#AmazingAnimals #ReptileAwarenessDay: Các loài bò sát ham chơi!
21 October 2019
Hiện các nhà khoa học đã ghi nhận được 10.793 loài bò sát trên khắp thế giới và con số này vẫn không ngừng tăng lên [1]. Bò sát sống ở tất cả các châu lục, chỉ trừ Châu Nam Cực, và chúng bao gồm các loài như cá sấu, thằn lằn, rắn, rùa cạn và rùa nước.
Cơ thể của các loài bò sát được che phủ bởi một lớp vảy, các tấm xương hoặc kết hợp cả hai. Da của bò sát không hề nhầy nhụa mà thực chất rất mát và khô bởi chúng không có tuyến mồ hôi.
Các loài bò sát cần phải lột xác thường xuyên để phát triển: lớp da cũ bên ngoài sẽ được trút bỏ và thay thế bằng một lớp da mới. Một số loài như rắn sẽ thay hết da trong một lần lột, trong khi các loài thằn lằn sẽ lột từng mảng da.
Động vật máu lạnh
Các loài bò sát rất khác so với các loài thú vì chúng không thể tự điều chỉnh thân nhiệt bên trong để phản ứng với các thay đổi của nhiệt độ môi trường bên ngoài. Thay vào đó, chúng tận dụng ánh nắng mặt trời hoặc bóng râm để sưởi ấm hoặc làm mát cơ thể. Vào mùa lạnh, bò sát ít hoạt động hơn và trao đổi chất chậm lại.
Hầu hết các loài bò sát đều đẻ trứng; ngoại trừ một số loài trăn đẻ con. Con non có thể hoạt động ngay sau khi nở. Chúng có thể bò, trườn, bơi chỉ trong vài giờ đồng hồ đầu tiên của cuộc đời.
Bò sát đã tồn tại trên Trái Đất ít nhất 315 triệu năm. Chúng là một trong số những loài sống thọ nhất: rùa cạn lớn có thể sống hơn 150 năm, còn cá sấu có thể sống tới 70 năm.
Bò sát có thể cảm nhận những cảm xúc gì?
Còn rất nhiều điều tuyệt vời về bò sát mà chúng ta chưa biết đến. Các nhà khoa học ngày nay cũng chưa hiểu hết được về khả năng của những loài này. Một phân tích khoa học gần đây đã phát hiện ra rằng bò sát có khả năng trải nghiệm nhiều cảm xúc khác nhau, bao gồm lo lắng, đau khổ, phấn khích, sợ hãi, thất vọng, đau đớn, vui vẻ, căng thẳng và khổ sở [2].
Hiện nay nghiên cứu về bò sát vẫn còn hạn chế, do đó nhiều khả năng là những động vật này có thể cảm nhận được nhiều cảm xúc khác nữa, chỉ là khoa học chưa phát hiện ra mà thôi.
Bò sát nghịch ngợm
Khi nghĩ về cảnh động vật đang chơi đùa, trong đầu chúng ta thường xuất hiện hình ảnh một con chó hoặc một con mèo con. Bò sát do đó không hẳn là sự lựa chọn đầu tiên để chơi trò “ném bắt đồ vật” cùng con người. Tuy nhiên, người ta đã quan sát thấy rất nhiều loài bò sát chơi đùa theo các cách khác nhau, từ kéo co, nghịch nước, cho tới tương tác với các vật thể khác [3, 4].
Cá sấu thích chơi với hoa màu hồng
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cá sấu có chơi đùa, và hơn nữa, chúng thích chơi với các vật thể nhỏ có màu hồng như hoa hơn là các vật thể khác có sẵn trong môi trường xung quanh [5]. Người ta đã từng thấy cá sấu đẩy những bông hoa màu hồng trên mặt nước, dùng răng ngậm hoa hoặc để hoa trên đầu mõm.
Rồng Komodo thích chơi bóng
Rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất thế giới. Người ta đã chứng kiến loài động vật tuyệt vời này chơi đủ các trò khác nhau. Trong điều kiện nuôi nhốt, chúng chơi những trò phức tạp với bóng, xô, hộp và giày cũ [3]. Khi tua nhanh các đoạn băng, người ta thậm chí thấy rằng cách chơi đùa của rồng Komodo rất giống với cách chơi đùa của chó. Đã từng ghi nhận trường hợp rồng Komodo chơi kéo co giành lon và khăn tay với người chăm sóc của mình.
Rùa có thể chơi bóng rổ
Loài ba ba sông Nile từng được ghi nhận chơi bóng rổ dưới nước và đẩy các chai nhựa vòng quanh bể nuôi [3]. Giống như rồng Komodo, chúng cũng đã từng chơi kéo co với người chăm sóc của mình.
Kỳ đà chơi với người
Kỳ đã cũng thích chơi với các vật thể khác nhau. Chúng thao tác, rung lắc và mang vác các vật thể như vòng, xô và đĩa đi khắp nơi. Chúng cũng có thể trở nên vô cùng thân thiết với người chăm sóc. Người ta đã từng thấy kỳ đà tiếp cận với người chăm sóc, trèo lên người họ và thậm chí còn muốn được người chăm sóc xoa và tiếp xúc theo các cách khác nhau [4].
Động vật bò sát thực sự rất tuyệt vời!
Phúc lợi của động vật bò sát:
Các loài bò sát là thú cảnh phổ biến trên khắp thế giới, và không may là chúng thường phải chịu nhiều đau khổ trong điều kiện nuôi nhốt. Phần lớn người nuôi không nhận thức được về mức độ phức tạp của những sinh vật mà họ đang nuôi làm cảnh, cho rằng chúng không có khả năng suy nghĩ và cảm nhận, dẫn đến việc vô tình bỏ qua những nhu cầu của chúng.
Bò sát là động vật hoang dã và do đó không phù hợp với cuộc sống trong điều kiện nuôi nhốt. Mọi người thường lầm tưởng bò sát là động vật đơn giản, không cần nhiều không gian hoặc môi trường sống phức tạp [6]. Điều này đồng nghĩa với việc bò sát thường bị nuôi nhốt sai cách trong các bể chật chội và phải sống một cuộc đời nhàm chán. Bò sát phức tạp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Một số loài có tính xã hội cao và thể hiện dấu hiệu của trí thông minh phức tạp [2].
Trước khi đến được nhà của một ai đó để làm thú cưng, các loài bò sát có lẽ đã phải trải qua rất nhiều đau khổ. Nhiều loài bò sát được bán hiện nay thực chất bị săn bắt trong môi trường hoang dã, có nghĩa là chúng bị tách khỏi sinh cảnh tự nhiên, sau đó bị vận chuyển nhiều lần, được lưu trữ và xử lý trước khi được đem bán làm thú cưng [7]. Quy trình này có thể gây ra rất nhiều đau khổ cho chúng, cụ thể là sự căng thẳng đến từ thao tác của con người và thương tích trong quá trình săn bắt, chưa kể đến tỉ lệ tử vong cao trong quá trình vận chuyển, lưu trữ và xử lý [2].
Ngay cả các cá thể bò sát được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt vẫn gặp phải nhiều vấn đề tương tự. Bò sát sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt phải sống trong môi trường phi tự nhiên, không thể tránh khỏi tác động của việc nhân giống hàng loạt, đóng gói và vận chuyển [7]. Tỉ lệ tử vong của bò sát sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt cũng rất cao, có thể đạt mức 80%.
Các loài bò sát là những động vật tuyệt vời, nhưng chúng thuộc về tự nhiên hoang dã.
Để tìm hiểu thêm về nạn buôn bán thú cưng ngoại lại, vui lòng truy cập:
World Animal Protection
Wildlife Conservation Research Unit
Bảo tồn bò sát:
Động vật bò sát không nhận được sự quan tâm đúng mức trong lĩnh vực bảo tồn. Bằng chứng là chỉ có khoảng một nửa trong tổng số hơn 10.000 loài bò sát được đánh giá về tình trạng bảo tồn. Khi xem xét một mẫu đại diện của động vật bò sát, các nhà nghiên cứu ước tính rằng cứ 5 loài bò sát thì có 1 loài đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng [9].
Các mối đe dọa chính đối với các loài bò sát là mất môi trường sống và săn bắt động vật hoang dã. Bò sát bị tách khỏi tự nhiên để phục vụ nạn buôn bán thú cưng vừa hợp pháp vừa bất hợp pháp, tùy thuộc vào loài đang xét đến. Động vật bò sát cũng phải hứng chịu tình trạng mất sinh cảnh hoặc suy thoái sinh cảnh. Các mối đe dọa khác bao gồm các loài xâm lấn, ô nhiễm, bệnh tật và biến đổi khí hậu.
Để tìm hiểu thêm về công tác bảo tồn động vật bò sát, vui lòng truy cập:
EDGE of Existence
International Reptile Conservation Foundation
Tài liệu tham khảo:
1. Uetz, P., Freed, P. & Hošek, J. The Reptile Database. (2019). Available at: http://www.reptile-database.org/. (Accessed: 1st May 2019)
2. Lambert, H. S., Carder, G. & D’Cruze, N. Given the Cold Shoulder: A review of the scientific literature for evidence of reptile sentience. Animals in press, (2019).
3. Burghardt, G. M. Play in fishes, frogs and reptiles. Curr. Biol. 25, R9–R10 (2015).
4. Burghardt, G. M. Environmental enrichment and cognitive complexity in reptiles and amphibians: Concepts, review, and implications for captive populations. Appl. Anim. Behav. Sci. 147, 286–298 (2013).
5. Dinets, V. Play Behavior in Crocodilians. Anim. Behav. Cogn. 2, 49–55 (2015).
6. Warwick, C. et al. Exotic pet suitability: Understanding some problems and using a labeling system to aid animal welfare, environment, and consumer protection. J. Vet. Behav. 26, 17–26 (2018).
7. Warwick, C. The Morality of the Reptile ‘Pet’ Trade. J. Anim. Ethics 4, 74–94 (2014).
8. Ashley, S. et al. Morbidity and Mortality of Invertebrates, Amphibians, Reptiles, and Mammals at a Major Exotic Companion Animal Wholesaler. J. Appl. Anim. Welf. Sci. 17, 308–321 (2014).
9. Böhm, M. et al. The conservation status of the world’s reptiles. Biol. Conserv. 157, 372–385 (2013).
BACK