Heo tộc là giống lợn thả rong của người miền núi, vẫn được gọi là “heo mọi”, thịt mềm và lành, ít mỡ hơn. Còn dê thượng là dê núi, thịt dai và thơm hơn dê nhà.
Món lòng heo tộc (Sài Gòn Tiếp Thị).
Trên bảng hiệu một quán ăn ở đường Nguyễn Tuyển, quận 2, TP HCM ghi đúng ba món chủ đạo: “heo tộc, gà ri, dê thượng”. Gà ri do đã gần như bị xoá sổ vì nạn cúm gia cầm nên quán chỉ còn 2 món lạ tai kia. Quán có mặt bằng không rộng, bài trí sơ sài đúng kiểu vùng sơn cước phía Bắc, phong cách cũng khá… ven đường, nên sự chú ý nếu có sẽ không ngoài chính thực đơn của quán, và cái tên lạ cũng góp phần gây tò mò cho khách ẩm thực.
Thực khách ngờ rằng chữ “tộc” chỉ là cách dùng từ khác để tránh gọi tên giống heo nhỏ, nuôi thả rong của người miền núi mà ta vẫn quen gọi là “heo mọi”. Dê thượng chắc cũng tương tự như vậy.
Heo tộc thịt mềm và lành, ít mỡ nếu đúng là cách nuôi thả vườn. Trước khi chế biến, người ta làm lông bằng cách thui trên lửa than chứ không cạo lông nước sôi như cách thông thường. Miếng vai đem hấp, xắt lát mỏng ăn với rau thơm và tương Bần hoặc mắm tôm là tuyệt diệu. Quán cũng có các món heo tộc nướng, sườn nướng giả cầy, xáo măng, lòng hấp, tiết canh,… bày biện tương tự các quán cầy tơ. Được cái thịt heo tộc lạ miệng, vừa gợi hương vị núi rừng vừa không vi phạm các quy định bảo vệ động vật hoang dã.
Còn “dê thượng” không biết có thật là dê núi, nhưng quán khẳng định miếng dê khi ăn sẽ dai hơn, thơm hơn dê nhà. Trong thời buổi các quán lẩu dê nhan nhản ở thành phố bị nghi là dê lai tạp, dê bê, thì việc trưng bảng “dê thượng” để khách ẩm thực tin rằng mình được thưởng thức đúng loại dê cũng là một cách tiếp thị.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)