ANZ thoái lui, cuộc đua tiếp tục nóng
ANZ Việt Nam vừa công bố thông tin bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng (NH) bán lẻ tại Việt Nam cho Shinhan Bank Việt Nam.
ANZ thoái lui, mảng bán lẻ vẫn hấp dẫn
Shinhan Bank cho rằng quyết định của ANZ đã mở ra một cơ hội mới cho ngân hàng (NH) này và đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này cho thấy mảng NH bán lẻ vẫn đang rất hấp dẫn và dự báo cuộc đua bán lẻ sẽ tiếp tục nóng lên khi nhiều NH trong nước đang có xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh doanh theo hướng tập trung bán lẻ.
Kẻ rút ra, người nhảy vào
Theo thỏa thuận đã ký, ANZ Việt Nam sẽ chuyển giao 8 chi nhánh và phòng giao dịch của họ tại Hà Nội và TPHCM, cũng như nhân viên khối dịch vụ NH bán lẻ cho Shinhan Bank Việt Nam. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau khi nhận được sự chấp thuận từ NHNN.
Theo ông Farhan Faruqui, Giám đốc điều hành khối kinh doanh quốc tế tại Tập đoàn ANZ, thương vụ này nằm trong chiến lược đơn giản hóa NH và tăng hiệu suất vốn để tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh lớn nhất của ANZ tại châu Á là khối khách hàng doanh nghiệp (DN) và định chế tài chính.
Shinhan Bank Việt Nam hiện là đối tác quan trọng của các công ty Hàn Quốc có vốn FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên thời gian qua, trong mảng bán lẻ, ANZ, HSBC, Standard Chartered và Citibank là 4 NH nước ngoài được biết đến nhiều nhất, còn Shinhan Bank vẫn chưa được nhắc nhiều. Bằng cách mở rộng thị trường NH bán lẻ trong khi vẫn tập trung phát triển mảng DN, NH có thể đạt được sự cân bằng tốt nhất giữa 2 mảng kinh doanh này.
Cuộc đua giành thị phần
Năm 2016, tín dụng tiêu dùng tăng 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,8%). Tín dụng bất động sản tăng 12,5% so với cuối năm 2015 trong đó cũng tập trung chủ yếu vào nhu cầu xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê (34,3%).
Từ năm 2013 đến nay, làn sóng NH mua lại công ty tài chính (CTTC) để phát triển cho vay tiêu dùng diễn ra khá mạnh mẽ. Sau bước khởi đầu đó, hầu như các NH đều tìm đối tác để bán lại vốn của CTTC như HDBank bán 49% vốn của HD Finance Tập đoàn Credit Saison của Nhật và đổi tên thành HD Saison, BIDV bán 49% vốn của Công ty Cho thuê Tài chính BIDV (BLC) đổi tên thành BIDV – SuMi Trust, MB chuyển 49% vốn góp tại MCredit cho ShinShei Bank của Nhật, VPBank, SHB cũng đang tìm đối tác để chuyển nhượng vốn tại CTTC để tăng cường sức mạnh trên thị trường tín dụng tiêu dùng nói riêng và mảng bán lẻ nói chung.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2017, từ NHTM có vốn nhà nước đến NHTMCP đều nói sẽ tập trung phục vụ khối DNNVV và khách hàng cá nhân. Trước đó, nhiều NH cũng đã triển khai hàng loạt dịch vụ NH bán lẻ, thay đổi hình ảnh thương hiệu cho phù hợp với chiến lược mới. Điều này cho thấy các NH nội đang rất tích cực cạnh tranh giành thị phần bán lẻ và cũng đã đạt được một số kết quả khả quan.
Theo thống kê của CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2016 tổng giá trị giao dịch của các NH thực hiện qua hệ thống NAPAS tăng gần 50% so với năm 2015, đạt 320.000 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank dẫn đầu với tổng doanh số dịch vụ thực hiện qua hệ thống NAPAS đạt 65.300 tỷ đồng, chiếm thị phần 21%. Đứng thứ hai là BIDV với doanh số 38.400 tỷ đồng, chiếm thị phần 12,3%. Agribank và VietinBank lần lươt xếp thứ 3 và thứ 4 với tổng doanh số lần lượt đạt 34.300 tỷ đồng, chiếm 11% thị phần và 33.800 tỷ đồng, chiếm 10,8% thị phần. Tính đến thời điểm này, đa số các NH nội cũng đã ký kết phối hợp thu với ngành thuế, hải quan, điện lực, cấp nước và Kho bạc Nhà nước để tăng cường dịch vụ cung ứng cho khách hàng cá nhân.
Theo một chuyên gia tài chính, trường hợp bỏ mảng bán lẻ như ANZ là một ngoại lệ vì họ có chiến lược riêng. Còn các NH nước ngoài khác vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam bởi những khách hàng này có xu hướng tìm NH đến từ quốc gia của họ để vay và gửi tiết kiệm, làm dịch vụ thanh toán. Mục tiêu tiếp theo là giành thị phần bán lẻ và đa số NH nước ngoài không có ý định phục vụ DN Việt Nam vì rất rủi ro. Nguyên nhân do pháp lý, luật lệ của Việt Nam còn nhiều thiếu sót. Bản thân các DN Việt Nam cũng bộc lộ nhiều rủi ro và đặc biệt họ không hiểu các DN Việt Nam như NH trong nước, nên không mặn mà nhảy vào thị trường tranh giành cho vay DN.
Trong tín dụng cá nhân, mặc dù mỗi khoản tín dụng có rủi ro cao nhưng toàn bộ tín dụng lại có rủi ro thấp vì được phân bổ ra rất nhiều khách hàng và đồng thời họ có công cụ quản lý rủi ro rất tốt. Bên cạnh đó, họ tập trung vào các khách hàng tiềm năng, đặc biệt là khách hàng có mức thu nhập cao và trung bình khá, có khả năng chấp nhận mức phí cao nên nguồn thu dịch vụ rất tốt. Đó là những điều mạnh mà NH trong nước chưa làm được.
(Theo Sài Gòn đầu tư tài chính)