Áo Nhật Bình: Một di sản văn hóa quý của Cố đô Huế

   Nguồn gốc của áo Nhật bình là loại áo Phi phong của triều Minh, được triều Nguyễn tiếp thu, cải cách thành kiểu áo Phi phong đối khâm với những nét riêng, rất đặc sắc. Áo có phần cổ thiết kế hình chữ nhật to bản, hai vạt được cố định bằng dây buộc, khi mặc vào thì phần trước ngực được ghép lại thành một hình chữ nhật nên mới có tên là áo Nhật bình. Khắp thân áo thường được trang trí lộng lẫy bằng các hoa văn dạng tròn dạng phụng ổ, loan ổ đan xen với các hình hoa lá, chữ Phúc, chữ Thọ… đính kim tuyến lấp lánh. Các hoa văn trang trí được sắp xếp dựa vào cấp bậc, vai vế của người mặc. Vì vậy, khi nhìn vào phần màu sắc, hoa văn của áo Nhật bình thì có thể xác định ngay được địa vị, danh phận của người mặc áo. Trừ Nhật bình dành cho bậc hoàng hậu ra, các kiểu áo Nhật bình khác ở tay áo đều có dải màu ngũ hành: lục, vàng, xanh, trắng, đỏ khiến loại trang phục này càng thêm rực rỡ.

   Từ năm Gia Long thứ 6 (1807), triều nguyễn đã có quy định về trang phục áo Nhật bình dành cho hậu phi, công chúa, cung tần cả về màu sắc, chất liệu, hoa văn và các phụ kiện đi kèm (như kim ước, kim phượng, trâm phượng, trâm hoa).

   Về màu sắc, Nhật bình của hoàng hậu dùng màu vàng chính sắc và màu cam; áo Nhật bình của công chúa dùng màu đỏ; bậc cung tần nhị giai dùng màu xích đào; cung tần tam giai dùng màu tím; cung tần tứ giai thì màu tím nhạt…

   Về chất liệu thì áo Nhật bình của hoàng hậu may bằng sa sợi vàng quý giá, Nhật bình của công chúa, cung tần nhị giai, tam giai… may bằng sợi sa, nhuộm màu theo quy định.

   Các loại phụ kiện đi kèm cũng phân theo thứ bậc: Hoàng hậu thì có 2 Cửu long kim ước phát, 1 Cửu phượng kim ước phát và 8 trâm phượng bằng vàng; công chúa thì có 1 Thất phượng kim ước phát và 12 trâm hoa; Cung tần nhị giai thì có 1 chiếc Ngũ phượng kim ước phát và 10 trâm hoa; cung tần tam giai thì có 1 Tam phượng kim ước phát và 8 trâm hoa; Cung tần tứ giai thì có 1 chiếc Phượng kim ước và 8 trâm cài…

   Đầu thời Nguyễn, áo Nhật bình thường phối với bộ xiêm y màu tuyết bạch, đội mũ phượng tùy theo thứ bậc. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX trở về sau, áo Nhật bình được phối với quần màu trắng, đội khăn vành to bản. Và hình thức này còn được bảo lưu đến ngày nay, đồng thời màu sắc, hoa văn trang trí của áo Nhật bình cũng phong phú, đa dạng hơn để phù hợp với nhu cầu đa dạng của cộng đồng.

   Sau năm 1945, áo Nhật bình lan tỏa ra dân gian, được phụ nữ Huế rất yêu thích, thường chọn làm lễ phục trong đại sự hôn lễ của mình. Từ một loại trang phục chỉ dành cho nữ giới quý tộc chốn cung đình, áo Nhật bình đã trở thành một loại trang phục phổ thông, dành cho mọi người.

   Dẫu vậy, áo Nhật bình vẫn dược xem là loại lễ phục cao cấp, chỉ được sử dụng trong các nghi lễ đặc biệt trang trọng. Áo Nhật bình truyền thống bao giờ cũng được may, thêu hết sức cầu kỳ, tỉ mỉ và hầu hết các công đoạn đều do nghệ nhân hay những người thợ tay có nghề cao thực hiện theo lối thủ công. Và cũng do điều này mà giá thành của những chiếc áo Nhật bình thường rất đắt. Trong thời Nguyễn, những chiếc áo Nhật bình của hoàng hậu, công chúa, phi tần đều do nghệ nhân cung đình may thêu vô cùng công phu, tỉ mỉ trong nhiều tháng trời và mức độ quý giá thì không hề thua kém các bộ đại lễ phục của vương tử, hoàng thân, quan lại cao cấp.

   Những hình ảnh tư liệu cho thấy những bộ áo Nhật bình mà Đoan Huy Hoàng thái hậu (thân mẫu vua Bảo Đại), Hoàng hậu Nam phương (vợ vua Bảo Đại), Công chúa Mỹ Lương (con gái vua Dục Đức)… mặc đều là những bộ trang phục rất lộng lẫy và rất đẹp.

*

   Áo Nhật bình là một di sản quý của thời Nguyễn, ngày càng được giới trẻ yêu thích, sử dụng vào các dịp lễ trang trọng không chỉ ở Huế mà còn lan tỏa ra toàn quốc và cả ở hải ngoại, nơi có người Việt sinh sống làm ăn.

   Nữ du khách khi viếng thăm Huế, nếu là người yêu thích trang phục truyền thống của dân tộc thì nên chọn một bộ áo Nhật bình thật đẹp để check in cùng các danh thắng nổi tiếng của cố đô. Điều rất lạ là khi mặc bộ trang phục này, bạn dù chụp ảnh ở nơi nào cũng thấy đẹp, thấy hợp, dù là ở Hoàng cung, lăng tẩm, chùa chiền, phủ đệ, nhà vườn hay tại cung An Định, trường Quốc Học, cầu Trường Tiền, phố đi bộ, cầu gỗ Lim… Đó cũng là một bí mật mà bạn nên khám phá về miền đất sông Hương núi Ngự này./.

Rate this post

Viết một bình luận