Tượng mẹ Tám Rành, biểu tượng của người mẹ Nam bộ.
Quá khứ hào hùng vùng đất thép
Xuất hiện từ rất sớm, tuyến đường Xuyên Á (nay là quốc lộ 22), nối 3 trung tâm lớn nhất Đông Dương cách đây hơn nửa thế kỷ là Sài Gòn – Phnom Penh -Vientiane chia đôi vùng đất phía Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng khu vực phía Tây Bắc hiện nay có hàng trăm các tuyến đường lớn nhỏ mang tên các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ mẹ Nguyễn Thị Rành, người được coi là biểu tượng của các bà mẹ miền Nam, hiện được dựng tượng ở ngay trước cửa Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đặt tại đường Võ Thị Sáu (TP HCM) cho tới những mẹ như Nguyễn Thị Thử, Lê Thị Kim, Bùi Thị Điệt, Nguyễn Thị Sóc…
Tất cả các mẹ từng một thời âm thầm nuôi dưỡng cán bộ chiến sỹ cách mạng, đã mất đi những người con chiến đấu bảo vệ mảnh đất này. Thậm chí nhiều mẹ cũng là chiến sỹ, liệt sỹ khi trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu và hy sinh.
Có lẽ không ai muốn được “ghi danh” bằng cách động viên 8 người trai cùng 2 người cháu xung phong ra làn tên mũi đạn. Nhưng vì quê hương đất nước, mẹ Nguyễn Thị Rành đã gạt đi đau thương của gia đình để lần lượt động viên các con trai, cháu nội ra trận với mong muốn duy nhất là đánh đuổi kẻ thù, thống nhất đất nước. Bản thân mẹ cũng đào hầm, liên lạc, nuôi dưỡng, tiếp tế thực phẩm cho cán bộ rồi bị giặc bắt, tra tấn tù đày nhưng mẹ quyết không hề khai báo. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, mẹ dù vui mừng nhưng nỗi đau mất đi 10 người thân không ai chia sẻ được cùng mẹ.
Mẹ Rành sinh năm 1900 tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi trong một gia đình có nhiều đời tham gia các phong trào chống Pháp rồi chống Mỹ. Sau đó, dù lập gia đình cùng với một thầy giáo quê ở Đức Hòa (tỉnh Long An) nhưng gia đình mẹ Rành vẫn chọn mảnh đất Củ Chi để sinh sống, nhiều lần từ chối di chuyển vào các ấp chiến lược do chính quyền Ngụy lập lên.
Trong thời gian từ năm 1947 tới năm 1969 mẹ Rành đã phải đau đớn chịu cảnh tre già khóc măng non khi 8 người con trai yêu quý của mẹ tên là Dúng, Sóc, Vẻ, Hè, Huội, Sướng, Nâng, Luôn lần lượt ra đi mãi mãi theo tiếng gọi của non sông. Đau thương, mất mát là thế nhưng mẹ quyết không ngã quỵ, quyết không từ bỏ khi đất nước còn chia cắt. Những đứa cháu trai của mẹ lại tiếp tục lên đường đánh giặc tiếp bước những người cha, người chú, người cậu anh hùng của mình. Và rồi, mẹ lại khóc tiễn đưa những người cháu ruột thịt ấy. Thường được gọi bằng cái tên “má Tám Rành”, cuộc đời mẹ Rành gần như là biểu tượng của người mẹ Nam bộ thời kháng chiến chống Mỹ Ngụy. Với vẻ bề ngoài hiền hậu, nụ cười luôn nở dưới chiếc khăn rằn là ý chí sắt đá, là một tinh thần chiến đấu và gan dạ đến lạ thường.
Không chỉ có đường Nguyễn Thị Rành, ở vùng đất phía Tây Bắc thành phố còn có hàng trăm con đường được đặt theo tên các mẹ một cách trang trọng, trải dài từ huyện Hóc Môn qua cả địa phận quận 12. Thời chiến tranh, vùng đất này nổi tiếng với địa danh “18 thôn vườn trầu” từng mang đến biết bao kinh hoàng cho kẻ thù. Đằng sau những cán bộ cách mạng là những người mẹ tảo tần ngày ngày ra đồng, đi chợ nhưng vẫn nuôi nấng, giúp đỡ cách mạng.
Đó là mẹ Việt Nam Anh hùng liệt sỹ Trịnh Thị Dối, sinh năm 1910 ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Mẹ là liệt sỹ (hy sinh năm 1962) nhưng trước đó, mẹ có 3 con là liệt sỹ gồm: Liệt sỹ Phạm Văn Mén, sinh năm 1935, hy sinh năm 1969; Liệt sỹ Phạm Văn Đực (Lớn), sinh năm 1944, hy sinh năm 1968; Liệt sỹ Phạm Văn Đực (Nhỏ), sinh năm 1947, hy sinh năm 1968.
Mẹ Dối sinh được 8 người con (1 gái, 7 trai), trong kháng chiến mẹ tham gia làm giao liên, năm 1962 mẹ bị giặc bắt, tra tấn dã man và hy sinh tại khám Chí Hòa. Hiện nay, tên của mẹ cũng đã được đặt cho một con đường ở mảnh đất mẹ từng sinh ra, chiến đấu và hy sinh.
Hay như mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Na, sinh năm 1905, mất năm 1982 cũng ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Mẹ có 3 con là liệt sỹ gồm: Liệt sỹ Nguyễn Hoàng Oanh, sinh năm 1927, hy sinh năm 1950; Liệt sỹ Nguyễn Văn Bảng, sinh năm 1943, tham gia kháng chiến năm 1964, hy sinh năm 1968; Liệt sỹ Nguyễn Văn Sĩ, sinh năm 1950, tham gia kháng chiến năm 1967, hy sinh năm 1968. Trong kháng chiến, mẹ tham gia nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ cách mạng.
Rồi mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Như, sinh năm 1910, mất năm 1988 ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn. Mẹ có 3 con là liệt sỹ gồm: Liệt sỹ Hồ Văn Na, sinh năm 1935, hy sinh 1953; Liệt sỹ Hồ Văn Chót, sinh năm 1944, hy sinh năm 1962; Liệt sỹ Hồ Văn Siêng, sinh năm 1948, hy sinh năm 1969. Mẹ sinh sống bằng nghề làm ruộng và đan giỏ. Trong kháng chiến, mẹ tham gia nuôi giấu, tiếp tế lương thực để nuôi quân. Ngoài ra, mẹ còn cất giấu đạn dược cho du kích địa phương hoạt động. Nhiều lần giặc bắt mẹ lên đồn dụ dỗ, dọa nạt để mẹ kêu gọi các con đầu hàng giặc, nhưng mẹ kiên quyết không mắc mưu của giặc. Anh Hồ Văn Na hy sinh, bất chấp sự đe dọa của giặc, mẹ vẫn ra nhận xác con về chôn cất. Đến khi anh Chót hy sinh, 1 tháng sau mẹ mới hay tin, không tìm thấy xác anh, vì thương con nên mẹ bị mất trí nhớ mấy tháng trời.
Rồi mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Kim, sinh năm 1905, mất năm 1954 cũng ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn. Mẹ có 3 con là liệt sỹ gồm: Liệt sỹ Phạm Văn Rớt, sinh năm 1935, công tác tại Tiểu đoàn 82 Tây Ninh, hy sinh năm 1967; Liệt sỹ Phạm Văn Mười, sinh năm 1944, hy sinh năm 1969 tại tỉnh Tây Ninh; Liệt sỹ Phạm Văn Một, sinh năm 1946, hy sinh năm 1968, tại chợ Cây Thị, quận Gò Vấp. Trong kháng chiến, gia đình mẹ là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Mẹ sinh sống bằng nghề buôn bán nhưng phần lớn tâm huyết của mẹ dành cho các con, các cán bộ cách mạng và đối phó với kẻ thù.
Rồi mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Ó, sinh năm 1909 ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi và hy sinh năm 1961. Mẹ Huỳnh Thị Ó sinh được 7 người con (2 trai, 5 gái). Ngoài 2 người bị bệnh chết từ nhỏ thì tất cả 5 người con còn lại tất cả đều thoát ly gia đình đi kháng chiến hoặc tham gia công tác cách mạng tại địa phương. Mẹ có hai con là liệt sỹ (một con trai và một con gái) đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày nay, tên của tất cả các mẹ đều đã đặt thành tên đường nơi các mẹ từng sống, từng chiến đấu và hóa thân vào đất này.
Tên các mẹ thành tên những con đường
Gần nửa thế kỷ từ ngày đất nước thống nhất, mảnh đất Củ Chi nay đã được nhiều người tìm tới vì những chiến công vang dội hào hùng trong quá khứ. Những cựu binh người người Mỹ khi quay lại Việt Nam đã phải cúi đầu và chấp nhận thất bại tâm phục khẩu phục vì hệ thống hầm ngầm địa đạo dài hàng chục cây số dưới lòng đất Củ Chi. Những công trình thời chiến tranh ấy thậm chí còn gây ngỡ ngàng cho nhiều thế hệ trẻ trên khắp thế giới khi tới tham quan du lịch vùng đất này. Và ít ai biết rằng, nhiều mẹ ở vùng đất này đã vừa trực tiếp, vừa đứng sau những công trình khiến bom đạn không thể nào phá hủy được.
Ngày nay, dù công lao của các mẹ đã được ghi nhận, được đền đáp một phần. Các mẹ đã hóa thân vào một phần của vùng đất này, của quê hương xứ sở nhưng thực tế, nhiều người vẫn không có đầy đủ thông tin về cuộc đời, những đóng góp của các mẹ. Dường như, sự hy sinh của các mẹ mãi mãi là trong thầm lặng. Từ lúc sinh thời cho tới tận bây giờ, ngay cả khi đã được đặt tên đường, tên phố.
Còn nhớ có lần chừng 5 năm trước, khi dẫn một người thân là giáo viên dạy sử về hưu từ ngoài Bắc vào thăm khu địa đạo Củ Chi, chúng tôi đã đi qua nhiều tuyến đường. Những tên đường như Huỳnh Thị Ó, Trịnh Thị Miếng, Nguyễn Thị Rành… nhưng người thân của tôi vô cùng ngạc nhiên, lạ lẫm với những địa danh ấy. Ông không hề biết những tên riêng ấy là nhân vật lịch sử nào và đặc biệt thấy rất lạ khi nhiều tuyến đường đi qua đều là tên của phụ nữ.
Thực tế, rất nhiều người ở nơi khác cũng thấy kỳ thú nếu lần đầu tiên tới vùng đất phía Tây Bắc thành phố mang tên Bác. Với nhiều đô thị khác, hay chính thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tuyến đường vẫn lựa chọn tên những danh nhân, những nhân vật lịch sử được đông đảo người dân biết tới. Vì thế, dải đất yên bình phía Tây Bắc chọn cách đặt tên cho hàng trăm tuyến đường là những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, là khác biệt lớn. Khác lạ nhưng lại là đặc trưng làm lên danh tiếng “đất thép” của mảnh đất này…
Từ thời chiến tranh cho tới ngày thống nhất, vùng đất thép một phần được tạo ra bởi bàn tay của những người mẹ sinh sống ở nơi này. Hơn hai ngàn người được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng trăm người trong số đó đã được đặt tên cho những con đường.
Thực tế, nếu không tìm hiểu kỹ càng, không nhiều người biết về cuộc đời và sự hy sinh của các mẹ. Có lẽ, phải tìm hiểu rất kỹ, qua nhiều nguồn tài liệu mới có những thông tin ấy, với ngay cả những thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này ngày hôm nay.
Nhưng có lẽ với các mẹ, điều đó không quan trọng bằng sự bình yên, thống nhất của quê hương đất nước, của xứ sở các mẹ đã sinh ra, lớn lên và dành tất cả tình yêu vào đó.