Xử trí khi bị say rượu

(HNM) – Những ngày đầu năm mới là dịp bạn bè, người thân thường gặp gỡ, giao lưu cùng nhau bên bàn tiệc nên khó tránh khỏi việc uống rượu, bia. Đôi khi việc quá chén dẫn đến say rượu, bia. Vậy, làm thế nào để xử trí đúng cách khi bạn bè, người thân say rượu, bia nhằm tránh những tai biến đáng tiếc?

Theo các chuyên gia y tế, người say rượu, bia không nên uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu; cũng không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu, bia sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa. Khi say rượu, bia không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng gây tổn hại nghiêm trọng.

Người bị say nên uống nhiều nước ấm để không bị mất nước khi nôn liên tục. Nước chè xanh đậm giúp khử độc cồn cấp tính, uống sữa nóng, nước gừng tươi thái lát đun sôi kỹ hay dùng lá dong, rau cần tươi vắt lấy nước cốt để uống cũng sẽ rất hiệu quả, giúp máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn. Các loại nước mía, nước chanh, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ…, uống nhiều lần sẽ giải được say rượu dạng nhẹ. Người bị say rượu, bia không nên tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch. Khi thấy người thân có biểu hiện say rượu, bia, người nhà cần kê gối thấp cho nằm nhằm làm nôn hết rượu ra. Sau đó, để người say ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp để đói sẽ bị hạ đường huyết, gây nguy hiểm. Nếu thấy người say lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc cứ ăn vào là nôn thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Rate this post

Viết một bình luận