Ý nghĩa danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni là gì ?

Chúng ta nói danh hiệu của Phật là tông chỉ giáo học của Ngài trong thế gian này. Ở nơi này, Ngài dạy điều gì? Danh hiệu chính là điều Ngài dạy. Quý vị nói Phật giáo dạy điều gì? Thích Ca Mâu Ni. Thích Ca (Śākya) nghĩa là gì? Nghĩa là nhân từ, [danh hiệu Thích Ca Mâu Ni] dịch ra là Năng Nhân, Ngài có lòng nhân từ. 

Trên thực tế, trong sự đối đãi của chúng ta trong xã hội hiện thời, chúng sanh trong xã hội thiếu khuyết lòng nhân từ, thiếu lòng yêu thương. Không chỉ chẳng yêu thương người khác, ngay cả chính mình cũng chẳng yêu thương! Vì thế, yêu thương người khác chẳng dễ dàng, phải yêu thương chính mình thì mới có thể yêu thương người khác. Ngay đối với chính mình mà cũng chẳng yêu thương thì làm sao yêu thương người khác? Vì thế, đức Phật giáo học trên thế gian này nhằm dạy điều gì? Dạy nhân từ. Thích Ca nghĩa là nhân từ, dạy dỗ chúng ta đối đãi người khác phải có lòng yêu thương, phải có tâm từ bi, đại từ đại bi đối đãi hết thảy chúng sanh, Ngài dạy điều này. Đấy là nội dung giáo học của Phật pháp. 

Đối với chính mình thì sao? Đối với chính mình là Mâu Ni. Những từ ngữ này đều là tiếng Ấn Độ, tức tiếng Ấn Độ thời cổ, Mâu Ni (Muni) nghĩa là gì? Từ “thanh tịnh, bình đẳng, giác” trong tựa đề kinh này, Mâu Ni là tịch tĩnh, tôi dùng năm chữ trong tựa đề kinh này để giảng [từ ngữ Mâu Ni], quý vị sẽ thấy rất dễ hiểu. Mâu Ni là tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, giác chứ không mê; đấy là ý nghĩa của Mâu Ni, quý vị thấy danh hiệu này thật hay. 

Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta điều gì? Dạy bản thân chúng ta phải thanh tịnh, bình đẳng, giác, dạy chúng ta phải đại từ đại bi đối đãi hết thảy chúng sanh, đấy là sự giáo dục của Phật Đà, dạy điều gì? Dạy những điều ấy! Vì thế, tông chỉ giáo học được nêu bày trong danh hiệu; đấy chẳng phải là tên vốn sẵn có của Ngài, cái tên ngoài đời của Ngài là Tất Đạt Đa (Siddhārtha).

Trích từ Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

 

Rate this post

Viết một bình luận