Vỡ mộng chuối già hương

Vào thời điểm này năm ngoái, chuối già hương tại Đồng Nai được thương lái thu mua ồ ạt với giá 14.000 – 16.000 đồng/kg thì nay chỉ còn… 2.000 đồng/kg.

Chín rục đầy vườn vì không ai mua

Cách đây 2 năm, thấy các hộ xung quanh trồng chuối già hương mang lại nguồn lợi kinh tế cao (vào thời điểm này giá khoảng 20.000 đồng/kg), anh Chống Xìn Sắm (xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) chặt bỏ gần 1 ha tiêu, đầu tư khoảng 100 triệu đồng mua hơn 2.000 cây giống về trồng. Do chăm sóc kỹ nên vườn chuối của anh Sắm phát triển xanh tốt, quầy trái to và đều hứa hẹn một mùa bội thu. Thế nhưng, khi chuẩn bị vụ thu hoạch đầu tiên thì giá chuối bắt đầu giảm nhanh và hiện nay chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg. Dù vậy, khi anh Sắm gọi thương lái vào mua để “vớt vát đồng nào hay đồng đó” cũng bị từ chối. “Họ nói loại chuối này thị trường Trung Quốc ngưng mua, còn trong nước thì tiêu thụ hạn chế nên không thèm vào”, anh Sắm thiểu não nói.

Vỡ mộng chuối già hương - ảnh 1

Tại vườn chuối già hương của anh Sắm, nhiều quầy chín vàng, rục xuống gốc. “Giờ chỉ biết nhìn chuối chín rục chứ thuê nhân công chặt phá mình lại lỗ thêm”, anh Sắm cho biết. Cũng theo anh Sắm, thời điểm anh đến mua giống tại một vựa chuối của người tên Trang ở xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) thì được chị này hứa (miệng) sẽ bao tiêu sản phẩm.

Gần đó, gia đình ông Chống Sìn Sáng (ngụ xã Thanh Bình) cũng đầu tư khoảng 120 triệu đồng trồng chuối già hương sau khi chặt bỏ toàn bộ vườn cà phê già cỗi (khoảng 1 ha). “Thấy người ta trồng có ăn, mình cũng mua giống về trồng hy vọng có kinh tế cao hơn. Ai ngờ, khi chuối bắt đầu cho thu hoạch, gọi thương lái thì họ lắc đầu. Giờ chắc phải bán nhà để trả nợ tiền vay mượn ngân hàng, đầu tư vườn chuối”, ông Sáng buồn bã cho biết.

Không mua vì Trung Quốc không nhập

Bà Trương Thị Thúy Trang, chủ vựa chuối xã Thanh Bình, cho biết: “Thời điểm này năm ngoái mỗi ngày tôi thu mua hàng chục tấn, có khi cả trăm tấn đóng container đi Trung Quốc. Nhưng năm nay mặt hàng này Trung Quốc không thu mua, trong nước tiêu thụ rất chậm. Do đó mỗi ngày tôi chỉ mua vài tấn để bán lẻ thôi”.

Bà Trang cũng thừa nhận trước đây có hứa bao tiêu sản phẩm khi bán giống chuối già hương cho nông dân về trồng. “Nhưng hiện nay do mặt hàng này không tiêu thụ được, chúng tôi không thể mua giúp dân để mình phải ôm nợ. Hy vọng vài ngày tới, giá chuối tăng trở lại chúng tôi sẽ thu mua. Chứ đến mùa thu hoạch thấy người dân trồng chuối giờ không bán được, tôi cũng buồn lắm”, bà Trang nói.

Ông Nguyễn Tuấn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình, cho biết chuối là cây trồng chủ lực của địa phương với khoảng 700 ha, trong đó chuối già hương 143 ha (lớn nhất tại huyện Thống Nhất và Trảng Bom). Chuối già hương được đưa về trồng ở địa phương khoảng 10 năm nay. “Trước đây, địa phương cũng có những khuyến cáo cần thận trọng khi trồng loại chuối này nhằm tránh trường hợp ồ ạt tăng diện tích nhưng nông dân không làm theo, dẫn đến tình cảnh như hiện nay. Thực tế mấy năm trước giá chuối già hương vẫn còn ở mức cao, chỉ có năm nay giá xuống cực thấp do phía Trung Quốc chưa thu mua dẫn đến lượng chuối tồn đọng rất nhiều”, ông Cường cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân H.Thống Nhất, thông tin thêm: “Trước đây, khi cây chuối già hương được đưa vào trồng, hội nông dân đã phối hợp với phòng nông nghiệp và một số cơ quan ban ngành khác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân nên tìm hiểu kỹ thị trường, vì đây là loại cây trồng còn mới. Tránh trường hợp thấy lợi nhuận cao, nông dân đổ xô trồng làm diện tích tăng, dẫn đến cung vượt cầu, giá cả bấp bênh. Bây giờ cảnh báo đã trở thành hiện thực khi thị trường Trung Quốc ngưng nhập khẩu. Qua đây chúng tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm tạo chuỗi liên kết giữa người dân và doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.

Theo số liệu thống kê, hiện huyện Trảng Bom và Thống Nhất có diện tích trên 300 ha chuối già hương (tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái), tập trung ở các xã Bàu Hàm 1, Cây Gáo, Thanh Bình (H.Trảng Bom); Quang Trung, Gia Kiệm, Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất).

Rate this post

Viết một bình luận