Ý nghĩa phong thủy cây Trúc phú quý và một số lưu ý khi bài trí

Không chỉ có tác dụng trang trí làm đẹp nhà, trúc phú quý còn là hình ảnh tượng trưng cho sự giàu có, mang lại nhiều may mắn, cát lành cho gia chủ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bài trí loại cây này để nó phát huy tối đa ý nghĩa phong thủy tốt.

Trước hết, hãy đảm bảo cho cây luôn xanh tốt. Muốn vậy, cần nắm rõ đặc điểm của cây trúc phú quý.

Đặc điểm của trúc phú quý

Trúc phú quý có nguồn gốc từ quần đảo Canary, được trồng phổ biến ở các nước châu Á. Trúc phú quý còn được gọi là trúc trường thọ, trúc may mắn, trúc vạn niên, trúc tiêu, trúc hạnh vận… Được dùng làm cây cảnh trang trí văn phòng, nhà ở nên trúc phú quý không phát triển cao như những loài trúc khác cùng họ. Cây trưởng thành thường chỉ cao khoảng 30-50cm.

Loài cây này có thân mọc thẳng đứng, đốt trên thân cây, mỗi đốt trúc cách nhau 2-3cm. Thân cây rất mềm dẻo nên có thể uốn thành nhiều hình thế tùy thích.

Trúc phú quý không có cành cây mà chỉ có lá mọc từ thân. Lá mọc riêng biệt, có bẹ ép sát vào thân, không mọc thành từng chùm. Lá xanh bóng, hình giáo mác, mọc dần về phía đỉnh cây. Rễ cây mọc thành dạng chùm và rất dễ phát triển, nhất là nếu được trồng trong nước.

Trúc phú quý có thể uốn thành nhiều hình thế ấn tượng.

Trang trí nhà với trúc phú quý, mọi người thường uốn nắn thân cây và ghép chúng lại với nhau, tạo nhiều hình thế ấn tượng, cực hút mắt. Cây trúc phú quý trồng dạng thủy sinh hiện vẫn được yêu thích nhất.

Trúc phú quý được đánh giá cao với khả năng thanh lọc không khí hiệu quả. Theo nghiên cứu của NASA, loại cây này có thể giúp lọc bụi bẩn, giảm thiểu khí CO2, giúp cải thiện môi trường sống rất tốt.

Ý nghĩa phong thủy của trúc phú quý

Từ xưa tới nay, trúc phú quý được bài trí trong nhà ở, văn phòng với ý nghĩa mang lại tài lộc, sức khỏe, may mắn và cát lành cho gia chủ. Nhiều người quan niệm rằng, một chậu trúc đặt trên bàn trong nhà sẽ giữ cho gia đạo ấm êm, tránh những xung đột, cãi vã không đáng có. Một chậu trúc đặt trên bàn làm việc sẽ giúp sự nghiệp hanh thông, thăng quan tiến chức.

Vậy điều gì tạo nên ý nghĩa phong thủy tốt cho trúc phú quý?

Trúc phú quý là một trong những loại cây phong thủy được yêu thích nhất.

Cây trúc là một loại cây được đánh giá cao về năng lượng. Nó dạy cho chúng ta về sự mềm dẻo và linh hoạt khi đối mặt với bất kỳ khó khăn, trở ngại nào trong cuộc sống. Ruột cây rỗng – tựa như việc bạn cởi mở trong bản thể của mình thì tinh thần có thể tự do tuôn chảy, trí tuệ sáng láng.

Theo các chuyên gia phong thủy, trúc phú quý là loại cây cực kỳ hợp tuổi Mão, góp phần thu hút tài lộc, may mắn và thành công cho gia chủ tuổi này. Cây cũng có thể hợp với tất cả các yếu tố ngũ hành trong nhà, từ Kim, Thủy đến Mộc, Hỏa, Thổ. Chính vì thế, trúc phú quý là món quà vô cùng ý nghĩa dành tặng đối tác, bạn bè hay người thân trong gia đình.

Số lượng cành trúc phú quý 

Số lượng cành trúc mà bạn sử dụng cũng mang ý nghĩa phong thủy nhật định. Cụ thể như sau:

  • 1 cành: Chiêu tài, hút lộc.
  • 2 cành: Sự thủy chung trong tình yêu và hôn nhân.
  • 3 cành: Hạnh phúc và sự toàn vẹn.
  • 4 cành: Tăng hiệu quả chiêu tài của cây.
  • 5 cành: Sức khỏe và gia đình hòa thuận.
  • 8 cành: Sự giàu có, dư dả.
  • 9 cành: Gắn liền với vận may.

Vị trí đặt cây 

Việc lựa chọn vị trí đặt cây cũng rất quan trọng và ảnh hưởng đến tài vận của gia chủ. Vốn là cây phong thủy nên nhiều người nghĩ đơn giản chỉ cần đặt cây trên bàn làm việc hoặc bàn trong nhà ở là được. Tuy nhiên, để cây phát huy hết tác dụng, bạn cần đặt bình/chậu cây trúc phú quý ở vị trí phù hợp nhất.

Được đặt ở vị trí phù hợp, trúc phú quý sẽ phát huy tối đa tác dụng phong thủy tốt.

Để hóa giải sát khí trong nhà, gia chủ nên đặt bình/chậu cây trúc phú quý trên nóc tủ lạnh, trong phòng bếp hoặc phòng vệ sinh, vị trí dầm hay xà ngang đều được.

Nếu muốn mang lại vận may trong học hành, sự nghiệp thì đặt cây ở vị trí Văn Xương, trên bàn làm việc, phòng khách. Khi đặt cây ở hướng Đông Nam, hãy tránh đề kim loại gần cạnh.

Cửa chính và phòng khách là những khu vực tốt để trưng bày chậu trúc phú quý. Trong khi đó, phòng ngủ là khu vực xấu nhất để đặt cây, trừ khi bạn có một phòng ngủ thật rộng rãi và cây được đặt xa giường.

Lưu ý, dù bạn đặt cây ở đâu, hãy nhớ chăm sóc nó thật tốt, giữ cho cây luôn tươi tốt và tràn đầy sức sống mới có hiệu quả phong thủy tốt. Khi cây có dấu hiệu héo úa thì nên mang ra ngoài trời, nhưng tránh vị trí nắng gắt.

Một số lưu ý khi trồng trúc phú quý

Là loại cây có sức sống mãnh liệt, trúc phú quý có thể trồng trong đất hoặc trồng thủy sinh. Để cây luôn xanh tươi, bạn cần lưu ý một số vấn đề về đất, ánh sáng, độ ẩm, nước… như sau:

Ánh sáng: Trúc phú quý ưa ánh sáng nhẹ, do đó không nên đặt cây dưới ánh nắng mặt trời quá lâu bởi lá sẽ bị héo úa, ngả sang màu vàng, cây chậm phát triển. Mỗi tuần nên phơi nắng cho cây một lần/tuần.

Nhiệt độ: Cây có thể sống ở nhiệt độ từ 20-40 độ C, nhưng phát triển tốt ở 20 độ C. Vì thế, nên đặt cây ở trong nhà hoặc dưới tán cây cao khác. Vào mùa đông, cây có thể chịu được nhiệt độ xuống đến 2-3 độ C, nhưng cần đề phòng sương giá.

Nước: Là loại cây họ tre nên trúc phú quý ưa khô hạn, không thích hợp với môi trường quá nhiều nước. Chỉ cần tưới cho cây 1 tuần/lần là đủ. Có thể phun trực tiếp lên lá và thân để cây luôn tươi tốt. Nếu trồng trong nước thì nên dùng nước giếng hoặc nước sạch thông thường và chỉ đổ khoảng 1/3 bình là đủ.

Đất: Đất trồng cây trúc phú quý cần đầy đủ dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt. Loại đất tốt nhất là đất thịt phù sa hoặc đất trộn với cám gạo, xơ dừa.

Phân bón: Nên dùng phân bón hóa học để cung cấp nhiều dưỡng chất cho cây phát triển. Không cần bón phân nhiều, cũng không nên bón chất kích thích phát triển và tuyệt đối tránh bón vào bề mặt lá, nếu không lá sẽ rất dễ bị hỏng.

Nhân giống: Trúc phú quý rất dễ nhân giống, bằng cách cắt cành và giâm trồng. Bạn có thể cắt một đoạn thân rồi cắm trong nước, cây sống và ra rễ bình thường. Hoặc có thể giâm vào đất, trong 1 tuần cây ra rễ thành một cá thể mới.

Theo ThanhnienViet

Rate this post

Viết một bình luận