Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Hoàng Thị Ánh Tuyết – Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Tắc tia sữa có thể gặp trong bất cứ thời điểm nào sau khi sinh. Tuy nhiên thường hay gặp nhất là trong tuần lễ đầu tiên. Khoảng 15% phụ nữ cho con bú bị cương vú, căng tức, đôi khi cũng gặp trường hợp tắc tia sữa bị sốt hay tắc tia sữa thành cục cứng.
1. Tắc tia sữa là gì?
Tắc tia sữa là hiện tượng khá phổ biến ở những bà mẹ sau khi sinh con lần đầu chưa có kinh nghiệm. Tắc tia sữa là tình trạng sữa mẹ bị giữ lại bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực. Hiện tượng này có thể khiến việc cho con bú cũng như hút sữa để tích trữ gặp nhiều khó khăn, đau đớn.
Tuy bệnh tắc tia sữa không đe dọa đến tính mạng nhưng nếu không điều trị kịp thời nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho mẹ, ví dụ như viêm vú từ đó gây ra nhiễm trùng hay áp xe vú rất nguy hiểm. Áp xe vú lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, dần dần người mẹ sẽ mất sữa, buộc dừng hẳn việc cho con bú và phải nuôi trẻ bằng sữa ngoài.
2. Thời điểm thường xảy ra tắc tia sữa
Vài ngày sau sinh, bà mẹ cảm thấy vú nóng, nặng và cứng. Sữa bắt đầu được tiết ra thành các tia sữa trong tuyến vú căng sữa có cảm giác như nổi cục, mặc dù dịch sữa vẫn được tiết ra. Ðây là hiện tượng căng sữa thường xảy ra vào ngày thứ 2-3 sau sinh. Nếu không được can thiệp kịp thời, tắc tia sữa có thể làm cho mẹ dễ bị nhiễm trùng, sốt, trầm cảm sau sinh…
3. Triệu chứng của tắc tia sữa
Dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng tắc tia sữa là khi sờ vào bầu vú, mẹ cảm nhận được một hoặc nhiều điểm cứng. Ngực căng cứng và to hơn so với bình thường, mức độ căng cứng càng lúc càng tăng dần, cảm giác đau nhức và không tiết sữa hoặc ra ít, vắt cũng không ra. Sữa không tiết ra hoặc tiết ra rất ít, ngay cả khi mẹ chủ động vắt sữa. Một vài trường hợp bà mẹ tắc tia sữa bị sốt hay tắc tia sữa có cục co cứng nếu sữa đã ứ đọng nhiều ở bên trong. Việc khai thông ống dẫn sớm sẽ làm giảm tình trạng bệnh và hạn chế hậu quả do tắc kéo dài.
4. Điều trị tắc tia sữa
Với tắc tia sữa thì cần dùng các biện pháp vắt để thông tia (có thể vắt sữa mẹ bằng tay hoặc dùng máy hút sữa), khi tia sữa thông sẽ hết sốt, tránh được viêm và tạo áp-xe mà không cần dùng kháng sinh. Trường hợp tắc tia sữa lâu trở thành viêm nhiễm nặng ở tuyến vú hoặc thành áp-xe tuyến vú thì cần dùng kháng sinh toàn thân (tiêm hoặc uống), nếu không khỏi thì phải kết hợp trích tháo mủ sau khi đã dùng kháng sinh.
Trong trường hợp bà mẹ tắc tia sữa bị sốt cao thì bé bú sữa mẹ sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa (đi đại tiện phân bọt, chất xanh, thậm chí tiêu chảy nếu sữa lẫn mủ). Vì vậy, trong thời gian điều trị tắc tia sữa bị sốt cao thì không nên cho bé bú bên vú bệnh mà cần hút bỏ đến khi khỏi mới cho bú lại. Phòng viêm và áp-xe vú là không để tắc tia sữa. Khi đầu vú bị nứt hoặc xây xát, cần điều trị tích cực.
Trong trường hợp tắc tia sữa có cục co cứng, không thoải mái ở vùng ngực, bạn nên cho trẻ bú nhiều lần để hút bớt sữa ra, hoặc dùng tay nắn nhẹ vắt sữa, kết hợp chườm ấm bầu vú giúp thông tia sữa, nhẹ nhàng massage bầu vú trong khi con đang bú hoặc đang hút sữa bằng máy. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến khích bạn nên nghỉ ngơi thật nhiều, bổ sung thêm nước để sữa tiết ra đều đặn hơn.
Nếu sau vài ngày tình trạng tắc tia sữa có cục co cứng vẫn tiếp diễn bạn nên dùng 1 bàn tay đè ép bầu vú lên thành ngực hoặc dùng 2 bàn tay ép vào nhau. Vừa ép vừa day sẽ làm tan các vị trí sữa đã đông kết nằm ở sâu trong bầu vú, day từ từ theo vòng tròn, tăng dần, khoảng 20 lần, rồi lại làm ngược lại, làm nhiều lần. Mặt khác vừa day, vừa chườm ấm vào bầu vú, có thể sử dụng kết hợp với máy hút sữa để hút sữa ra.
Trường hợp đã thử những biện pháp trên mà tình hình không được cải thiện cần đến bệnh viện để thầy thuốc khám bệnh và điều trị kịp thời, tránh để lâu gây biến chứng áp-xe tuyến vú rất nguy hiểm. Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng phương pháp tác động cột sống để điều trị tắc tia sữa sau sinh mà không cần dùng đến thuốc. Với Phương pháp Tác động cột sống, kỹ thuật viên điều trị chủ yếu sử dụng phần mềm đầu ngón tay tác dụng vào cột sống phía lưng của bệnh nhân để điều chỉnh, khai thông tuyến sữa, giúp thông tia, làm mềm bầu vú. Do vậy trong trường hợp cấp thiết, thai phụ nên đến bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng không đáng có.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!