Đời sống hôn nhân không thể nào tránh khỏi những lúc giận hờn, cãi vã. Tuy nhiên, khi vợ chồng đã không còn muốn nói chuyện với nhau thì có lẽ đây là lúc hôn nhân đang đứng trước nguy cơ của sự rạn nứt.
Vì sao vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau?
Bất kì mối quan hệ nào cũng cần có sự giao tiếp, trao đổi với nhau. Bởi đây chính là phương tiện để giúp chúng ta có thể thấu hiểu và bộc lộc tình cảm, suy nghĩ, mong muốn của mình cho đối phương. Đặc biệt là trong đời sống hôn nhân, vợ chồng đôi lúc sẽ có những cãi vã, những hiểu lầm nhưng nếu cả hai không còn muốn nói chuyện với nhau thì cũng chính là lúc mối quan hệ đó đang bị đẩy xuống bờ vực thẳm, nguy cơ rạn nứt cao.
Vợ chồng ở với nhau chắc hẳn không thể tránh khỏi những lúc giận hờn, những lần bất đồng quan điểm, những chuyện vụn vặt khiến cả hai mệt mỏi và rơi vào trạng thái im lặng. Tuy nhiên, đây chỉ là sự im lặng nhất thời và nó là phản ứng bình thường khi chúng ta xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi.
Nhưng trong thực tế vẫn có những cặp vợ chồng, ngay cả khi không có bất kì sự cãi vã nào nhưng họ vẫn không muốn nói chuyện với nhau, cả hai đều im lặng. Thông thường họ chỉ giao tiếp với nhau về những vấn đề cần thiết, những việc quan trọng và lời nói, giọng điệu cũng không còn mặn nồng, yêu thương.
Khi vợ chồng đã không còn muốn nói chuyện với nhau thì cuộc hôn nhân đó cũng đã bước đến bờ vực thẳm. Có thể bên ngoài họ vẫn thể hiện sự quan tâm nhau, người khác nhìn vào vẫn cảm thấy ngưỡng mộ về sự hòa thuận của họ nhưng bên trong, cả hai đã không còn dành cho nhau những sự quan tâm, những lời hỏi thăm như lúc mới yêu.
Nhiều người hay bảo rằng, im lặng chính là con dao sắc bén nhất giết chết tình yêu của đôi lứa. Nó có thể là tác nhân khiến cho mối quan hệ của bạn bị đổ vỡ nếu cả hai đều dần khép mình, không muốn chia sẻ, tâm sự với nhau về suy nghĩ, cảm xúc và những chuyện vui buồn xảy ra xoay quanh cuộc sống hàng ngày.
Việc vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau có thể xuất phát từ nhiều lý do. Nếu muốn cứu vãn cuộc hôn nhân của mình, trước tiên bạn cần bình tĩnh để suy xét về lý do khiến cả hai trở nên im lặng và lạnh nhạt với nhau, sau đó cùng nhau tìm ra biện pháp để giải quyết vấn đề, vun đắp lại hạnh phúc gia đình.
Một số nguyên nhân thường gặp khiến vợ chồng không còn muốn nói chuyện với nhau:
1. Vợ chồng chán nhau
Khi yêu nhau, bạn luôn muốn kể cho nhau nghe ti tỉ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống, luôn muốn lắng nghe đối phương tâm sự, chia sẻ. Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống với nhau, vợ chồng sẽ dần phai nhạt cảm xúc, thậm chí là cảm thấy chán ngán cuộc sống hôn nhân.
Mỗi chúng ta là mỗi cá thể riêng biệt, có những suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm khác nhau. Chính vì thế, khi bước vào cuộc sống hôn nhân, chắc hẳn bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì những mặt trái của đối phương. Lúc ban đầu, bạn có thể chấp nhận và dễ dàng tha thứ cho những thói hư tật xấu của chồng/ vợ. Tuy nhiên, về lâu dài, bạn sẽ chẳng còn xem đó là những điều thú vị, thay vào đó là sự chán ghét, mệt mỏi.
Có nhiều cặp vợ chồng đã cố gắng trao đổi và chia sẻ với nhau về những thứ mà họ không hài lòng ở đối phương. Tuy nhiên, nếu cả hai không thể thay đổi vì nhau thì lâu dài, cảm giác khó chịu sẽ dần gia tăng, bạn sẽ dần không muốn trao đổi, cảm thấy quá chán ngán với bạn đời của mình, cho rằng họ đã không còn tôn trọng, yêu thương và muốn vun đắp tình cảm với mình.
2. Do vợ/ chồng ngoại tình
Ngoại tình có thể được xem là lý do lớn nhất khiến cho các cặp vợ chồng không còn muốn nói chuyện với nhau nữa. Khi đã xuất hiện người thứ 3, cũng đồng nghĩa với việc cuộc hôn nhân của bạn đã không còn trọn vẹn. Sự có mặt của người mới sẽ làm cho mối quan hệ của cả hai dần xa cách, bạn đời sẽ không còn toàn tâm toàn ý đối với gia đình.
Đàn ông hay phụ nữ đều sẽ dễ bị hấp dẫn bởi những điều mới mẻ, thú vị. Khi họ cho phép một người khác chen chân vào cuộc hôn nhân của mình thì chắc hẳn họ đã không còn quan tâm đến cảm nhận, suy nghĩ của người bạn đời. Lúc này họ sẽ dành nhiều thời gian để chăm sóc, quan tâm và lo lắng cho nhân tình. Và tất nhiên, họ cũng không còn mảy may để trò chuyện hay chia sẻ bất kì điều gì đối với vợ hoặc chồng của mình.
Ngay cả bản thân người bị “cắm sừng” đôi lúc cũng cảm thấy mệt mỏi với chính cuộc hôn nhân của mình. Nhiều người chấp nhận chung sống với kẻ đang phản bội mình, họ lờ đi như không biết gì và im lặng để níu giữ cuộc hôn nhân đang dần rạn nứt.
3. Vợ chồng không nói chuyện do không cùng quan điểm
Khác biệt và bất đồng về quan điểm sống, lối suy nghĩ cũng có thể là lý do khiến cho nhiều cặp vợ chồng trở nên im lặng và không muốn trò chuyện, chia sẻ với nhau. Trong thực tế thì không có bất kì cặp vợ chồng nào có thể hiểu và đồng cảm với nhau hoàn toàn. Mỗi người là một cá thể và có những quan điểm, sở thích, mong muốn riêng.
Chính sự khác biệt cũng là một phần để tạo nên sự thú vị và hấp dẫn trong tình yêu. Những quy luật bù trừ sẽ làm cho chúng ta có cảm giác muốn khám phá và chinh phục đối phương nhiều hơn. Tuy nhiên, khi sự khác biệt và bất đồng trở nên to lớn thì nó cũng chính là yếu tố tạo nên khoảng cách to lớn trong hôn nhân.
Chúng ta thường có xu hướng muốn chia sẻ với những người có cùng quan điểm và sở thích. Bởi khi trò chuyện với họ về những chủ đề mà họ thực sự quan tâm hoặc có cùng suy nghĩ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, được ủng hộ nhiều hơn. Ngược lại, việc chia sẻ với những người không cùng quan điểm sẽ dễ gây nên những sự tranh cãi, bất đồng. Do đó, nhiều cặp vợ chồng lựa chọn cách im lặng, không tâm sự với nhau quá nhiều để tránh việc mâu thuẫn, cãi vã.
Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân luôn cần những sự chia sẻ, tâm sự với nhau. Nếu cả hai đều lảng tránh việc trò chuyện, bày tỏ quan điểm thì rất dễ trở nên phai nhạt tình cảm. Đời sống vợ chồng không còn được mặn nồng và rất có nhiều khả năng đi đến kết thúc.
4. Bạo lực gia đình
Khi nhắc đến bạo lực gia đình, nhiều người hay nghĩ đến ngay việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay gây ảnh hưởng đến thể chất. Tuy nhiên, có một loại bạo hành còn đáng sợ hơn bạo hành thể chất đáng gấp ngàn lần, đó chính là bạo hành lạnh. Đây là một trong các hình thức hành hạ về mặt tinh thần mà một người ở trong mối quan hệ thân thiết sẽ giảm hoặc ngừng việc giao tiếp bằng lời nói với người kia, khiến họ tổn thương tâm lý nặng nề.
Việc này hoàn toàn khác biệt với sự giữ im lặng để cả hai có thời gian để suy nghĩ và nhìn nhận lại vấn đề. Mà nó chính là sự thờ ơ, vô tâm, lạnh nhạt, không xem trọng cảm xúc, suy nghĩ của vợ/ chồng. Hình thức bạo hành này có tính chất một chiều, đối phương hoàn toàn không có khả năng để “đáp trả” lại sự im lặng rùng rợn đó.
Bạo hành lạnh thường xuất hiện rất nhiều trong các mối quan hệ hôn nhân, vợ hoặc chồng có hành vi lạnh nhạt, phớt lờ, không trò chuyện, xem đối phương như người vô hình. Đây được xem như một hành vi độc hại trong hầu hết các mối quan hệ và nó có thể làm tổn thương sâu sắc đối với lòng tự trọng của con người.
Khi bạo hành lạnh xảy ra trong đời sống vợ chồng thì cả người bạo hành và người bị bạo hành đều cảm thấy quá mệt mỏi với cuộc sống hiện tại. Họ dường như không còn trò chuyện với nhau, xem nhau như người vô hình, không cãi vã, không tâm sự, không ân ái. Lúc này có lẽ bản thân mỗi người cũng đủ để hiểu rõ sự mục nát trong mối quan hệ hôn nhân này nhưng vẫn chưa biết cách để giải thoát cho nhau.
5. Do cả hai không chịu lắng nghe nhau
Vợ chồng không muốn trò chuyện với nhau cũng có thể do sự chưa thấu hiểu và không biết cách lắng nghe nhau. Tình trạng này thường gặp nhiều ở những cặp vợ chồng cưới nhau khi còn quá trẻ, cái tôi quá lớn nên khó có thể nhẫn nhịn và chịu lắng nghe người khác, ngay cả người mà mình yêu thương.
Thay vì dành thời gian để lắng nghe bạn đời của mình thì nhiều người lại chỉ chú tâm vào việc thể hiện và bộc lộ cái tôi của cá nhân. Họ chỉ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và làm những điều mình muốn mà quên đi những cảm nhận của người khác. Những cặp vợ chồng thiếu sự chia sẻ, lắng nghe thường rất khó để bày tỏ với nhau và rồi họ chọn cách im lặng.
6. Sự vô tâm
Sự vô tâm chính là thứ có thể giết đi một mối quan hệ tốt đẹp. Các cặp vợ chồng sau khi đã cùng chung sống với nhau một thời gian đôi khi lại trở nên quen thuộc, họ dường như không còn để ý đến những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống vợ chồng, không còn nhớ những ngày kỉ niệm của cả hai, quên đi những dịp lễ quan trọng.
Nhiều người cho rằng, đã là vợ chồng thì không cần phải quá chú tâm đến những việc đó, thứ mà cả hai nên làm là tập trung để xây dựng tương lươi, chăm sóc tốt cho con cái. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân được hạnh phúc và vẹn trọn thì luôn cần có sự quan tâm dành cho nhau, kể cả những điều nhỏ nhặt.
Những sự vô tâm tuy nhỏ nhưng cũng đủ khiến cho đối phương cảm thấy chạnh lòng, đặc biệt là người phụ nữ rất nhạy cảm. Khi nhận thấy đối phương dần không còn quan tâm đến sở thích hay những thay đổi nhỏ của mình cũng đủ khiến họ hình thành ra hàng nghìn các điều tiêu cực.
Lâu dần, sự vô tâm đó sẽ khiến cho cả hai không còn dành nhiều thời gian cho nhau, không còn để ý đến những điều vụn vặt, đáng yêu trong cuộc sống vợ chồng. Họ trở nên lạnh nhạt, không còn muốn nói chuyện với nhau, thậm chí có nhiều cặp vợ chồng quyết định ly hôn để tự giải thoát khỏi sự vô tình trong hôn nhân.
Vợ chồng không nói chuyện với nhau nên làm gì?
Giao tiếp là yếu tố cần thiết và quan trọng để có thể xây dựng, duy trì một mối quan hệ bền lâu, nhất là trong cuộc sống hôn nhân. Nhiều vợ chồng nhìn có vẻ như rất hạnh phúc, gia đình ấm êm, hòa thuận nhưng thực chất bên trong lại là sự mục nát, một sự im lặng đến đáng sợ.
Việc cả hai vợ chồng không trò chuyện, giao tiếp với nhau sẽ khiến cho không khí trong gia đình càng trở nên u ám. Bạn sẽ phải luôn đối diện với những sự tẻ nhạt cô đơn và dần khiến cho hôn nhân rơi vào ngõ cụt. Thậm chí, sự lạnh nhạt, im lặng của các cặp vợ chồng còn có thể gây nên nhiều sự tổn thương tâm lý nặng nề đối với con cái, trẻ nhỏ khó có thể cảm nhận được tình cảm yêu thương của chính cha mẹ.
Do đó, để có thể cứu vãn được cuộc hôn nhân đang ở bờ vực thẳm thì bạn cần nhanh chóng áp dụng các cách sau:
1. Nhận lỗi và ngừng trách móc
Như đã chia sẻ, việc vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau thường sẽ xuất phát từ những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm. Để có thể đánh tan sự im lặng này thì bạn cần phải là người chủ động nhận lỗi và hòa giải. Trong tình yêu, thắng thua không phải là điều quan trọng, đừng nên cố thắng trong một cuộc cãi vả để phải thua trong một cuộc tình.
Vì thế, thay vì liên tục trách móc, giận hờn thì cách tốt nhất đó chính là chủ động nhận lỗi và xin lỗi đối phương. Đôi khi chỉ cần sự chủ động và chân thành của bạn cũng đủ giúp cho bạn đời cảm thấy được an ủi và họ cũng biết rõ lỗi sai của mình ở đâu.
Để duy trì một cuộc hôn nhân bền vững cần có rất nhiều yếu tố và sự nhường nhịn, bao dung và vị tha luôn rất cần thiết. Do đó, đừng quá “cứng đầu” trong các cuộc cãi vã, hãy luôn là người chủ động nếu bạn thực sự muốn níu giữ và vun đắp cho cuộc hôn nhân này.
2. Lựa chọn thời điểm thích hợp
Sẽ chẳng ai thích nghe người khác trò chuyện vào những lúc họ mệt mỏi, bận rộn hay đang chạy deadline. Ngay cả bản thân chúng ta cũng không thích bị người khác làm phiền khi căng thẳng, áp lực. Hoặc đặc biệt là việc bạn đời đem chuyện riêng tư của mình nói ở chốn đông người.
Do đó, để có thể nói chuyện nhiều hơn với vợ hoặc chồng của mình thì bạn nên biết cách lựa chọn thời điểm và không gian phù hợp. Bạn có thể tâm sự, trò chuyện với vợ/ chồng vào những lúc trước khi đi ngủ, cùng nhau nhỏ to những câu chuyện và cảm xúc hàng ngày để cả hai thấu hiểu, yêu thương nhau nhiều hơn.
3. Chú ý đến lời nói, giọng điệu và cử chỉ cơ thể khi giao tiếp
Cách tốt nhất để người khác có thể lắng nghe và bị thu hút bởi câu chuyện của bạn đó chính là sử dụng lời nói ngắn gọn, giọng điệu nhẹ nhàng, cử chỉ tự nhiên, sinh động. Khi nói chuyện cùng vợ hoặc chồng, bạn đừng nên cau có hay tỏ thái độ cáu gắt, không hài lòng bởi đây có thể là hình tượng xấu xí khiến đối phương cảm thấy không còn hứng thú để trò chuyện cùng bạn.
Vì thế, để vợ chồng có thể trao đổi với nhau nhiều hơn nữa, bạn cũng nên thay đổi dần về cách nói chuyện của mình. Cách cư xử và thái độ trong lời nói của bạn thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với nửa kia. Nếu nhận được sự dịu dàng, chân thành thì chắc chắn họ sẽ dành cho bạn những sự tương tự.
Bên cạnh đó, nếu cả hai đã không trò chuyện trong một thời gian dài và hiện tại bạn không biết nên bắt đầu từ đâu thì hãy chuẩn bị sẵn những chủ đề mà bạn muốn nói. Mỗi ngày bạn có thể lựa chọn một vấn đề nào đó để cùng chia sẻ và trò chuyện với người ấy. Việc chuẩn bị trước sẽ giúp bạn hạn chế được việc nói lan man, nói dài dòng khiến người nghe khó hiểu, bối rối.
Ngoài ra, để cải thiện tốt tình trạng vợ chồng không nói chuyện với nhau thì bạn tuyệt đối không nên tự độc thoại mà hãy cố gắng đặt ra những câu hỏi tương tác. Bạn có thể hỏi xem ý kiến của đối phương về vấn đề đó? Nếu là họ thì họ sẽ giải quyết thế nào? Họ cảm thấy ra sao về chuyện này? Điều này sẽ giúp cả hai hiểu rõ hơn về suy nghĩ của nhau, xây dựng được sự gắn kết và thoải mái trong khi trò chuyện.
4. Tôn trọng sự khác biệt
Để vợ chồng có thể hòa thuận và chia sẻ với nhau nhiều hơn thì bản thân mỗi người cần phải tôn trọng sự khác biệt của đối phương. Mỗi người sẽ có những quan điểm, ý kiến, sở thích riêng của mình và họ luôn mong muốn được người khác chấp nhận, tôn trọng.
Đặc biệt là trong đời sống hôn nhân, vợ chồng cần phải biết cách chấp nhận những sự khác biệt của nhau và hạ bớt cái tôi của chính mình. Đừng nên quá bảo thủ trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân, mà hãy học cách lắng nghe, tôn trọng những mong muốn, những ý kiến đóng góp của bạn đời, đôi lúc nó sẽ giúp bạn trở nên tốt hơn rất nhiều.
5. Luôn tìm cách hâm nóng tình cảm vợ chồng
Hôn nhân là một quá trình dài và đầy gian nan nên đòi hỏi sự nỗ lực của cả vợ và chồng. Cuộc sống hôn nhân không chỉ đơn giản như lúc yêu nhau mà nó còn có thêm trách nhiệm và rất nhiều các vấn đề cần phải lo toan. Đôi lúc những sự bộn bề trong cuộc sống khiến cho nhiều cặp vợ chồng dần quên đi những giây phút mặn nồng dành cho nhau, điều này khiến cả hai không còn quan tâm đến cảm xúc của nhau, không muốn trò chuyện với nhau.
Chính vì thế, hãy luôn tìm cách để giữ lửa cho chính cuộc hôn nhân của mình. Chung sống lâu ngày với nhau khó tránh khỏi những lúc cảm thấy nhàm chán, vì thế hãy luôn tạo mới cho cuộc sống của mình. Cả hai có thể dành cho nhau những khoảng thời gian riêng, cùng nhau nấu ăn, dã ngoại hay đi du lịch để tình yêu luôn có sự tươi mới và hấp dẫn.
6. Tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý
Nếu đã áp dụng hầu hết các cách trên nhưng không thể giúp vợ chồng cởi mở, hóa giải những khúc mắc thì cách tốt nhất là bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ. Việc trò chuyện trực tiếp cùng với chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho vợ và chồng hiểu rõ hơn về nguyên nhân gốc rễ gây ra sự im lặng trong đời sống hôn nhân, từ đó dễ dàng hơn trong việc tìm cách giải quyết phù hợp và hiệu quả.
Trong quá trình tư vấn tâm lý, nhà trị liệu sẽ giúp tạo môi trường lành mạnh để cả hai vợ chồng được giao tiếp, trao đổi và bộc lộc cảm xúc với nhau nhằm gia tăng sự gắn kết, hòa hợp trong mối quan hệ. Đồng thời, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn cho bạn về những cách giải quyết xung đột trong hôn nhân, cách quản lý cảm xúc, căng thẳng để đời sống vợ chồng luôn giữ được sự hòa thuận, hạnh phúc.
Qua những chia sẻ trong bài viết này, hi vọng bạn đọc sẽ hiểu hơn về các nguyên nhân khiến vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau để có cách khắc phục hiệu quả. Đời sống vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc cãi vã, xung đột. Tuy nhiên, nếu biết cách giải quyết phù hợp sẽ giúp bạn có được một hôn nhân hạnh phúc và lâu bền.