(GDVN) – Hàng nghìn người đang dậy sóng phẫn nộ trước chủ trương chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên 19 tuyến phố của lãnh đạo Hà Nội.
Chứng kiến cảnh hàng loạt cây xanh “rỉ máu” do bị đốn hạ, người dân thủ đô đã không thể ngồi yên. Chủ trương chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố của lãnh đạo Hà Nội đang gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ.
Việc ông Phan Đăng Long – Phó trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội cho rằng việc chặt hạ cây xanh không cần phải hỏi ý kiến người dân càng khiến dư luận dậy sóng phẫn nộ bởi nhiều người cho rằng đó là việc khó có thể chấp nhận.
Trong số những cây xanh bị đốn hạ có những cây có tuổi thọ hàng trăm năm, gắn bó với nhiều thế hệ người dân thủ đô như máu thịt. Bởi vậy, không có gì là khó hiểu khi phong trào bảo vệ cây của người dân thủ đô đang ở mức cao trào.
Người nổi tiếng lên tiếng, dân thủ đô hành động
Ngày 17/3 vừa qua, ông Trần Đăng Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, một người dân thủ đô – đã gửi thư ngỏ đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về việc này.
Trong thư, ông Tuấn cho rằng, thông tin về việc sẽ loại bỏ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội và thực tế đang diễn ra việc chặt hạ cây xanh trên nhiều tuyến đường của Hà Nội đang gây nhiều lo lắng, băn khoăn và cả thắc mắc cho rất nhiều người dân, không chỉ ở Thủ đô mà trong cả nước.
Từ đó, ông Tuấn đề nghị: “Chủ tịch UBND TP Hà Nội nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không? Hãy thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể. Đánh dấu nhận biết 6.700 cây đó để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không.
Nếu thoả đáng, người dân không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở Xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại. Hãy để các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc nên giữ lại hay bỏ những cây gì. Cây gì giữ nhưng nên bớt”.
Cũng theo ông Tuấn, lãnh đạo Hà Nội cần công khai, minh bạch việc chọn cây mới dựa trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào, đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này? Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây… theo phương thức nào?
Trong khi đó, trên trang facebook cá nhân, ca sĩ Tuấn Hưng vừa chia sẻ một đoạn video clip nhạc chế mang tên “Sẽ không còn cây”.
Nam ca sĩ chia sẻ: “0h sẽ gửi tặng cả nhà 1 sản phẩm âm nhạc … chế. Thấy cả làng cả nước ấm ức. Em mạnh dạn góp tí thơ ca”.
Dù được chia sẻ khá muộn nhưng bài hát đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng mạng với gần 10 ngàn lượt xem, 4 ngàn lượt thích chỉ sau 30 phút chia sẻ.
Được biết, bài hát được chế trên nền nhạc ca khúc Sẽ không còn nữa, một trong những hit rất được yêu thích của ca sĩ Tuấn Hưng trong thời gian vừa qua.
Cùng với đó, nhiều Fangae trên mạng xã hội Facebook được thành lập, kêu gọi ủng hộ việc Hà Nội dừng chặt hàng nghìn cây xanh trên các tuyến phố. Các Fanpage này nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi, đóng góp ý kiến đề xuất trước đề án được đánh giá là ‘táo bạo” này của Hà Nội.
Không chỉ vậy, Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã đưa ra những câu hỏi xoáy sâu quanh dự án gây nhiều tranh cãi này ở Thủ đô trong đó, giáo sư đưa ra ba vấn đề lớn, chủ yếu xoay quanh những lý do mà thành phố Hà Nội đưa ra để chặt cây.
Không đồng tình với việc chặt phá cây xanh, từ đêm 18/3, người dân thủ đô đã xuống đường gắn dòng chữ kêu gọi vào các cây cổ thụ.
Những tờ giấy được dán lên cây được viết bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh với nội dung: “Xin đừng giết tôi”, “Tôi đang khỏe mạnh – Xin đừng giết tôi”…
Phản ứng bị đánh giá là chậm, thiếu quyết liệt của Chủ tịch Hà Nội
Ngày 18/3, đúng 1 ngày sau khi ông Trần Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam gửi thư ngỏ đến Chủ tịch UBND TP.Hà Nội kiến nghị về việc thay thế cây xanh, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có bức thư gửi trả lời ông Tuấn về việc này.
Đó là bức thư mà nhiều cư dân mạng cho rằng đầy lỗi văn phong, chính tả và nội dung trả lời chưa đúng trọng tâm.
Trong thư, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo viết: “Tôi đã đọc bức thư ngỏ của ông gửi Chủ tịch UBND thành phố đăng trên một số tờ báo và trang mạng cá nhân, nêu kiến nghị về việc hạ chặt, thay thế một số cây xanh trên tuyến phố Hà Nội.
Người Hà Nội làm thơ xót thương cây bị chặt
(GDVN) – Tác giả cũng như bao người dân Hà Nội rất xót xa, khó hiểu và không hài lòng khi Hà Nội quyết định chặt đi 6.700 cây xanh.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên báo chí phản ánh, tôi đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị; khi thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận của nhân dân. Đồng thời tôi cũng yêu cầu người phát ngôn của UBND thành phố thông tin trên các báo, đài về việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố.
Với trách nhiệm Chủ tịch UBND thành phố, tôi luôn lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức và mọi người dân, từ đó chỉ đạo, điều hành vì mục tiêu chung xây dựng và phát triển Thủ đô”.
Động thái này của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo được đưa ra khi mà rất nhiều cây xanh đã bị chặt hạ dù chúng còn rất khỏe mạnh và dư luận đang ở cao trào phẫn nộ. Nhiều người cho rằng đó là phản ứng quá chậm bởi trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Chủ tịch Hà Nội hoàn toàn có thể lập đường dây nóng để mọi thông tin phản ánh được xử lý nhanh chóng, kịp thời chứ không phải chờ một văn bản khi chuyện đã rồi.
Dù đã có chỉ đạo như trên, nhưng văn bản trả lời của Chủ tịch Hà Nội không thể xoa dịu những nỗi đau mà người dân thủ đô đang phải chịu.
Trước nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, ngày 18/3, Hà Nội lại có ý kiến giải thích lý do vì sao chặt hạ thay thế cây.
Theo UBND Thành phố, qua rà soát, Hà Nội có khoảng 6.700 cây (tỷ lệ 5,58%) già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng giao thông, cây chết và gần chết, nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị. Vì vậy, các cây này cần được từng bước thay thế bằng các loài cây phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được phê duyệt.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã đề xuất thành phố cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015-2017), dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng.
Dư luận vẫn dậy sóng phẫn nộ bởi đúng như GS Ngô Bảo Châu nói: Tại sao từ trước đến nay công ty công viên cây xanh vẫn thực hiện duy tu bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây? Tại sao nhiều cây cao, thẳng, khoẻ mạnh cũng bị chặt? Phát triển thành phố đã có quy hoạch, tại sao bỗng dưng lại phải có chiến dịch chặt cây? Cây mới trồng lại bao giờ mới lớn? Để chờ một có một hàng cây đồng bộ thẳng hàng, tổn thất cho dân là gì, có xứng đáng không? Biển quảng cáo kích thước không đồng bộ, có cái khổng lồ, có cái mới treo chồng lên cái cũ, sao không có chiến dịch chế tài, gỡ hết đi cho đỡ nhem nhuốc bộ mặt thành phố?
Trước hàng loạt câu hỏi khó này của GS Ngô Bảo Châu, để trấn an dư luận, ngày 19/3, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã gắn biển trên những cây dự kiến chặt hạ, đánh chuyển, thay thế cây mới trên một số tuyến phố Thủ đô. Tấm biển có kích thước 30x20cm, chất liệu bằng tôn, có ghi rõ: “Cây dự kiến đánh chuyển. Cây trồng mới…”. Dự kiến đến sáng nay (20/3) sẽ có 100 cây được treo biển.
Mục đích của việc làm này là để Công ty Công viên cây xanh Hà Nội tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân qua số máy 04.39764540, trực 24/24h. Cán bộ trực tổng đài cho biết, người dân có thể gọi đến số điện thoại trên bất cứ thời điểm nào để phản ánh, góp ý về vấn đề cây xanh công cộng.
Thế còn những cây xanh đã bị chặt hạ, chúng đã đi về đâu?
Trong phiên họp thường kỳ của lãnh đạo thành phố vào sáng 19/3, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định: Không có chuyện “kiếm chác” từ việc chặt cây.
Dù vậy, người dân vẫn không khỏi hoài nghi xung quanh lượng gỗ lớn sau khi bị đốn hạ.
PHONG NGUYÊN