Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên – Bác sĩ Nội Tổng Quát – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Kiểm tra chỉ số mắt cá chân – cánh tay là một phương tiện không xâm lấn, được thực hiện nhanh chóng để tầm soát cũng như chẩn đoán bệnh động mạch ngoại vi. Đây là bệnh lý xảy ra khi các động mạch bị thu hẹp làm giảm lưu lượng máu đến các chi, gây đau chân khi đi bộ và làm tăng nguy cơ xảy ra các cơn đau tim, đột quỵ.
1. Kiểm tra chỉ số mắt cá chân, cánh tay là gì?
Chỉ số mắt cá chân – cánh tay (Ankle-Brachial Index – ABI) là một bài kiểm tra đơn giản để so sánh huyết áp ở chi trên và chi dưới. Các bác sĩ tính chỉ số này bằng cách chia huyết áp trong động mạch tại vị trí mắt cá chân cho huyết áp trong động mạch cánh tay. Nếu tỷ lệ này nhỏ hơn 0,9, kết quả này có thể có nghĩa là một người đã bị bệnh động mạch ngoại biên trong mạch máu ở chân.
Cơ chế của bệnh động mạch ngoại biên là khi có những mảng bám tích tụ trong động mạch, gây ảnh hưởng đến các mạch đưa máu đến chân. Lưu lượng máu giảm có thể gây ra cảm giác đau và tê bì, ghi nhận rõ nhất là khi đi lại, vận động nhiều. Một kết quả chỉ số mắt cá chân – cánh tay thấp có thể có nghĩa là khi chân và bàn chân không nhận được đủ lưu lượng máu cần thiết. Tuy nhiên, chỉ số này sẽ không cho biết chính xác mạch máu nào đã bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn.
2. Tại sao cần phải kiểm tra chỉ số mắt cá chân – cánh tay?
Bác sĩ sẽ cần phải chỉ định kiểm tra chỉ số mắt cá chân – cánh tay là khi nhận thấy bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên, gợi ý khi có các yếu tố sau đây:
- Hút thuốc lá
- Bệnh đái tháo đường
- Trên 70 tuổi
- Rối loạn lipid máu
- Hình thành mảng xơ vữa đã biết trong các động mạch khác, như động mạch vành trong tim
- Khó sờ thấy nhịp đập ở chân
Lúc này, việc kiểm tra chỉ số mắt cá chân – cánh tay là nhằm để xác định chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên và ngăn ngừa sự tiến triển, các biến chứng của nó cũng như xác định thêm bệnh đồng mắc trên những người có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành, đánh giá nguy cơ xảy ra các cơn đau tim hoặc đột quỵ trong tương lai.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được thực hiện chỉ số mắt cá chân – cánh tay định kỳ nhằm kiểm tra mức độ nghiêm trọng của bệnh động mạch ngoại biên, đánh giá tình trạng liệu có trở nên nặng hơn và xem xét can thiệp nếu có chỉ định.
3. Làm thế nào để thực hiện kiểm tra chỉ số mắt cá chân – cánh tay?
3.1 Chuẩn bị
Người bệnh không cần đòi hỏi phải chuẩn bị đặc biệt gì trước khi thực hiện kiểm tra chỉ số mắt cá chân – cánh tay. Cụ thể là bệnh nhân vẫn sinh hoạt, có chế độ ăn uống như bình thường vào ngày kiểm tra. Đồng thời, người bệnh cũng không cần phải ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào trước khi làm thủ thuật này.
Tuy nhiên, điều cần thiết là người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái trước khi đến bệnh viện. Điều này sẽ cho phép kỹ thuật viên dễ dàng tiếp cận và đặt túi đo huyết áp trên cánh tay và mắt cá chân. Để thu thập số liệu được chính xác, người bệnh cần được nghỉ ngơi ít nhất 15 đến 30 phút trước khi làm thủ thuật cũng như không dùng các chất kích thích vì có thể làm tăng huyết áp, bao gồm hút thuốc lá, uống trà, cà phê.
3.2 Quá trình thực hiện
Việc thực hiện đo chỉ số mắt cá chân – cánh tay rất giống với việc đo huyết áp thông thường, tuy nhiên cần thực hiện tại hai vị trí khác biệt nhau với quy trình các bước lần lượt như sau:
- Người bệnh nằm thẳng trên bàn khám
- Kỹ thuật viên sẽ đặt một băng đo huyết áp tại vị trí ngay trên mắt cá chân của người bệnh. Đồng thời, kỹ thuật viên sẽ đặt một đầu dò siêu âm qua động mạch, xác định lưu lượng máu qua mạch.
- Băng quấn đo huyết áp sẽ được bơm căng lên cho đến khi ghi nhận sóng siêu âm thấy máu ngừng chảy. Điều này có thể hơi khó chịu cho người bệnh nhưng sẽ hoàn toàn không gây đau đớn gì.
- Kỹ thuật viên sẽ từ từ giải phóng áp suất trong băng quấn. Huyết áp tâm thu tại cổ chân được ghi nhận là áp suất tại đó có dòng máu được bắt thấy.
- Kỹ thuật viên sẽ lặp lại quá trình này trên mắt cá chân của chân còn lại và trên cả hai cánh tay của người bệnh.
- Tiếp theo, kỹ thuật viên sẽ tính toán chỉ số mắt cá chân – cánh tay. Tử số là huyết áp tâm thu mắt cá chân ở bên cao hơn. Mẫu số là huyết áp tâm thu cánh tay ở bên cao hơn.
Đôi khi bác sĩ cần chỉ định đo chỉ số mắt cá chân – cánh tay sau khi gắng sức. Lúc này, một chỉ số mắt cá chân – cánh tay được ghi nhận trước và ngay sau khi người bệnh chạy bộ trên thảm lăn hay đạp xe đạp, nhằm đánh giá xem việc gắng sức sẽ làm thay đổi chỉ số này như thế nào.
3.3 Kết thúc
Người bệnh hoàn toàn có thể trở lại các hoạt động bình thường ngay sau khi kiểm tra chỉ số mắt cá chân – cánh tay.
Vì thủ thuật này không gây nguy cơ gì, bệnh nhân không cần lưu lại theo dõi thêm nên có thể ra về ngay sau đó.
4. Phân tích chỉ số mắt cá chân – cánh tay như thế nào?
Chỉ số mắt cá chân – cánh tay bình thường là dao động trong khoảng từ 1,0 – 1,4. Điều này có nghĩa là áp lực máu trong động mạch ở mắt cá chân thường cao hơn cánh tay.
Nếu chỉ số mắt cá chân – cánh tay có giá trị trên 1,4 cho thấy một tình trạng vôi hóa tại động mạch chi dưới. Thật vậy, ở những bệnh nhân bị đái tháo đường hoặc cao tuổi, các mạch chi có thể bị xơ hóa hoặc vôi hóa. Trong trường hợp này, động mạch có thể có kháng lực cao hơn, chống lại áp lực trong băng quấn đo huyết áp và có thể nghe thấy tín hiệu ở áp suất cao, dẫn đến giá trị huyết áp cổ chân tăng cao.
Nếu chỉ số mắt cá chân – cánh tay có giá trị dưới 0,9 thì sẽ được xem là bằng chứng cho chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên. Khi giá trị này nhỏ hơn 0,5 cho thấy bệnh động mạch ngoại biên có mức độ nặng. Ở những người bị bệnh nặng như vậy có thể không có đủ máu để chữa lành vết loét hoặc vết thương do phẫu thuật; vì vậy, họ nên được xem xét tái thông mạch máu nếu bị loét không lành.
Ngoài ra, nếu đã được chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên, người bệnh cần phải tuân thủ các điều sau đây:
- Ngừng hút thuốc lá
- Điều trị huyết áp cao
- Kiểm soát tốt nồng độ cholesterol máu, đường huyết
- Dùng các thuốc để tăng lưu lượng máu đến chân hoặc để ngăn ngừa cục máu đông
- Duy trì hoạt động thể chất
- Ăn uống lành mạnh, tăng cường chất xơ như rau xanh, hoa quả; hạn chế chất béo và dầu mỡ động vật.
Tóm lại, chỉ số mắt cá chân – cánh tay là huyết áp tâm thu ở mắt cá chân chia cho huyết áp suất tâm thu ở cánh tay. Đây đã được chứng minh là một thước đo cụ thể và có độ nhạy cao để chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên cũng như dự đoán tỷ lệ tử vong và các biến cố tim mạch khác. Do đó, nếu bản thân hay người thân có các yếu tố nguy cơ cao của bệnh tim mạch như hút thuốc lá, tăng huyết áp, tiểu đường thì nên chủ động thực hiện tầm soát bệnh động mạch ngoại biên với chỉ số mắt cá chân – cánh tay trước khi xảy ra biến cố đáng tiếc.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, stanfordmedicine25.stanford.edu, hopkinsmedicine.org