–
Chủ nhật, 01/05/2022 16:19 (GMT+7)
Việc sơ cứu ban đầu tại nhà khi trẻ bị bỏng điện là một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế độ sâu của bỏng, mức độ nặng và tránh tình trạng bội nhiễm.
Hướng dẫn cách xử trí khi trẻ bị bỏng điện. Ảnh: Cartermario
Bỏng điện là gì?
Bỏng điện là tình trạng bỏng da xảy ra khi dòng điện tiếp xúc với cơ thể. Khi điện tiếp xúc với cơ thể, nó có thể làm hỏng các mô và cơ quan. Theo các bác sĩ, bỏng điện có thể nhẹ nhưng cũng có thể nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.
Các triệu chứng bỏng điện phụ thuộc vào lượng điện tiếp xúc với cơ thể và thời gian tiếp xúc. Điện có thể gây ra các loại bỏng da khác nhau, tùy thuộc vào lớp da bị ảnh hưởng.
Theo đó, các cơ quan có thể bị tổn thương do bỏng điện như: Nhịp tim trở nên bất thường, cũng có thể ngừng đập; Thận có thể ngừng hoạt động; Xương và cơ bắp bị tổn thương; Bất tỉnh, yếu cơ hoặc tổn thương mắt hoặc tai…
Xử trí như thế nào khi trẻ bị bỏng điện?
ThS.BS CKII Phùng Công Sáng – Phụ trách đơn vị Bỏng –Phó trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ ra cách xử trí khi trẻ bị bỏng điện cụ thể như sau:
Tách nạn nhân với nguồn điện (ngắt cầu dao, dùng gậy gỗ gạt dòng điện cao) một cách nhanh nhất có thể, nếu trẻ bị nạn ở trên cao thì phải bố trí đỡ trẻ khi bị rơi và đưa người bệnh đến nơi thoáng mát.
Gia đình cần tiến hành đánh giá hô hấp tuần hoàn, ý thức trẻ và tìm xem các chấn thương khác nếu có ngã kèm theo, để tìm cách sơ cứu cho đúng, tránh làm tổn thương cột sống cổ hoặc các chi (nếu có) bị nặng thêm.
Nếu trẻ ngừng tuần hoàn thì tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đúng cách đồng thời gọi y tế hỗ trợ.
Gia đình chỉ nên di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế khi trẻ đã được sơ cấp cứu ban đầu.
Chỉ tiến hành xử trí vết bỏng điện khi trẻ không có rối loạn toàn thân, không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng, chỉ nên rửa sạch vết bỏng và phủ gạc sạch lên.