“Điểm nóng” trong giới khảo cổ học
Chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa của VN giữa Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN và Viện Khảo cổ – Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga, đã cho ra những phát hiện gây chấn động giới khảo cổ học thế giới.
Với 23 di tích thời đại đá cũ, hàng ngàn hiện vật có niên đại khoảng 800.000 năm được phát hiện, An Khê (Gia Lai) trở thành “điểm nóng” trong giới khảo cổ học VN và quốc tế. Các nhà khảo cổ của VN và Liên bang Nga không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên khi khai quật từ những địa tầng nguyên vẹn hàng ngàn hiện vật đá có giá trị. Trong đó, những hiện vật như công cụ đá ghè hai mặt, công cụ chặt thô…, những mảnh tectit và đặc biệt là rìu tay mà theo tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, là “mang những đặc trưng của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại”.
Các nhà nghiên cứu đã có nhận định bước đầu rằng: So với di tích sơ kỳ khác ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, kỹ nghệ đá cũ An Khê còn có một số nét cổ xưa hơn. Từ năm 2015 đến nay, những phát hiện chấn động này dần được công bố trên các tạp chí, hội nghị, hội thảo quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu đã không khỏi ngạc nhiên về một khu vực ven sông Ba của Gia Lai ẩn chứa nhiều giá trị khảo cổ tột quý.
Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối khẳng định: “Kỹ nghệ đá cũ An Khê là di tồn văn hóa của người vượn (Hominin) nhiều khả năng là kết quả tiến hóa bản địa của một dạng nhân hình hội tụ truyền thống kỹ thuật chế tác công cụ cuội trong khu vực”.
Còn tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Gia Lai, thì nhận định: “Di tích này góp phần quan trọng trong đánh giá lịch sử loài người không chỉ ở VN mà là của thế giới. Đối với thị xã An Khê cũng như Gia Lai, khi có một di tích đặc biệt như thế thì đây là một điểm đến hấp dẫn đối với giới khoa học cũng như du khách. Nếu ý tưởng về Công viên Đá cũ thành hiện thực nữa thì đây là quả là một điểm đến đặc biệt vì không đâu ở VN có một nơi như thế”.
Cơ hội và thách thức
Khu vực Tây nguyên nói chung cũng như Gia Lai nói riêng dù có nhiều tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng, các giá trị văn hóa riêng có, đặc sắc song vẫn còn thiếu nhiều cú hích trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có du lịch. Với những phát hiện chấn động giới khảo cổ học quốc tế về đá cũ An Khê, đây là dịp quảng bá giá trị quý báu của di tích và cơ hội để phát triển kinh tế – xã hội liên vùng. Hiện các nhà quản lý đang có những bước đi phù hợp nhằm bảo tồn, gìn giữ và quảng bá di tích này.
Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Di tích Khảo cổ học Gò Đá – Rộc Tưng An Khê – Gia Lai đã được UBND tỉnh Gia Lai xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hiện Gia Lai đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng Di sản văn hóa của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đây là di tích cấp quốc gia, tiến tới là di tích quốc gia đặc biệt”.
Thị xã An Khê là cửa ngõ phía đông Gia Lai, giáp tỉnh Bình Định, thông ra hướng các tỉnh duyên hải miền Trung. Câu ca dao xưa: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”, không chỉ phản ánh sự giao thương giữa miền ngược với miền xuôi mà có lẽ, đó còn là sự đoàn kết Kinh – Thượng trong tiến trình lịch sử của đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà các lãnh đạo nhà Tây Sơn đã chọn khu vực này làm căn cứ địa, khởi đi một trong những phong trào khởi nghĩa nông dân rạng rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam. Và nay, thêm những giá trị khảo cổ đặc sắc về kỹ nghệ đá cũ, chắc chắn An Khê trở thành một vùng đất có hấp lực đối với giới nghiên cứu và khách du lịch. Quan trọng nhất, các cơ quan hữu quan của Gia Lai sẽ làm gì và làm như thế nào để đánh thức tiềm năng đặc biệt này.
Cú hích cho phát triển
Có các tuyến đường bộ thuận lợi nối các tỉnh Tây nguyên với khu vực duyên hải miền Trung, các tỉnh khu vực đông bắc Campuchia và nam Lào, Gia Lai được đánh giá là trung tâm của Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Điều kiện thuận lợi này đang mở ra những cơ hội để các cấp hữu quan kêu gọi, thu hút đầu tư, quảng bá du lịch. Thị xã An Khê với cụm di tích về kỹ nghệ đá cũ, quần thể Tây Sơn thượng đạo gồm 17 di tích… chắc chắn sẽ có hấp lực riêng.
Nhiều di tích thời Tây Sơn còn lưu dấu đến ngày hôm nay như An Khê đình, An Khê trường, Miếu xà, núi ông Bình… Với những di tích quý giá như vậy, song do thiếu đầu tư, thiếu quảng bá, thiếu kết nối khiến dịch vụ, du lịch ở khu vực này còn khiêm tốn. Do vậy, tiềm năng này chưa được khai thác đúng tầm để tạo nên sức bật lớn, đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Song, có một chỉ dấu rất lạc quan và trong nhiều năm qua, những lễ hội Đống Đa, lễ hội Cầu Huê… đã được tổ chức ngày một chu đáo và thu hút rất đông du khách thập phương. Ngoài ra, những sản phẩm văn hóa bản địa đặc sắc ở An Khê cũng như các huyện vùng đông Gia Lai đang tiềm ẩn những giá trị văn hóa riêng có. Nếu có đầu tư xứng đáng và liên kết với những sản phẩm du lịch khác ở các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây nguyên, hy vọng về những giá trị văn hóa cùng nhiều loại hình du lịch sẽ khởi phát ở An Khê và thị xã này sẽ trở thành một điểm đến mới của du khách trong, ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê: “Chúng tôi cũng đang triển khai xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu An Khê – Kbang trong những năm tới. Loại hình di sản này không thể tách rời di sản văn hóa khảo cổ ở An Khê. Việc phát huy những giá trị di sản khảo cổ đá cũ An Khê thành sức mạnh vật chất phục vụ phát triển du lịch thị xã cần gắn kết 3 nhà: Nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và nhà doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng bộ, đồng thời cần xây dựng một lộ trình trong đầu tư khai thác du lịch và đào tạo cán bộ du lịch. Có như vậy, chúng ta sẽ đánh thức được phần nào di sản văn hóa mà tổ tiên để lại, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế – văn hóa xã hội thị xã An Khê trong tương lai”.