Hình ảnh thần Anubis với thân người, đầu chó rừng bên cạnh một xác ướp. Ảnh: Wikimedia Commons
Với biểu tượng là một con chó đen hoặc một người đàn ông cơ bắp với đầu chó rừng đen, vị thần chết của người Ai Cập cổ đại được cho là vị thần giám sát mọi khía cạnh của quá trình chết. Ông tạo điều kiện cho việc ướp xác, bảo vệ mộ người chết và quyết định liệu một linh hồn có nên được ban cho sự sống vĩnh cửu hay không.
Các nhà sử học tin rằng văn hóa tôn thờ Anubis đã phát triển trong Thời kỳ Ai Cập cổ đại vào khoảng 6.000-3.150 năm trước Công nguyên khi hình ảnh đầu tiên của thần xuất hiện trong các lăng mộ thuộc triều đại Ai Cập thứ nhất – gồm nhóm pharaoh đầu tiên cai trị một Ai Cập thống nhất.
Thật thú vị khi thần Anubis thực ra là người Hy Lạp. Trong ngôn ngữ Ai Cập cổ đại, ông được gọi là “Anpu”, hay là “Inpu”, có liên quan mật thiết đến những từ chỉ một “đứa trẻ hoàng tộc” và “phân huỷ”. Từ Anubis còn được biết đến với tên gọi là Imy-ut, có nghĩa là “Chúa tể của vùng đất linh thiêng”. Như vậy nguyên của tên của thần đã cho thấy Anubis mang dòng máu hoàng tộc thiêng liêng và liên quan đến người chết.
Tượng thần Anubis trong hình dạng chó rừng. Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Mỹ
Hình ảnh tượng trưng của thần Anubis có lẽ bắt nguồn từ những con chó rừng đi lang thang có xu hướng đào bới và tha nhặt xác chết mới chôn. Đầu thần thường có màu đen thể hiện sự liên tưởng màu sắc của người Ai Cập cổ đại với sự phân huỷ hoặc đất châu thổ sông Nile.
Anubis đảm nhận nhiều vai trò trong quá trình chết đi của con người. Đôi khi thần giúp mọi người đi vào thế giới bên kia, quyết định số phận của họ lúc ở đó, và có khi thần chỉ đơn giản là bảo vệ một xác chết. Vì thế, Anubis được xem là thần chết, thần ướp xác và thần linh hồn người chết.
Thần Anubis trên quách của pharaoh Harmhabi. Ảnh: Thư viện Công cộng New York
Thần thoại về Anubis
Nhưng có một vị thần khác liên quan đến người chết cũng đã nổi lên trong triều đại Ai Cập thứ năm vào thế kỷ 25 trước Công nguyên: Đó là thần Osiris. Vì điều này, Anubis đã mất đi vị trí là vua của người chết và câu chuyện nguồn gốc của ông được viết lại theo hướng để thần phục tùng thần Osiris có làn da màu xanh lá cây.
Trong huyền thoại này, Osiris đã kết hôn với em gái xinh đẹp của mình là Isis. Isis có một người em sinh đôi tên là Nephthys, vốn đã kết hôn với một người anh trai khác của họ là Set, vị thần chiến tranh, hỗn loạn và bão tố.
Nhưng Nephthys không yêu chồng mình mà lại thích Osiris mạnh mẽ. Nàng cải trang thành Isis và quyến rũ Osiris. Mặc dù Nephthys được cho là vô sinh, nhưng chuyện này bằng cách nào đó đã khiến nàng có thai. Nàng hạ sinh em bé Anubis nhưng vì sợ cơn thịnh nộ của chồng, Nephthys nhanh chóng bỏ rơi con.
Bùa hộ mệnh hình thần Anubis. Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan Museum.
Tuy nhiên, khi Isis phát hiện ra chuyện ngoại tình và đứa trẻ vô tội, nàng đã tìm Anubis và nhận nuôi đứa bé.
Thật không may, Set cũng phát hiện ra chuyện ngoại tình và để trả thù, ông đã giết chết rồi phân xác Osiris, ném những mảnh thi thể của chàng xuống sông Nile. Anubis, Isis và Nephthys cuối cùng đã tìm kiếm những phần cơ thể này, Isis tái tạo lại thi thể chồng, và người con Aubis bắt đầu bảo quản xác cha. Bằng cách đó, ông đã tạo ra quá trình ướp xác nổi tiếng của Ai Cập và từ đây được coi là vị thần bảo trợ của những xác ướp.
Set vô cùng tức giận khi biết thi thể Osiris đã được tái tạo, thần tìm cách biến thi thể kẻ thù thành một con báo, nhưng Anubis đã bảo vệ cha và dùng thanh sắt nóng chọc lên da thần Set. Đó cũng là sự tích loài báo có các đốm trên người.
Khi nhìn thấy tất cả những điều này, Ra, vị thần Mặt trời của Ai Cập, đã hồi sinh Osiris. Tuy nhiên Osiris không thể tiếp tục cai trị với tư cách vị thần của sự sống. Thay vào đó, ông tiếp quản vị trí thần chết của Ai Cập, thay thế con trai của mình là Anubis.
Một bức tượng miêu tả vị thần Ai Cập Anubis với cái đầu chó rừng và cơ thể người đàn ông.
Người bảo vệ xác ướp và phán xét linh hồn
Mặc dù Osiris tiếp quản ngôi vị thần chết của Ai Cập cổ đại, Anubis vẫn tiếp tục duy trì vai trò quan trọng trong cõi tử. Là vị thần cai quản quá trình ướp xác, Anubis còn chịu trách nhiệm trừng phạt những người phạm một trong những tội ác tồi tệ nhất ở Ai Cập cổ đại: tội cướp mộ. Người ta cũng tin rằng thần Anubis sẽ bảo vệ và tôn trọng người chết, mang họ đến một thế giới bên kia yên bình và hạnh phúc.
Ông được coi là người thi hành những lời nguyền – có lẽ theo những cách đã ám ảnh các nhà khảo cổ học từng khai quật được những ngôi mộ Ai Cập cổ đại như mộ Tutankhamun.
Tượng thần Anubis mình người đầu chó. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan