Anh túc xác: Cây thuốc bị cấm và những tác dụng trị bệnh

Anh túc xác: Những điều cần biết về dược liệu bị cấm

Mô tả ngắn: Anh túc xác là quả thuốc phiện chín sau khi lấy hạt và nhựa rồi phơi hay sấy khô. Tuy Anh túc là một thứ cây đã bị cấm trồng, nhưng bản thân nó cũng là một cây thuốc, và Anh túc xác cũng là một phần dùng làm thuốc của cây Anh túc.

Mô Tả Dược Liệu

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Anh túc xác

Tên khác: Cù túc xác; cây Nàng tiên; A phiến; Trẩu; Phù dung; Oanh túc xác; Ngự mễ xác, cây Thuốc phiện.

Tên khoa học: Fructus Papaveris Deseminatus.

Đặc điểm tự nhiên

Anh túc là cây thân cỏ, sống hàng năm hoặc 2 năm, cao 0,7 – 1,5m, cây mọc thẳng, ít phân nhánh, thân cây nhẵn, có phủ phấn trắng. Lá mọc so le, ôm vào thân cây, có hình trứng dài 6 – 50cm, rộng 3,5 – 30cm đầu trên nhọn, đầu phía cuống nhọn hoặc hơi hình tim. Hoa mọc đơn độc ở đầu thân hoặc đầu cành có cuống dài 12 – 14cm, đài hoa có hai lá dài màu xanh, dài 1,5 – 2cm. Tràng gồm 4 cánh hoa, dài 5 – 7cm, màu trắng hoặc hồng hay tím. Mùa hoa thường từ tháng 4 đến tháng 6. Quả có hình cầu hoặc hình trụ dài 4 – 7cm, có khía dọc. Trong quả chín có rất nhiều hạt nhỏ, màu xám trắng hoặc xám đen. Mùa quả từ tháng 6 đến tháng 8.

Thân cây khi bấm có nhựa mủ màu trắng chảy ra, để lâu chuyển thành màu đen. Quả sau khi khía để lấy nhựa sẽ thấy các vết ngang hoặc vết dọc trên bề mặt quả, sau khi phơi khô hoặc sấy khô gọi là anh túc xác.

cây anh túc
Cây anh túc

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Cây Thuốc phiện được trồng tại các vùng cao phía Bắc nước ta, nơi có khí hậu mát lạnh như: Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tây. Ngoài ra, tại một số nước khác cũng có trồng như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Tư, Bungaria… Tuy nhiên cây anh túc là một thứ cây đã bị cấm tự trồng vì quá nhiều tác hại mang tới, việc tự ý trồng cây anh túc là vi phạm pháp luật tại nước ta và nhiều nước trên thế giới.

Quả thuốc phiện sau khi chín được thu hái về, lấy hạt và nhựa, gân màng ra, giữ lại phần vỏ quả, sau đó phơi hay sấy khô, bào chế thành dạng bột, cao, cồn thuốc để dùng dần.

Bộ phận sử dụng

Quả chín sau khi lấy hạt và nhựa.

Thành Phần
Hóa Học Của Anh túc xác

Trong Anh túc xác có acid meconic, acid tactric, acid citric, morphin, nacotin, papaverin, papaverrozin.

Quả chín chứa nhiều alkaloid hơn quả non, trong quả chín lượng morphin có thể lên tới hơn 0,5%, vỏ quả chưa chín chỉ chứa 0,02 – 0,05% morphin, nacotin và codein khoảng 0,0113 – 0,0116; vỏ quả chín chỉ chứa 0,018% nacotin và codein 0,028%, codein 0,028%. Trong sáp của vỏ quả chủ yếu gồm este của acid palmitic, acid cerotic và cồn xerylic.

Tuy nhiên các thành phần trên thay đổi tùy theo cách thu hái, nguồn gốc cây Thuốc phiện.

Theo nghiên cứu của tác giả Trần Nguyên Hữu và cộng sự, vỏ quả đã rạch nhựa chứa 0,09% morphin, các alkaloid khác 0,10% ở Mường Lống (Nghệ An).

Quả Anh túc xác
Quả cây anh túc

Tác Dụng Dược
Lý Của Anh túc xác

Theo y học cổ truyền

Anh túc xác được dùng chữa ho lâu ngày không khỏi, tiêu chảy mạn tính.

Theo y học hiện đại

Morphin có tác dụng giảm đau, gây ngủ, gây cảm giác tê mê, sảng khoái, đây là tác dụng dùng giảm đau trong điều trị nhưng cũng chính là nguyên nhân gây nghiện.

Morphin có tác dụng ức chế hô hấp, làm cho trung tâm hô hấp kém nhạy cảm với CO2, kéo dài thời gian thở ra, nên số lần thở trong 1 phút giảm.

Morphin cũng có tác dụng giảm ho do ức chế trực tiếp trung tâm ho ở hành não và một phần cũng do ức chế hô hấp gây nên.

Morphin cũng có tác dụng gây táo bón do làm giãn cơ trơn ruột nhưng lại làm tăng trương lực cơ thắt hậu môn, thức ăn và phân giữ lại lâu trong ruột, nước bị hấp thu phần lớn nên sinh táo bón. Tác dụng này được dùng để điều trị bệnh tiêu chảy mãn tính nặng.

Liều Dùng, Cách
Dùng Của Anh túc xác

Ngày 3 – 6g, sắc uống.

Bài Thuốc Có Anh túc xác

Bài thuốc trị ho lâu ngày:

Anh túc xác bỏ gân màng sau đó nướng cùng với mật ong, tán bột. Mỗi lần uống 2 g với nước pha mật ong.

Bài thuốc trị lao, suyễn, ho lâu năm, mồ hôi tự ra:

Anh túc xác 100g, bỏ gân màng và đế, sao với giấm, thêm 20g ô mai. Sau đó tán bột, mỗi lần uống 8g khi đi ngủ.

Bài thuốc trị tiêu chảy không cầm:

Anh túc xác 1 cái, ô mai nhục 10 cái, đại táo nhục 10 cái, tất cả đem sắc với 1 chén nước cho đến khi cạn còn 7 phần, uống khi nước sắc còn ấm.

Bài thuốc trị lỵ:

Anh túc xác đập dập bỏ núm trên và đế, đem nướng với mật ong cho hơi đỏ, hậu phác bỏ vỏ, ngâm nước cốt gừng qua đêm, sau đó đem nướng, đem anh túc xác và hậu phác đã sơ chế tán thành bột. Mỗi lần dùng 8 – 12g với nước cơm.

Bài thuốc trị lỵ lâu ngày:

Anh túc xác đem nướng với giấm, sau đó tán thành bột, trộn với mật ong làm hoàn. Ngày uống 6 – 8g với nước sắc gừng ấm.

Anh túc xác 400g, bỏ màng, chia làm 3 phần: 1 phần sao với giấm, 1 phần sao với mật ong, 1 phần để sống. Tán bột, trộn với mật làm hoàn. Ngày uống 8 – 12g với nước cơm.

Bài thuốc trị xích bạch lỵ ở trẻ nhỏ:

Anh túc xác 20g đem sao với giấm, tán nhỏ. Binh lang 20g sao đỏ, nghiền nhỏ. Trộn 2 vị này lại với nhau. Nếu trẻ bị xích lỵ uống chung với mật ong, bạch lỵ uống chung với nang đường.

Trị trẻ nhỏ bị thổ tả, không muốn ăn uống, bạch lỵ:

Anh túc xác 40g đem sao chung với Trần bì 40g, Kha tử 40g bỏ hạt đem nướng, đều 40g Sa nhân 8g, Chích thảo đều 8g. Tất cả đêm tán bột. Ngày uống 8 – 12g với nước cơm.

dược liệu cây thuốc phiện
Cây Thuốc phiện dùng cho trẻ bị thổ tả

Lưu Ý Khi Sử Dụng Anh túc xác

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Anh túc xác:

  • Không dùng Anh túc xác để chữa tiêu chảy, kiết lỵ cấp tính do vi khuẩn hoặc do nhiễm độc thức ăn.

  • Anh túc xác chứa hàm lượng nhỏ morphin, nếu dùng lâu dài và liều lượng lượng có thể gây nghiện, muốn sử dụng phải có đơn của thầy thuốc và không được dùng quá 7 ngày.

  • Trẻ em dưới 5 tuổi không được sử dụng vì dễ bị ức chế hô hấp, liệt hô hấp và tử vong.

  • Việc sử dụng Anh túc xác cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, thầy thuốc, không được tự ý sử dụng.

Nguồn Tham Khảo

  1. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi, trang 699-700.

  2. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2), trang 923-928.

Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng dược liệu phải tuân theo hướng dẫn
của bác sĩ chuyên
môn.

Rate this post

Viết một bình luận