Vợ chồng “gàn” nhận nuôi trẻ nghèo Bru – Vân Kiều rồi dần hái quả ngọt

Tìm về xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) và hỏi đường tới nhà người phụ nữ đang nhận nuôi 5 người con là đồng bào Bru – Vân Kiều ai cũng vui vẻ mà nói đó là gia đình chị Ngô Thị Hồng (SN 1983) và anh Nguyễn Đức Anh (SN 1980) ở thôn Phúc Tự Đông.

Vợ chồng "gàn" nhận nuôi trẻ nghèo Bru - Vân Kiều rồi dần hái quả ngọt - Ảnh 1.

Bữa cơm quây quần của gia đình chị Hồng cùng những đứa con nuôi người Bru – Vân Kiều.

Có khách đến chơi, anh chị nhiệt tình tiếp đón. Khi nhắc đến chuyện những người con nuôi của mình chị Hồng vui vẻ cho rằng vì tình yêu thương mà đùm bọc các con chứ không có gì quá to tát để được tung hô.

Chị Hồng cho biết, mình là cán bộ văn hóa công tác tại UBND thị trấn Phong Nha (trước đây là xã Sơn Trạch) huyện Bố Trạch từ năm 2012 đến nay. Từ những ngày đó, chị cùng cán bộ địa phương, đội ngũ giáo viên thường xuyên trèo đèo, lội suối vào những thôn bản xa xôi của xã.

Đặc biệt có bản Rào Con là nơi đặc biệt khó khăn. Bản làng nằm heo hút giữa rừng sâu, cách trung tâm xã hơn 8km đường rừng. Con đường độc đạo dẫn vào bản rất khó khăn, lầy lội vào mùa mưa, cư dân nơi đây chủ yếu là đồng bào Bru-Vân Kiều.

Cuộc sống của bà con nơi đây biệt lập với thế giới bên ngoài, trình độ nhận thức chưa cao nên nơi bản nghèo Rào Con, những phong tục lạc hậu vẫn hiện hữu.

Thời điểm đó, trong bản chưa có điểm trường, nên đều đặn hàng tuần, các thầy, cô giáo cùng chính quyền địa phương lại phải vào bản vận động con em ra trường ở xã. Những lần vào bản, thấy hoàn cảnh của những đứa trẻ Vân Kiều đói nghèo, thiếu thốn, chị Hồng luôn mong muốn làm gì đó để những đứa trẻ nghèo có tương lai tốt hơn.

Vợ chồng "gàn" nhận nuôi trẻ nghèo Bru - Vân Kiều rồi dần hái quả ngọt - Ảnh 2.

Chị Hồng tỉ mẩn hướng dẫn các con các kỹ năng trong sinh hoạt hằng ngày để sau này các con có thể tự chăm sóc bản thân khi rời xa vòng tay bao bọc của bố mẹ nuôi.

Sau những đêm trằm trọc suy nghĩ, chị quyết định xin phép bố mẹ của 2 anh em ruột Nguyễn Văn Lửa (SN 2000) và Nguyễn Văn Long (SN 2004) được đón các cháu ra chăm nuôi tại nhà ở trung tâm xã. Vài năm sau đó, điểm trường được thành lập ở Rào Con, các em vào lại bản.

Nhưng ở bản nghèo, phần lớn các em học hết lớp 9 đều bỏ học rồi trở về mưu sinh trên nương rẫy. Không muốn những đứa trẻ mãi sống trong bấp bênh, đói nghèo vì thiếu kiến thức, chị Hồng ngỏ ý với chồng đưa những con em ở Rào Con về ăn ở tại nhà mình và xin cho học trường THPT huyện.

Biết vợ có tình yêu thương con trẻ, việc làm ấy cũng ý nghĩa nhưng anh Đức Anh cũng phải suy nghĩ nhiều mới đưa ra quyết định. Bởi với thu nhập của một kỹ sư xây dựng cộng với lương của vợ, việc chăm lo cuộc sống gia đình 4 người cũng gặp không ít khó khăn.

Hiểu tâm tư của chồng, chị Hồng dẫn anh Đức Anh thực địa một chuyến vào bản Rào Con để anh thấy được những khó khăn của đồng bào và những đứa trẻ chị đang muốn cưu mang.

“Sau khi được vợ dẫn đi một chuyến ở Rào Con, thấy được vòng luẩn quẩn nghèo đói nên tui đã đồng ý dẫn Lửa và Long về nhà mình nuôi dưỡng, cho ăn học kẻo mình không làm là các cháu bỏ học thì cái nghèo cứ bu bám, áy náy lắm”, anh Đức Anh chia sẻ.

Vợ chồng "gàn" nhận nuôi trẻ nghèo Bru - Vân Kiều rồi dần hái quả ngọt - Ảnh 3.

Bận rộn với công việc ở cơ quan và các hoạt động xã hội, chị Hồng vẫn luôn thu xếp để quan tâm cuộc sống và học tập của các con.

Người thân, xóm giềng biết chuyện vợ chồng chị Hồng nhận con nuôi, ai cũng lắc đầu khó hiểu. Nhưng rồi họ cũng dần hiểu và đánh giá cao việc làm ý nghĩa của vợ chồng chị Hồng.

Không dừng lại ở việc nhận nuôi hai anh em Long và Lửa, theo thời gian số nhân khẩu trong gia đình chị tăng tới 5 người con nuôi Vân Kiều. Các cháu đã được anh chị đón về nhà nuôi dưỡng, cho học hành. Trong đó, cháu Long, cháu Thừa đang học lớp 12, cháu Hận lớp 11 và Việt, Trường đang theo học lớp 10.

Đón các cháu về, mọi chi phí sinh hoạt trong nhà, sắm sửa quần áo, sách vở, xe đạp… dù thêm khó khăn, nhưng anh chị vẫn cố gắng chu toàn không để các em thua thiệt và coi các em như con đẻ trong nhà.

“Tiền lương tháng của mình coi như phục vụ ăn uống, chi tiêu trong nhà. Nhà đông con nên tốn tải lắm, có tháng bị âm lương. Phải nhờ thêm hỗ trợ thêm từ anh chị em không thì không đủ. Ấy mà nhìn chúng nó mạnh khỏe, học hành chăm chỉ từng ngày vợ chồng tui vui lắm”, chị Hồng cười vui cho biết.

Từ những ngày đầu giúp các cháu hòa đồng với nhịp sống miền xuôi, anh chị phải chỉ dạy các cháu  từ nấu cơm, giặt đồ, gấp chăn màn, thậm chí cả cách dùng nhà vệ sinh… Vợ chồng chị Hồng cứ từ từ bày dạy cho các cháu, tới bây giờ các cháu đã thành thục mọi chuyện.

Vợ chồng "gàn" nhận nuôi trẻ nghèo Bru - Vân Kiều rồi dần hái quả ngọt - Ảnh 4.

Không phân biệt con ruột hay con nuôi, đại gia đình của chị Hồng luôn yêu thương nhau.

“Lúc nhận đám trẻ về nuôi, 2 đứa con trai tôi nhất quyết không chịu đến lớp vì bị bạn bè trêu là ở cùng nhà với “tộc”. Phải mất một thời gian dài, với nỗ lực của ba mẹ, các cháu mới hiểu chuyện, biết cách sẻ chia, yêu thương, bao dung hơn. Bây giờ, sau giờ học chúng chơi đùa cùng nhau vui vẻ như anh em ruột trong nhà và không có khoảng cách nữa”, chị Hồng bộc bạch.

Ấy vậy mà cũng gần chục năm chị Hồng gắn với lịch trình, ngày đi xe buýt  gần 30km từ nhà lên thị trấn làm việc, tối đến nấu ăn, hướng dẫn đám trẻ vệ sinh cá nhân. Rồi anh chị lại cùng nhau kèm cặp các con học bài. Cảm nhận được yêu thương đủ đầy, nên các em luôn nghe lời và chăm chỉ học tập.

Rồi sau những năm dài gắn bó cùng bố mẹ nuôi, các em cũng bước dần vào những năm cuối của cấp 3. Khi đó việc định hướng nghề nghiệp cho các cháu cũng khiến anh chị trăn trở.

Trong thời gian chăm sóc, kèm cặp học tập, chị nhận ra học lực các cháu không thể bằng các bạn cùng lớp, nhất là các môn lý thuyết cơ bản. Tuy nhiên, với các môn thực hành nghề thì rất nhanh nhẹn, sáng tạo. Vợ chồng anh chị cũng định hướng cho các cháu học nghề theo sở thích.

“Tôi luôn động viên các cháu, đừng bận tâm chuyện gì. Cứ cố gắng học thật giỏi, còn sau này làm nghề gì cũng được, miễn là tử tế. Quan trọng nhất là các cháu thay đổi được tư duy, sống có ích cho xã hội này”, anh Đức Anh tâm sự.

Cũng nhờ có bố mẹ nuôi động viên, các cháu đã tự tin hơn vào việc chọn lựa lối đi cho mình trong tương lai.

“Học hết THPT em sẽ cố gắng theo học nghề điện lạnh, học thật giỏi để thành nghề, kiếm được tiền nuôi sống gia đình và không phụ lòng kỳ vọng của bố Anh, mẹ Hồng”, cháu Long chia sẻ.

Còn Nguyễn Thị Thừa là người con sáng dạ nhất, em mong muốn theo học ngành sư phạm để sau này về dạy con chữ cho con em ở bản Rào Con, giúp các em tiến bộ và dần xóa bỏ được những hủ tục.

Mỹ Phát Triển Thuốc Chữa Khỏi 100% Bệnh Ung Thư | SKĐS

Rate this post

Viết một bình luận