Yên Bái: Cá ngạnh là loài cá gì mà dân ở vùng này cứ nuôi đâu trúng đấy?

Cá ngạnh có tên khoa học là Cranoglanis henrici thuộc bộ cá nheo Silluriformes. Trên thế giới, cá ngạnh Cranoglanis henrici được phân bố ở Thái Lan, Philippin, Indonesia và Trung Quốc.

Ở Việt Nam, loài cá ngạnh này thường sống thành từng đàn và thường thấy ở vùng hạ lưu sông ở các tỉnh phía Bắc, tập trung nhiều ở sông Bằng Giang, tỉnh Cao Bằng; sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn và sông Chảy, hồ Thác Bà.

Cá ngạnh có thân tròn trơn láng, phần đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên; kích thước thuộc cỡ trung bình, con lớn nhất nặng khoảng 2,5kg; là loài cá ăn tạp nên phổ thức ăn rất rộng.

Thành phần thức ăn của loài cá ngạnh đa dạng gồm thực vật và động vật như (lá, hạt, quả, mùn bã hữu cơ, ấu trùng, côn trùng, tôm cua, cá nhỏ…); thức ăn được thay đổi theo kích thước cá và theo mùa vụ. 

Cá ngạnh sinh sản vào năm tuổi thứ 3 và vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm; cá khai thác thuộc 5 nhóm tuổi từ 1+ – 5+.

Theo thống kê năm 2013 cho thấy, ước tính mỗi ngày đánh bắt và tiêu thụ xấp xỉ 500 kg cá thịt, giá bán dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/ 1 kg. 

Rất nhiều ngư dân sống trong khu vực sông Lô, sông Gấm, sông Hồng đã mưu sinh bằng nghề chuyên đánh bắt loài cá quý hiếm này. 

Có thể thấy, với tốc độ khai thác cá như vậy thì sản lượng cá ngạnh trên các sông, hồ ngày càng giảm mạnh. Đứng trước thực trạng đó, năm 2013, Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái (Trung tâm) đã triển khai Dự án “Nuôi thử nghiệm cá ngạnh Cranoglanis henrici trong lồng trên hồ Thác Bà”, quy mô hơn 2.000 con cá giống. 

Với mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh quy trình nuôi cá ngạnh bằng công nghệ hiện đại, sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế tại vùng hồ Thác Bà, từ đó chuyển giao quy trình nuôi cá cho người dân trên địa bàn. 

 

Trong quá trình triển khai, đơn vị đã tập trung vào thử nghiệm các công thức, thức ăn, mật độ nuôi, nhiệt độ, môi trường nước… bằng sơ đồ thí nghiệm cụ thể, nhằm đánh giá hiệu quả của từng công thức thí nghiệm từ đó đưa ra quy trình phù hợp nhất. 

Trong 2 năm triển khai dự án (2013-2014), kết quả mà dự án mang lại đó là bước đầu đã xây dựng được quy trình nuôi cá ngạnh thương phẩm trong lồng với nguồn nước hồ tự nhiên, góp phần khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên của vùng hồ Thác Bà.

Đồng thời dự án góp phần bảo tồn nguồn gen quý bản địa, làm cơ sở khoa học để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo đó là tuyển chọn những con cá ngạnh trội về tăng trưởng và hình dạng, tiếp tục nuôi dưỡng để làm cá hậu bị góp phần hoàn thiện quy trình về nuôi và sản xuất giống cá ngạnh tại địa phương. 

 

Sau gần 7 năm, với những kết quả đạt được của Dự án, Trung tâm trực tiếp chuyển giao xuống một số hộ dân thuộc xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, đến nay đã có kết quả đáng ghi nhận. 

Gia đình ông Lê Văn Thư, thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình hiện đang nuôi hơn 40 lồng cá, trong đó chỉ có 10 lồng cá ngạnh, song giá trị kinh tế từ cá ngạnh lại chiếm tới 50% nguồn thu của gia đình ông. 

 

Ông Thư chia sẻ: “Gia đình tôi từng biết đến loại cá ngạnh từ những năm 2007, song do không có kiến thức nên chưa dám thử nghiệm nuôi quy mô lớn. Khi Dự án nuôi cá ngạnh trong lồng trên hồ Thác Bà được triển khai tôi đã mạnh dạn tham gia, đây được xem là thời điểm bước ngoặt mở ra hướng đi mới trong nuôi cá ngạnh đối với gia đình tôi…”.

Ban đầu từ một mô hình thử nghiệm với số lượng 3 – 4 lồng nuôi cá bằng lồng khung tre, đến năm 2017 gia đình ông Thư đã đầu tư chuyển sang nuôi bằng lồng khung sắt quây lưới đặc dụng. Loại lồng này có ưu điểm chắc chắn hơn, thời gian sử dụng gấp ba lần lồng tre, dễ vệ sinh và theo dõi cá. 

“Sau khi được tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cá ngạnh do Trung tâm tổ chức tôi nhận thấy nuôi cá chỉ có kinh nghiệm thôi chưa đủ, mà còn cần phải áp dụng đúng kỹ thuật, phải tuân thủ theo hướng dẫn như: nuôi cá đúng mật độ từ 8 đến 10 con/m3, lồng cá không quá sâu, sử dụng loại thức ăn chính là cám công nghiệp…”, ông Thư nói.

Ông Thư cho biết thêm, bên cạnh đó bổ sung thêm thức ăn tự chế có tại vùng hồ để đàn cá tăng trưởng nhanh, giữ vệ sinh môi trường khu vực nuôi an toàn… cá mới không bị nhiễm các loại bệnh…

 

Thấy được hiệu quả từ nuôi cá ngạnh trong lồng của những hộ đi đầu tham gia Dự án, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Kiên đã tích cực tham quan, học hỏi kinh nghiệm và đã đầu tư vào nuôi cá ngạnh. 

Mô hình nuôi cá của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung, xã Vĩnh Kiên trước đây chỉ nuôi thử, sau khi thấy có hiệu quả gia đình bà đã nuôi thêm.

Hiện nay gia đình bà đang nuôi khoảng 3.000 đến 4.000 con cá ngạnh. Bà Nhung cho biết: “Giống cá ngạnh có ưu điểm là dễ nuôi, ăn tạp và nếu áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh thì hiệu quả rất cao… Thời gian tới, gia đình tôi dự định mở rộng quy mô, tăng số lượng nuôi cá ngạnh lên nữa”.

 

Xã Vĩnh Kiên là xã nằm ven hồ Thác Bà của huyện Yên Bình, quản lý hơn 500 ha mặt nước hồ. Ngay từ khi Dự án “Nuôi thử nghiệm cá ngạnh Cranoglanis henrici trong lồng trên hồ Thác Bà” được triển khai, UBND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá ngạnh, làm nền tảng để phát triển chăn nuôi thủy sản. 

 

Ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên trao đổi: “Năm 2019, sản lượng cá toàn xã Vĩnh Kiên đạt trên 300 tấn, trong đó có khoảng hơn 70 lồng cá. Năm 2020, xã đặt ra mục tiêu nhân rộng lên 100 lồng nuôi cá.

Đặc biệt khuyến khích nhân dân nuôi các loại cá đặc sản như cá ngạnh, cá nheo…”.

Bởi theo ông Chiến, qua Dự án triển khai thực tế chính quyền xã thấy thực sự hiệu quả của nuôi cá ngạnh.

Mặt khác người dân trong xã đã được tập huấn kỹ thuật chăm, nuôi cá ngạnh đúng quy trình, phù hợp, có sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật… đã tạo động lực cho người dân phát triển,. Nhiều hộ dân đã có thu nhập hiệu quả từ việc nuôi giống cá ngạnh tại địa phương. 

 

Dự án “Nuôi thử nghiệm cá ngạnh Cranoglanis henrici trong lồng trên hồ Thác Bà” do

Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái

triển khai không chỉ mở ra một sự lựa chọn giống cá mới cho người dân, mà còn làm thay đổi tư duy trong chăn nuôi thủy sản tại địa phương.

Từ cách chăn nuôi truyền thống dần dần người dân đã biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào nuôi cá. Từ chỗ chỉ chú trọng vào thức ăn, người dân giờ đây còn chú trọng đến từng khâu trong quá trình sản xuất như lựa chọn con cá ngạnh giống, quản lý dịch bệnh, quản lý nguồn nước, vệ sinh môi trường chăn nuôi…

Sự thành công của Dự án không chỉ ở kết quả bước đầu mang lại, mà điều quan trọng là hệ thống quy trình, kỹ thuật nuôi cá ngạnh do Dự án chuyển giao đã được người dân làm chủ và áp dụng có hiệu quả trong sản xuất.

Rate this post

Viết một bình luận