(HNM) – Chân – Thiện – Mỹ là những giá trị ngàn đời của nhân loại mà bất cứ xã hội nào cũng hướng tới. Đây chính là thang giá trị cốt lõi để hình thành và điều chỉnh hành vi của cá nhân cũng như định hướng hành động của cả cộng đồng. Một xã hội mà sự thật, cái thiện và cái đẹp được tôn vinh thì đó là một xã hội lành mạnh và văn minh. Ngược lại, một xã hội mà giả dối, cái xấu, cái ác không bị lên án, tẩy trừ thì xã hội đó đã và đang đứng bên bờ vực của suy thoái.
1. Tôn vinh giá trị cao đẹp của con người, đẩy lùi cái xấu, cái ác, xây dựng một xã hội lành mạnh văn minh làm nền tảng cho công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước cũng chính là mục tiêu của phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” đã hình thành trong đời sống người Hà Nội nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự vận động không ngừng của đời sống
xã hội cũng như những vấn đề đặt ra từ thực tế đang đòi hỏi phong trào phải có những đổi mới phù hợp để tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển. Trước hết, chủ thể của các phong trào thi đua là mỗi con người, trở thành người tốt, làm nhiều việc tốt trước hết phải là đòi hỏi tự thân của mỗi con người hướng tới những giá trị cao đẹp của nhân loại: Giá trị Chân – Thiện – Mỹ.
Trong mỗi con người cũng như trong xã hội luôn tồn tại các mặt đối lập: Xấu – tốt, thiện – ác, cao thượng – thấp hèn… Nếu không thể chống chọi với lòng tham, sự ích kỷ luôn tiềm tàng trong mỗi con người cũng như sự cám dỗ của quyền lực, vật chất… sẽ dễ phạm sai lầm, trở thành người xấu. Ngược lại, không để cái xấu, cái ác xâm nhập vào nhân cách sẽ có tâm hồn cao thượng và lối sống đẹp. Thế nhưng, giữa vòng xoáy của khát vọng danh lợi – bản năng của mỗi con người, vấn đề thiện – ác, tốt – xấu, cao thượng – thấp hèn nhiều lúc chỉ là sợi dây mong
manh, dễ đứt; thậm chí biến đổi một cách tinh vi và rất khó nhận biết. Và thực tế cho thấy, có rất nhiều người hôm nay là người tốt, được xã hội tôn vinh nhưng ngày mai khi đã “biến đổi” chính mình, họ đã trở thành những “con sâu” của xã hội, lực cản của sự phát triển.
Để tìm đến những giá trị cao đẹp, để trở thành người tốt – người tử tế là một quá trình tự vận động và hoàn thiện, là cuộc đấu tranh quyết liệt với chính mình từ nhận thức đến hành động. Khi cái thiện, cái đẹp được nhân lên cũng là lúc cái xấu, các ác bị đẩy lùi
trong mỗi con người. Vì vậy, nếu việc hướng những giá trị Chân – Thiện – Mỹ chưa trở thành đòi hỏi tự thân của mỗi con người thì “Người tốt, việc tốt” và các phong trào thi đua khác chưa thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Rõ ràng phải có giải pháp mới để các phong trào thi đua trở thành động lực thực sự thúc đẩy con người hướng tới cái thiện, cái đẹp và nhân lên những nghĩa cử cao thượng, nhân ái trong toàn xã hội.
2. “Hãy hướng về mặt trời, bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn”. Trong cuộc sống, nếu luôn hướng về ánh sáng, giá trị nhân văn trong mỗi con người sẽ luôn tỏa sáng. Thế nhưng, chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế là cái xấu, cái ác vẫn tiếp tục lây lan trong xã hội và nguy hiểm như những tế bào ung thư. Nếu chỉ lấy cái tốt, cái điển hình để xây cái đẹp là chưa đủ. Không lên án, tẩy trừ cái xấu, cái ác, những giá trị nhân văn sẽ bị ăn mòn, bị hủy hoại. Và đây là nhiệm vụ hàng đầu bởi không một người nào có thể an lòng khi nghĩ về sự phát triển mà trong thực tế cái xấu, cái ác chưa bị đẩy lùi hoàn toàn.
Sự suy thoái về đạo đức lối sống không còn là lời cảnh báo. Ngày càng có nhiều người tự cho phép mình quyền đứng trên những giao ước xã hội. Tình trạng “công bộc” trơ tráo ra giá, nhận hối lộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, số người ngang nhiên vi phạm pháp luật, sử dụng nắm đấm để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn thay cho việc cậy nhờ cơ quan bảo vệ pháp luật ngày càng nhiều. Mở bất cứ trang mạng xã hội nào cũng có thể tìm thấy thông tin về những hành động phi nhân tính. Quen dần những thông tin như vậy, con người đánh mất lòng trắc ẩn và trở nên vô cảm.
Thay vì phản ứng quyết liệt, tìm cách đẩy lùi cái xấu, cái ác, nhiều người “mũ ni che tai”, “nhắm mắt làm ngơ” hoặc tạo những vỏ bọc an toàn cho mình bằng cách thỏa hiệp. Đáng nói hơn, những người tử tế chiếm phần lớn trong xã hội không thể tạo nên sức mạnh để loại trừ những hành vi phản văn hóa, phi nhân tính. Và thực tế, không ít người đã chấp nhận sống chung với cái xấu, cái ác.
Cái xấu, cái ác chỉ có thể lấn lướt khi cái đẹp, cái tốt lùi bước. Nếu mỗi cộng đồng hành động quyết liệt bảo vệ những giá trị đích thực, mở đường cho “Người tốt, việc tốt” và các phong trào thi đua lan tỏa trong đời sống xã hội, trở thành động lực cho chúng ta vươn tới giá trị Chân – Thiện – Mỹ của nhân loại… chắc chắn cái xấu, cái ác không có cơ hội phát tác. Từ đó, có thể nhận định: Xây dựng những điển hình tiên tiến, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của con người cần gắn với đấu tranh bảo vệ cái mới, cái đúng và loại bỏ cái sai, cái xấu, cái ác. Xây đi đôi với chống là vì vậy.
3. Trở lại với phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô những năm gần đây, có thể thấy: Từ “Người tốt, việc tốt”, “Sáng kiến sáng tạo” đến “Dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, “hiến đất làm đường”… đã khơi dậy nguồn lực mạnh mẽ trong mỗi người dân, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội ở từng giai đoạn phát triển đồng thời lan tỏa những giá trị nhân văn trong đời sống.
Tuy nhiên, thực tế vận động và phát triển cũng như công cuộc mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra nhiều vấn đề mới và yêu cầu đổi mới từ chính các phong trào, đặc biệt là “Người tốt, việc tốt” – nòng cốt của thi đua yêu nước hiện nay.
Thi đua “Người tốt, việc tốt” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rõ nét. Và cùng với “lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau” cần coi trọng các giải pháp khuyến khích người dân xây dựng môi trường lành mạnh, văn minh qua việc đấu tranh với mọi biểu hiện suy thoái, xuống cấp về đạo đức xã hội. Bởi như trên đã nói, trong đời sống xã hội và ngay trong mỗi con người cái thiện – cái ác, cái tốt – cái xấu, cái đúng – cái sai… luôn tồn tại đan xen. Chỉ khi những giá trị Chân – Thiện – Mỹ được xã hội coi trọng, khi trái tim nhân ái lan tỏa trong đời sống cùng những nghĩa cử cao đẹp, khi bản lĩnh và trí tuệ đủ sức kiềm chế những khát vọng cá nhân trong mỗi con người thì cái xấu, cái ác mới bị đẩy lùi, cái đẹp, cái thiện mới sinh sôi nảy nở.
Xây dựng những giá trị nhân văn, bồi đắp những giá trị đạo đức xã hội và đấu tranh với sự suy thoái, biến chất là hai mặt của một vấn đề, là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của toàn xã hội.