Cuốn “Ăn gì không chết” (How not to die) là tên tác phẩm rất nổi tiếng của M. Greger, cùng với Gene Stone nói về sức mạnh chữa lành của thực phẩm.
Cuốn sách gồm nhiều chương, chẳng hạn: Để không chết vì bệnh tim; Để không chết vì bệnh phổi; Để không chết vì cao huyết áp; Để không chết vì tiểu đường…, có 15 chương để không chết vì các bệnh thông thường mà tác giả đã nghiên cứu tỷ mỷ những nguyên nhân hàng đầu và giải thích vì sao sự can thiệp dinh dưỡng và lối sống đôi khi có thể thành công hơn thuốc men và các giải pháp phẫu thuật.
Bác sĩ Michael Greger, tác giả cuốn sách “Ăn gì không chết”.
Nhưng trước hết, cần hiểu thêm về tư tưởng chính của tác giả trong lời giới thiệu sách, mà chúng tôi trích đăng sau đây:
“Các nhà nhân chủng học y khoa đã xác định một số kỷ nguyên bệnh tật lớn của con người, bắt đầu với thời đại của bệnh dịch hạch và nạn đói, đã gần như kết thúc hẳn với cuộc cách mạng công nghiệp, hoặc giai đọan của chúng ta bây giờ, thời đại của thoái hóa và các bệnh do con người tạo ra.
Sự thay đổi này được phản ánh trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong đang thay đổi trong thế kỷ vừa qua. Năm 1900 tại Hoa Kỳ, ba bệnh nhiễm trùng gây chết người hàng đầu là viêm phổi, lao và tiêu chảy. Ngày nay sát thủ đa phần là các bệnh do lối sống gây nên: bệnh tim, ung thư và bệnh phổi mãn tính.
Có phải đơn giản vì thuốc kháng sinh đã giúp chúng ta sống đủ lâu để chịu đựng các bệnh do thoái hóa không? Không! Sự xuất hiện của các dịch bệnh mãn tính đi kèm những thay đổi đáng kể trong chế độ ăn. Minh họa rõ rệt nhất cho điều này là những gì đang xảy ra với tỷ lệ bệnh tật của con người tại các nước đang phát triển trong vài thập kỷ qua, khi mà chế độ ăn của họ đã bị Âu hóa nhanh chóng.
Năm 1990, trên thế giới bệnh tiêu chảy ở trẻ em suy dinh dưỡng giảm bớt, ngược lại, gánh nặng bệnh tật lớn nhất do huyết áp cao, căn bệnh của tình trạng thừa dinh dưỡng lại bùng phát.
Đại dịch bệnh mãn tính này phần nào được quy cho sự chuyển dịch của gần như cả thế giới sang một chế độ ăn mà thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và các loại thực phẩm chế biến áp đảo. Nói cách khác, đó là chế độ ăn nhiều thịt, sữa, trứng, dầu, nước ngọt, đường và ngũ cốc tinh chế.
Trung Quốc có lẽ là ví dụ nghiên cứu điển hình nhất. Ở đó, sự chuyển dịch khỏi chế độ ăn uống truyền thống dựa vào thực vật đã kéo theo sự tăng mạnh các bệnh mãn tính liên quan đến chế độ ăn, chẳng hạn béo phì, tiểu đường, tim mạch và ung thư.
“Ăn gì không chết” là một trong những tác phẩm bán chạy nhất về dinh dưỡng.
Giới khoa học phân tích ảnh hưởng của những loại thực phẩm cụ thể như thế nào? Họ đã theo dõi chế độ ăn và bệnh tật của những nhóm người số lượng lớn được xác định theo thời gian.
Lấy ví dụ thịt. Để xác định ảnh hưởng có thể có khi tăng lượng thịt ăn vào với tỷ lệ bệnh tật, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trên những người từ bỏ ăn chay. Những người đã từng ăn chay sau đó ăn thịt ít nhất một lần trong tuần có tỷ lệ mắc bệnh tim tăng 146%, đột quỵ 152%, tiểu đường 166% và tăng cân 231%. Trong 12 năm sau khi chuyển từ chế độ ăn chay sang chế độ ăn thực phẩm động vật, việc ăn thịt được chứng minh làm giảm 3,6 năm tuổi thọ.
Ngay cả người ăn chay cũng có thể mắc các bệnh mãn tính, tuy nhiên chỉ trong trường hợp họ ăn nhiều thực phẩm chế biến. Hãy lấy Ấn Độ làm ví dụ. Ở đất nước này, bệnh tiểu đường, bệnh tim, béo phì và đột quỵ tăng nhanh hơn nhiều so với dự kiến cho dù lượng thịt tiêu thụ bình quân đầu người tăng tương đối ít.
Điều này đã được quy cho việc giảm “thực vật thực phẩm toàn phần” trong chế độ ăn của họ, nghĩa là chuyển từ gạo nâu sang gạo trắng và carbonhydrate tinh chế, thức ăn vặt đóng gói và các sản phẩm thức ăn nhanh thay cho các thực phẩm chủ lực truyền thống của Ấn Độ bao gồm đậu lăng, các loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên cám, quả hạch và các loại hạt.
Nói chung, vạch phân cách giữa thực phẩm có lợi cho sức khỏe và thực phẩm gây bệnh đó là ăn ít thực phẩm thực vật so với thực phẩm có nguồn gốc động vật và ăn nhiều thực phẩm thực vật toàn phần hơn các loại thực phẩm khác.
Từ đó, chỉ số chất lượng bữa ăn đã được phát triển đơn giản phản ánh tỷ lệ calorie con người nhận từ thực phẩm giàu dinh dưỡng và thực phẩm thực vật không chế biến theo thang điểm từ 0 đến 100. Điểm số càng cao thì lượng mỡ trong cơ thể ngày càng giảm đi theo thời gian và càng ít có nguy cơ béo bụng, huyết áp cao, cholesterol cao, triglyceride trong máu cao.
“Ăn gì không chết” đã tái bản nhiều lần và nhận được sự quan tâm nhờ nội dung bổ ích.
Khi so sánh chế độ ăn của 100 phụ nữ bị ung thư vú với 175 phụ nữ khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu kết luận rằng nếu ghi điểm ở chế độ ăn toàn thực vật cao hơn (trên 30 và dưới 18) có thể làm giảm tỷ lệ ung thư vú đến 90%…
Sự thật là chỉ cần làm theo 4 yếu tố tạo nên một lối sống lành mạnh: Không hút thuốc lá, không béo phì, dành nửa tiếng đồng hồ tập thể dục mỗi ngày và ăn uống lành mạnh hơn- được định nghĩa là ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám và ít thịt. Chỉ riêng 4 yếu tố này thôi được phát hiện là giảm đến 78% nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Nếu bạn bắt đầu từ đầu và kiểm soát để thực hiện cả 4 điều đó, bạn có thể quét sạch hơn 90% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, hơn 80% nguy cơ đau tim, giảm một nửa nguy cơ đột quỵ và giảm hơn một phần ba nguy cơ ung thư các loại.
Đối với một số bệnh ung thư, chẳng hạn ung thư ruột kết, căn bệnh ung thư giết người phổ biến thứ hai, có đến 71% các trường hợp có thể ngăn ngừa thông qua một danh mục những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn và lối sống tương tự.
Có lẽ đã đến lúc đừng đổ lỗi cho gene di truyền và tập trung vào hơn 70% vốn nằm trong sự kiểm soát trực tiếp của chúng ta. Chúng ta có khả năng kiểm soát đó”.
Tác giả Michael Greger là một bác sĩ kiêm nhà sáng lập Nutritionfacts.org, người lừng danh thế giới về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Ông cũng là Giám đốc về Y tế công và Chăn nuôi tại tổ chức nhân đạo Hoa Kỳ.
Cuốn “Ăn gì không chết” do NXB Trẻ phát hành, đã tái bản nhiều lần và nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn đọc vì nội dung bổ ích của nó. Cũng có một vài quan điểm cần được tranh luận thêm, chẳng hạn tác giả cho rằng nên loại bỏ hoàn toàn thực phẩm từ động vật, kể cả trứng và sữa. Nhưng cơ bản, “Ăn gì để không chết” vẫn là một cuốn sách cho chúng ta rất nhiều hiểu biết về dinh dưỡng, để điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống cho mình, bảo đảm một sức khỏe tốt tức là bảo đảm hạnh phúc cho cuộc sống của mình và người thân.