Chuyến tàu trở về (NXB Trẻ phát hành) của Christina Baker Kline hấp dẫn bạn đọc khi kể về hành trình đi tìm hạnh phúc của những đứa trẻ mồ côi.
Cụ bà Vivian (90 tuổi) và cô bé Molly (10 tuổi) là hai nhân vật chính của tác phẩm. Họ có dịp gặp gỡ nhau sau sự cố của Molly: Cô bé bị phạt lao động công ích trong vòng 20 giờ vì tội trộm cuốn sách Khu vườn bí mật ở thư viện công cộng cảng Spruce.
Molly không vui tươi như bạn bè đồng trang lứa vì cô bé có tuổi thơ bất hạnh. Cha Molly mất vì tai nạn, mẹ cô không đủ điều kiện nên đã đẩy em đến ở nhờ tại một vài gia đình bà con. Molly hệt như quả bóng, bất đắc dĩ bị những người lớn lần lượt đá qua đá về, cuối cùng em trụ lại một thời gian khá dài tại nhà dì Dina. Thế nhưng, trong điều kiện kinh tế eo hẹp, vợ chồng dì dượng cũng chẳng mặn mà gì, họ thường xuyên đối xử thiếu công bằng khiến Molly ngày càng trở nên khép kín và bất cần. May sao, sự cố trộm sách đến như một cơ hội mở ra cho cô bé một chương mới cuộc đời.
Để trả giá cho hành động sai trái của mình, Molly phải trải qua 20 giờ lau dọn tại nhà cụ bà giàu có Vivian. Chỉ sau vài giờ đầu tiên, cô bé và bà cụ đã “phải lòng” nhau. Lần đầu tiên Molly mở lòng thú nhận về những tật xấu của mình, còn cụ Vivian cũng lần đầu lật giở lại những trang nhật ký cuộc đời đầy thăng trầm – khi cụ còn là cô bé mồ côi bước chân lên con tàu di chuyển từ New York đến vùng Trung Tây nước Mỹ vào những năm 30 của thế kỷ trước.
Với bút pháp tả thực kèm đi sâu khai thác nội tâm, Christina Baker Kline khiến người đọc không ngớt tò mò và thương cảm số phận của những đứa trẻ mồ côi. Bà cũng thật tinh tế khi tạo ra tình huống để các nhân vật tiếp tục sắp đặt, tự mình kể chuyện. Cụ thể, trong tiết học về bộ môn xã hội, Molly và các bạn trong lớp được thầy giáo giao bài tập cuối kỳ. Thầy nói: “Thầy muốn các em phỏng vấn một người lớn bất kỳ. Ai đó đã từng trải qua những sự kiện, những biến cố mà các em chưa từng có dịp trải qua. Hãy hỏi về một chuyến hành trình thực sự quan trọng trong đời họ.
Hãy hỏi họ đã mang theo những gì để bước chân vào cuộc sống mới và quyết định bỏ lại điều gì sau lưng?”. Khi Molly tìm cách hoàn thành bài luận của mình cũng là lúc bức màn cuộc đời của bà Vivian được vén lên với nhiều tình tiết cảm động. Bà Vivian từng là cô bé người Ireland có tên Niamh. Cô cùng gia đình di cư đến Mỹ năm 1929 tìm cuộc sống mới và để tránh chiến tranh, nhưng một vụ hỏa hoạn bất ngờ làm bố mẹ và các em qua đời. Niamh bị đưa lên một chuyến tàu có hàng trăm trẻ mồ côi, không nơi nương tựa để đến vùng đất mới. Những tháng ngày cơ cực, thiếu thốn cứ xếp chồng lên nhau đón chào Niamh, nhưng sau đó cô bé tìm được cho mình một mái nhà…
Có thể nói, những biến động cuộc đời có thể tước đi của chúng ta nhiều thứ, nhưng không ai có thể tước đi niềm tin tưởng và hy vọng luôn ẩn thẳm sâu bên trong mỗi tâm hồn cứng cỏi. Ai rồi cũng sẽ có một nơi để trở về nếu họ chịu mở lòng và bền bỉ sống một cuộc đời tử tế.
Cách mà Christina Baker Kline kể chuyện như thể bà đang may một tấm áo. Điều đẹp đẽ sau cùng không phải là những gam màu sáng tối được dệt nên từ những tấm vải mà chính là hơi ấm từ tấm áo đó mang lại. Bằng sự từng trải và thái độ quan tâm, cụ bà Vivian đã mang đến cho cô bé Molly nhiều thông điệp quý giá. Bà bảo: “Cuộc sống đẩy đưa chúng ta chạm trán nhiều hạng người. Với hầu hết bọn họ, ta không có quyền lựa chọn, nhất là khi chúng ta còn nhỏ. Không phải khi nào họ cũng cho ta cái mà ta cần. Đôi khi vì họ không chịu cho, nhưng thường là vì họ không thể”. Những lời khuyên của bà Vivian khiến nỗi bất bình trong Molly dần dần được xoa dịu, từ đó cởi bỏ khúc mắc với dì dượng, có thể xem nơi mình đang sống thực sự là một chốn để trở về.
Cả Molly và cụ bà Vivian 90 tuổi đều tìm lại được hơi ấm nhờ những khoảnh khắc sẻ chia và nương tựa lẫn nhau. Không đâu xa xôi, đó chính là những phút giây của hiện tại bình yên và ngọt ngào.
DIỆU THÔNG