Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đang xây dựng kế hoạch phát huy giá trị các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng để trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa.
Vùng đất giàu trầm tích
An Khê nằm ở cửa ngõ phía Đông tỉnh, có quốc lộ 19 chạy qua nối liền 2 thành phố năng động, sầm uất là Pleiku và Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Thị xã có núi non trùng điệp, dòng sông Ba thơ mộng cùng nhiều điểm du lịch sinh thái như rừng thông, đồi sim đầu đèo An Khê, hồ Hòn Cỏ, đập Bến Tuyết… Vùng đất này còn là nơi định cư sớm của người Việt trên Tây Nguyên. Nhờ vậy mà nơi đây có rất nhiều thiết chế tín ngưỡng như: đình, miếu, vạn, chùa chiền, nhà cổ với lối kiến trúc đẹp, tuổi đời hàng trăm năm.
Đặc biệt, An Khê còn là vùng đất ghi đậm dấu ấn của anh em nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII với 3 cụm di tích thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo gồm: cụm di tích Hòn Bình, Hòn Nhạc, Hòn Tào, Gò Kho-Xóm Ké; cụm di tích Miếu Xà, Cây Ké phất cờ-Cây Cầy gióng trống; cụm di tích Gò Chợ, lũy An Khê, An Khê trường, đình An Lũy (An Khê đình) và nhiều di tích có giá trị khác gắn với cuộc khởi nghĩa.
Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch. Ảnh: Ngọc Minh
Để làm rõ hơn những giá trị của các di tích còn lại trên địa bàn, ngày 17/5, UBND thị xã An Khê đã tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý cho hồ sơ khoa học “Quần thể di tích ấp Tây Sơn Nhì-Cửu An” với 12 điểm gắn với hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn. Bên cạnh đó còn có 2 điểm gắn với hoạt động di cư và giao thương, không còn kiến trúc vật chất gồm: Chợ Phiên, Trạm Gò; 6 điểm còn kiến trúc tín ngưỡng cộng đồng như: đình Cửu An, dinh Bà (miếu An Điền, miếu An Điền Bắc) và các miếu An Bình, An Thạch, An Phước, An Điền Nam. Các điểm di tích này được phân bố trên địa bàn xã Cửu An, Xuân An và phường An Phước.
Bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đa dạng các loại hình du lịch, thị xã An Khê từng bước nâng tầm tổ chức các ngày lễ lớn gắn với di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo như: lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, ngày mất Hoàng đế Quang Trung; cúng Khai Sơn, Quý Xuân, Quý Thu… Từ năm 2017 đến nay, thị xã tổ chức thành công Hội cầu Huê của người Việt vùng An Khê sau hơn 60 năm thất truyền.
Di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá là điểm nhấn quan trọng để thị xã An Khê đẩy mạnh phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Minh
Từ năm 2015 đến 2019, qua khai quật, các nhà khảo cổ học Nga và Việt Nam đã phát hiện các di tích sơ kỳ Đá cũ ở Rộc Tưng (xã Xuân An) và Gò Đá (phường An Bình). Theo các nhà khoa học, di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê có niên đại hơn 80 vạn năm cách ngày nay. Phát hiện khảo cổ này đã làm thay đổi toàn bộ nhận thức của giới nghiên cứu về thời điểm mở đầu lịch sử Việt Nam; đồng thời bổ sung vào bản đồ phân bố cộng đồng người sơ kỳ Đá cũ sớm của nhân loại. Với ý nghĩa quan trọng đó, năm 2018, UBND tỉnh đã quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đầu tháng 11/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá là di tích cấp quốc gia. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt nghiên cứu khoa học mà còn là điểm nhấn quan trọng để thị xã đẩy mạnh phát triển du lịch.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thời gian qua, Thị ủy An Khê đã quán triệt, tuyên truyền, triển khai các chương trình phát triển du lịch nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, địa phương và người dân trên địa bàn về thực hiện nếp sống văn minh, tạo môi trường thân thiện, thu hút du khách, đồng thời nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thị xã. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được thị xã quan tâm. Địa phương đã tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, giao lưu, ký kết bản ghi nhớ, chương trình hợp tác về xây dựng và phát triển du lịch với huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định); sản xuất phim tư liệu, phóng sự, đĩa nhạc, trang thông tin điện tử, triển lãm tranh ảnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh về văn hóa-lịch sử, con người, vùng đất An Khê; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đón 3 đoàn Famtrip đến khảo sát, tham quan các điểm di tích của thị xã và chia sẻ kinh nghiệm nhằm phát triển du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn có hơn 13,3 ngàn lượt khách đến tham quan các di tích của thị xã.
Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Ngọc Minh
Bàn về giải pháp trong tâm để đưa du lịch của thị xã “cất cánh” trong thời gian tới, Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Xuân Phước cho hay: Thị xã sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, các lễ hội truyền thống theo hướng chuyên nghiệp; đẩy mạnh công tác xã hội hóa du lịch; tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển; chú trọng xây dựng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang đậm bản sắc, tính đặc trưng của địa phương, tạo tính cạnh tranh cao và hấp dẫn du khách. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho lao động trực tiếp tham gia trong lĩnh vực du lịch.
“Thị xã sẽ tiếp tục rà soát, lập thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh đối với một số cơ sở tín ngưỡng, kiến trúc cổ có giá trị trên địa bàn như: đình Cửu Định, An Cư, miếu An Tân, di tích Chiến thắng Suối Vối, Rộc Dứa; phối hợp với ngành chức năng của tỉnh quy hoạch chi tiết Quần thể di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tổ chức các hội nghị, hội thảo, các chuyến khảo sát (Famtrip); tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung đa dạng, phong phú nhằm giới thiệu, xây dựng hình ảnh, sản phẩm du lịch của thị xã, từng bước xây dựng thương hiệu và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương”-Bí thư Thị ủy An Khê nhấn mạnh.
Ngọc Minh