Vượt lên trên những thói quen xấu | Ron Rolheiser

A A A

Tất cả chúng ta đều có những khiếm khuyết, những điểm yếu, những chỗ mà chúng ta “đi tắt” về mặt luân lý, những điểm tối, những bệnh nghiện bí mật và không-bí-mật-cho-lắm. Khi chân thật với lòng mình, chúng ta đều thấy thánh Phaolô đã nói rất đúng: “Điều tốt tôi muốn làm thì tôi chẳng bao giờ làm; điều xấu tôi không muốn làm thì đó chính là điều tôi làm.” Chẳng ai trong chúng ta là toàn thiện, là bậc thánh từ đầu chí cuối cả. Bao giờ cũng có điều gì đó mà chúng ta đang phải chật vật xoay xở: giận, chua chát, hằn học, ích kỷ, lười biếng, hay thiếu kiềm chế bản thân (nặng hay nhẹ) về tình dục, thức ăn, thức uống, hay vui chơi. 

Và đối với phần lớn chúng ta, kinh nghiệm đã nói cho chúng ta hiểu, rất khó bỏ thói quen xấu. Trên thực tế, nhiều khi chúng ta còn không thể nào tập trung được ý chỉ để từ bỏ chúng, chúng đã thấm quá sâu vào chúng ta. Năm này qua năm khác, chúng ta xưng cùng một tội, cũng như các quyết tâm phải thực hiện mỗi khi Năm Mới về, chúng ta chẳng bao giờ thực hiện. Và mỗi năm chúng ta lại nói với bác sĩ dứt khoát năm nay sẽ giảm cân, tập thể dục nhiều hơn, ăn kiêng cử hơn. Cách nào đó mà chuyện này chẳng bao giờ chúng ta làm được cả, vì các thói quen của chúng ta, như Aristotle nói, đã trở thành bản năng thứ hai – mà bản năng thì chẳng dễ dàng thay đổi.

Vậy làm thế nào chúng ta thay đổi được? Làm thế nào chúng ta vượt lên trên những thói quen xấu đã nhiễm quá sâu?

Thánh Gioan Thánh giá, nhà thần bí người Tây Ban Nha, gợi ý về hai con đường có thể hữu ích. Cả hai con đường xem trọng đến sự yếu đuối của con người và sức mạnh không chịu khuất phục của thói quen xấu bên trong chúng ta. 

Đây là lời khuyên thứ nhất: Rất khó làm bật rễ một thói quen xấu bằng cách tấn công nó trực diện. Khi làm như vậy, thường thì rút cục chúng ta tập trung một cách thiếu lành mạnh vào chính thói quen đó, nản lòng vì tính chất không khoan nhượng của nó, và lại bị nguy ở chỗ có thể làm xấu thêm tác động của nó đối với đời sống của chúng ta. Chiến lược tốt hơn là “đốt” (từ của người) những thói quen xấu của chúng ta bằng cách tập trung vào những gì tốt đẹp trong cuộc sống của mình và làm tăng trưởng các đức hạnh tới khi nào chúng “đốt sạch” những thói quen xấu của chúng ta. 

Đó không những là ẩn dụ của lòng mộ đạo mà còn là một chiến lược lành mạnh. Tác dụng của nó như sau: Chẳng hạn bạn tưởng tượng đang vật lộn với những chuyện nhỏ nhen và cơn giận bất cứ khi nào bạn thấy mình bị coi thường. Không có quyết tâm chân thành nào trên thế gian này có thể ngăn chận bạn quy phục trước xu hướng đó, và cha giải tội hay vị hướng dẫn tinh thần cho bạn sẽ nói với bạn, thay vì tập trung bỏ thói quen đó, thì nên tập trung phát triển một trong những điểm mạnh đạo đức của bạn; ví dụ lòng quảng đại. Lòng quảng đại của bạn càng lớn thì tâm hồn bạn càng mở rộng và tốt lành hơn cho đến một lúc trong cuộc đời, đơn giản tâm hồn bạn không còn chỗ cho những hờn dỗi trẻ con và những điều nhỏ nhặt. Lòng độ lượng của bạn cuối cùng sẽ đốt cháy những điều nhỏ nhen của bạn. Chiến lược này có thể có ích đối với mọi khiếm khuyết và bệnh nghiện của chúng ta. 

Lời khuyên thứ hai như sau: Hãy cố gắng đưa cái bản năng nằm ẩn sau thói quen xấu của mình lên một tình yêu cao hơn. Điều đó có nghĩa là gì?

Chúng ta bắt đầu đưa một bản năng đằng sau một thói xấu lên một tình yêu cao hơn bằng cách tự đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao, rút cục, tôi bị lôi kéo như thế này? Tại sao, rút cục, tôi cảm thấy hằn học, nhỏ mọn, tức giận, thèm khát, lười nhác, hay cần ăn cần uống quá độ như vậy? Rút cục, khuynh hướng này bắt rễ từ đâu?

Câu trả lời có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Luôn luôn gốc rễ sâu xa nhất của cái khuynh hướng về một thói quen xấu là tình yêu. Bản năng này hầu như luôn luôn bắt rễ từ tình yêu. Hãy phân tích những mộng ước của mình. Trong những cơn mộng đó chúng ta phần lớn là cao thượng, tốt đẹp, rộng lượng, quảng đại, toàn thiện, và đầy yêu thương, kể cả khi trong đời sống thực chúng ta có lúc nhỏ mọn, chua cay, ích kỷ, giải đãi, và bao che nuôi dưỡng cho nhiều kiểu bệnh nghiện. Chúng ta có những thái độ và thói quen xấu này không phải vì chúng ta không được tình yêu thúc đẩy, mà bởi vì, ở chính cái điểm cụ thể này, tình yêu của chúng ta bị rối loạn, bị tổn thương, bị chua cay, vô kỷ luật, hoặc tự coi mình là trung tâm. Nhưng nó vẫn là tình yêu, năng lượng tốt nhất trong mọi năng lượng, chính là ngọn lửa của hình ảnh Chúa và tính chất giống Chúa bên trong chúng ta. 

Và như vậy chúng ta bắt đầu nhổ rễ một thói quen xấu trong đời sống bằng cách, trước tiên, nhận diện và trân trọng cái năng lượng nằm đằng sau nó và châm lửa cho nó. Tiếp đến chúng ta cần đưa năng lượng này vào một khuôn khổ tình yêu cao hơn, một tầm nhìn rộng rãi hơn, ít ích kỷ hơn, trân trọng hơn, có trật tự hơn. Và đó chính là điều rất khác việc phỉ báng hay đè nén bản năng đó. Khi chúng ta phỉ báng hay đè nén một bản năng thì việc đó chỉ càng làm tăng quyền lực của nó đối với chúng ta, và rất thường xuyên nó làm cho cái bản năng kia càng tàn phá đời chúng ta ghê gớm hơn nữa. Thêm nữa, khi chúng ta phỉ báng hay đè nén một bản năng nằm đằng sau một thói quen xấu, thì thực ra chúng ta đang chống lại sức khỏe của chính mình, và sau đó chúng ta vật lộn, có lẽ chỉ trong tiềm thức nhưng không hề có ngoại lệ nào, để làm sao có đủ ý chí mà xóa bỏ thói quen xấu đó đi. Năng lượng phải được trân trọng, kể cả khi chúng ta đang chật vật để đưa nó vào kỷ luật và đưa nó vào một khuôn khổ lành mạnh hơn.

Vậy, rốt cuộc làm thế nào để chúng ta bỏ được các thói quen xấu? Chúng ta làm điều đó bằng cách trân trọng những năng lượng tiếp lửa cho các thói quen đó và bằng cách đưa những năng lượng đó vào một tình yêu cao hơn. 

Rate this post

Viết một bình luận