghiên cứu cho biết có hơn 55 loại flavonoid và hơn 170 phytonutrients các loại trong vỏ cam cùng với các loại khoáng chất, vitamin, pectin và chất xơ. Chỉ cần nhâm nhi kiểu ăn vặt một muỗng canh vỏ cam (khoảng 6g) là đã hấp thu được 6 calo, 0,10g protein, 1,6g carbohydrate và 0,5g chất xơ. Tính ra 100g vỏ cam chứa 98 calo, 1,6g protein, 24g carbohydrate và 10,5g chất xơ… Ngoài ra, vỏ cam chứa một lượng rất ít chất béo, không có cholesterol và không có natri.
Vỏ cam là một nguồn flavonoid phong phú – một chất chuyển hóa trung gian của thực vật có nhiều chức năng quan trọng đối với sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là ung thư.
Vỏ cam rất giàu vitamin C và một muỗng canh vỏ chứa khoảng 8,2mg vitamin C. Các vitamin khác có trong vỏ cam bao gồm thiamin, riboflavin, niacin, vitamin A, folate, vitamin B5 và vitamin B6. Các khoáng chất có trong vỏ cam là canxi (10mg) và một lượng nhỏ magiê, sắt, phốtpho, kali, đồng, selen và kẽm.
Vỏ cam – của quý cho sức khỏe
Lợi ích của việc ăn vỏ cam
Giúp giảm cân: Vỏ cam giúp giảm cân vì nó có nhiều chất xơ và chứa ít calo. Nếu đưa vỏ cam vào thực đơn sẽ giúp giảm lượng calo tiêu thụ tổng thể hàng ngày. Nó cũng ngăn chặn sự tăng cân quá mức của cơ thể và ngăn ngừa sự hình thành mô mỡ.
Chống viêm: Vỏ cam có đặc tính chống viêm tương tự như indomethacin – thường dùng để hạ sốt, giảm đau và chống viêm theo cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin.
Giảm các vấn đề về hô hấp: Nghiên cứu cho thấy các chất trong vỏ cam có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị hen suyễn. Nó giúp làm loãng đờm và nhờ đó tống xuất chúng khỏi phổi và đường hô hấp dễ dàng hơn. Một lượng lớn các hợp chất giúp giảm histamin và các loại chất chống ôxy hóa có trong vỏ cam giúp làm giảm triệu chứng các bệnh cảm lạnh, cúm, viêm phế quản và ung thư phổi. Histamin là một loại hóa chất chịu trách nhiệm tạo ra các phản ứng dị ứng. Do đó, vỏ cam hoạt động như một thực phẩm chống dị ứng tiềm năng; làm giảm sổ mũi và hắt hơi do dị ứng. Vỏ cam có chứa một hợp chất được gọi là beta-cryptoxanthin được chứng minh là làm hỗ trợ trong điều trị ung thư phổi.
Ngăn ngừa các bệnh đường tiêu hóa: Vỏ cam chứa một lượng lớn chất xơ có tên là polysacarit không hòa tan như tannin, hemi-cellulose và pectin giúp ngăn ngừa táo bón. Ăn vỏ cam cũng ngăn ngừa chứng ợ nóng, dư axit và buồn nôn, nôn ói.
Cải thiện sức khỏe răng miệng và làm trắng răng: Bạn có thể loại bỏ mùi hôi từ miệng một cách tự nhiên bằng cách nhai vỏ cam thay kẹo cao su. Vỏ cam cũng giúp làm trắng cùng với cải thiện độ nhạy cảm của răng.
Phòng bệnh ung thư: Theo một số nghiên cứu, vỏ cam làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư da.
Cải thiện sức khỏe của tim: PMF có trong vỏ cam là các hợp chất đã được chứng minh có tác dụng có lợi cho sức khỏe của tim và làm giảm huyết áp, giảm mức cholesterol (LDL) trong máu.
Tăng cường miễn dịch: Do chứa lượng lớn vitamin A và vitamin C, ăn vỏ cam giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Do đó, bạn sẽ ít bị nhiễm cúm, cảm lạnh hoặc ho hơn.
Cách chế biến vỏ cam trong các món ăn
Vỏ cam đã được chứng minh là rất có lợi cho sức khỏe, như vậy thì sao chúng ta không tận dụng nó nhỉ! Hãy tham khảo một vài cách để biến vỏ cam thành những thứ khoái khẩu hàng ngày nhé.
Trước khi sử dụng vỏ cam, phải đảm bảo là bạn đang sử dụng một thực phẩm an toàn và phải rửa sạch (bằng nước muối) ngay cả khi bạn đang sử dụng một sản phẩm hữu cơ. Có nhiều cách để tiêu thụ vỏ cam như bổ sung nó vào công thức chế biến các loại bánh nướng, đồ tráng miệng, các món salad, trộn với sữa chua, nước sốt, đồ uống như trà, sinh tố… Nhưng đơn giản nhất có lẽ là làm mứt vỏ cam – một món ăn vặt hầu như không biết ngán là gì.
Chuẩn bị 500g vỏ cam vàng, 300g đường, 100g mật ong, muối. Vỏ cam sau khi rửa sạch đem thái thành những miếng dài nhỏ có bề dày khoảng 1cm. Cho toàn bộ phần vỏ cam vào nồi, cho thêm nước lạnh và đun khoảng 3-5 phút thì tắt bếp. Sau đó chế bỏ nước, bước này sẽ giúp vỏ cam bớt the hơn.
Mứt cam sau khi chế biến có thể sấy khô.
Sau khi luộc vỏ cam, tiếp tục cho vỏ cam vào ngâm với muối pha loãng từ 8-10 giờ, sau đó rửa vỏ cam vài lần với nước sạch để không bị mặn. Cho vỏ cam, đường, mật ong vào trong tô lớn trộn đều, đậy nắp và để cho đường tan hoàn toàn. Khi đường tan hoàn toàn thì cho vỏ cam đã ướp đường vào chảo cho lên bếp đun với lửa nhỏ. Dùng đũa đảo nhẹ nhàng cho đến khi đường cạn và sền sệt lại, vỏ cam chuyển sang màu vàng óng thì tắt bếp. Vớt mứt vỏ cam ra và xếp lên giá của lò nướng, bên dưới các bạn đặt khay để hứng nước đường chảy ra từ vỏ cam rồi cho vào lò, sấy ở nhiệt độ 1000C trong khoảng 15 – 20 phút. Nếu không có lò nướng thì có thể hong mứt ngoài trời nắng hanh hoặc cho vào tủ lạnh để mứt được khô.
Mứt vỏ cam làm xong như trên có thể cất vào lọ thủy tinh dùng dần. Vào những ngày se lạnh, ngồi nhâm nhi mứt cam vừa ngọt vừa thơm, cay cay nồng nồng khiến trong người ấm nóng sảng khoái vô cùng.