Hầu hết tất cả mọi người đều đã từng trải qua những triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón. Khi những triệu chứng này xuất hiện thường xuyên nghĩa là hệ tiêu hóa của bạn đang có vấn đề và chất lượng cuộc sống của bạn đang bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Ăn gì tốt cho đường tiêu hóa? Và cần tránh những thực phẩm có hại nào cho đường tiêu hóa? Hãy cùng chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên trong bài viết dưới đây.
5 nhóm chất cần thiết tốt cho đường tiêu hóa
1. Ă
n gì tốt cho đường tiêu hóa? – Là
Probiotics
Những thực phẩm chứa probiotics có thể giúp cải thiện sức khỏe chung của toàn cơ thể và tăng cường chức năng của hệ miễn dịch. Các probiotics sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa bằng cách thiết lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột, kích thích tiêu hóa, tăng cường đề kháng và hỗ trợ giảm rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón.
Trong hầu hết các trường hợp, để sử dụng probiotics hiệu quả, hãy ăn những thực phẩm chứa probiotics ở nhiệt độ mát hoặc nhiệt độ phòng vì nhiệt độ cao sẽ tiêu hủy những vi khuẩn sống có trong đó. Ngoài ra, hãy kiểm tra kỹ các thành phần khi sử dụng vì nhiều thực phẩm lên men ngày nay có chứa cả đường và natri.
Những món ăn tốt cho đường tiêu hóa có chứa Probiotics phổ biến là nấm sữa kefir, sữa chua lên men, phô mai lên men, đậu nành lên men tempeh, trà giấm lên men kombucha, dưa cải, kimchi.
2. Prebiotic
Probiotics rất quan trọng. Tuy vậy, để có sức khỏe đường ruột tốt hơn, bạn cần giúp vi khuẩn trong ruột phát triển mạnh hơn, nghĩa là cho các vi khuẩn đó “ăn”. Thức ăn của vi khuẩn chính là các chất xơ prebiotics có trong thực vật.
Prebiotics không hiếm tìm trong thực phẩm hàng ngày. Bạn có thể tìm thấy nó trong các loại hoa, quả, ngũ cốc, các loại hạt, đậu. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng những người có chế độ ăn nhiều chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường thấp hơn những người không.
3. Glutamine
Đây là một axit amin hỗ trợ tiêu hóa đã được chứng minh là có khả năng làm giảm chứng rò rỉ ruột ở những người mắc bệnh nặng. Trong cơ thể, glutamine là nguồn nhiên liệu cho các tế bào ở ruột non và ruột già, và không thể thiếu để duy trì một đường ruột khỏe mạnh, ngăn ngừa các vi khuẩn có hại.
Glutamine bình thường có trong rất nhiều loại thực phẩm và được tìm thấy nhiều nhất trong các sản phẩm từ động vật vì chúng chứa nhiều protein. Tuy vậy, một vài thực phẩm có nguồn gốc thực vật có tỷ lệ phần trăm glutamine cao hơn trong protein. Các loại thực phẩm chứa glutamine có thể kể đến như: gà tây, đậu nành, trứng, hạnh nhân.
4. Kẽm
Đây là một khoáng chất rất quan trọng giúp bạn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến các rối loạn đường tiêu hóa. Khi gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy, viêm đại tràng, rò rỉ ruột, bổ sung kẽm có thể điều trị các vấn đề này. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, lượng kẽm nên cung cấp cho cơ thể hàng ngày là 8mg cho nữ và 11mg cho nam.
Nguồn thức ăn nhiều kẽm là từ các loại thịt đỏ, các loại động vật có vỏ như hàu, cua, sò, hến, sữa, trứng. Trong thực vật, kẽm có thể được tìm thấy trong cây họ đậu, các loại hạt khô như đậu phộng, hạt điều và hạnh nhân, ngũ cốc nguyên hạt, một số loại rau như cải xoăn và đậu xanh.
5. Chất xơ
Khi nói đến những món ăn tốt cho đường tiêu hóa, không thể không kể đến những món ăn và thực phẩm giàu chất xơ. Có hai loại chất xơ đó là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan hấp thụ nước và giúp bạn tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn. Còn chất xơ không hòa tan giúp cho việc di chuyển thức ăn trơn tru hơn trong cơ thể.
Chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, trĩ hay trào ngược dạ dày thực quản. Chất xơ hòa tan được thấy trong các loại hạt, đậu, yến mạch. Chất xơ không hòa tan thì có trong các loại rau và ngũ cốc.
Tìm hiểu: Cách cải thiện hệ tiêu hóa cho trẻ
Những loại thực phẩm cần tránh do ảnh hưởng tới đường tiêu hóa
Ngoài việc ăn những món ăn tốt cho đường tiêu hóa, bạn còn cần phải tránh và hạn chế tiêu thụ một vài loại thực phẩm có nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn, rượu bia. Đây là những thực phẩm có ảnh hưởng xấu đến các vi khuẩn của hệ tiêu hóa, và có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm đường tiêu hóa.
Sau đây là những thức ăn bạn cần phải tránh tiêu thụ để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh:
1. Chất ngọt nhân tạo
Những ảnh hưởng của chất làm ngọt nhân tạo đối với cơ thể con người chưa được biết đến rõ ràng. Tuy vậy, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất làm ngọt nhân tạo như saccharin và sucralose được sử dụng trong các loại soda ăn kiêng có thể thay đổi số lượng của các vi khuẩn đường ruột. Các carbonat trong soda cũng có thể gây đầy hơi và ợ hơi.
2. Thịt đỏ
Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng thịt đỏ làm giảm số lượng các vi khuẩn có trong ruột. Khi carnitine – một thành phần có trong thịt đỏ được trộn lẫn với vi khuẩn đường ruột, nó sẽ hình thành nên trimethylamine N-oxide (TMAO). TMAO có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm tuổi thọ ở con người.
3. Thực phẩm chế biến sẵn
Có nhiều nguy cơ thường trực khi tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn, điển hình như ngộ độc thực phẩm vì chúng ta không kiểm soát được hàm lượng các chất được đưa vào trong quá trình chế biến và bảo quản. Ngoài ra, tại Việt Nam, muối, đường, rượu, giấm là những thứ hay dùng để bảo quản thực phẩm chế biến sẵn. Tiêu thụ những chất này lâu dài, đặc biệt là muối có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp.
Đối với các loại thực phẩm thịt, nitrite được sử dụng rộng rãi trong quá trình chế biến. Tuy vậy, hàm lượng cao nitrite sẽ là chất độc cho cơ thể người, tích tụ trong gan lâu ngày gây nhiễm độc, ung thư gan, dạ dày.
4. Đồ uống chứa cồn
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 bệnh khác. Rượu cũng đứng thứ ba trong số các nguyên nhân tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa như dạ dày, gan, ruột non, rượu còn có tác động lên toàn bộ các bộ phận trên cơ thể đặc biệt là não và hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch và hô hấp.
Đối với hệ tiêu hóa, rượu gây kích thích hệ tiêu hóa, gây nên các ổ viêm loét niêm mạc dạ dày, gây nên xuất huyết dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Trường hợp nặng hơn có thể làm thủng dạ dày. Ngoài ra, nghiện rượu cũng gây ra các bệnh như viêm gan mạn tính, viêm tụy cấp, ung thư miệng, thực quản, ung thư đại tràng.
Trên đây là những món ăn tốt cho đường tiêu hóa và những thực phẩm cần tránh để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Một chế độ sinh hoạt và ăn uống điều độ là cách thức dễ dàng và tiết kiệm nhất để bảo vệ bạn khỏi những bệnh tật của đường tiêu hóa.
Top tìm kiếm: hệ tiêu hóa là gì, hệ tiêu hóa kém, thực phẩm tăng sức đề kháng, viêm trực tràng nên ăn gì, hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Nguồn tham khảo
1. The Best (and Worst) Foods for Your Gut
https://www.rallyhealth.com/food/the-best-and-worst-foods-for-your-gut
2. Glutamine
https://badgut.org/information-centre/health-nutrition/glutamine/
3. Nguy cơ sức khỏe từ thực phẩm chế biến sẵn, truyền thống
https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-suc-khoe-tu-thuc-pham-che-bien-san-truyen-thong-n141799.html