Áp lực từ bạn bè – Peer Pressure là thuật ngữ đề cập đến tình trạng bản thân bị áp lực bởi bạn bè đồng trang lứa. Áp lực thường bắt nguồn từ việc bạn bè đạt được thành công trong cuộc sống hoặc có tính cách, ngoại hình, hoàn cảnh gia đình nổi bật.
Áp lực từ bạn bè là gì?
Áp lực từ bạn bè (Peer Pressure) hiểu một cách đơn giản là những áp lực từ bạn bè đồng trang lứa tác động trực tiếp hoặc gián tiếp khiến bản thân bị ảnh hưởng về tâm lý, suy nghĩ và hành vi. Tình trạng này gặp ở mọi lứa tuổi nhưng rõ rệt hơn từ giai đoạn dậy thì. Lúc này, trẻ bắt đầu hình thành tâm lý “muốn bằng bạn bằng bè” và có những hành vi như nhiễm thói hư tật xấu, đua đòi, cãi lời bố mẹ,…
Tuy nhiên, áp lực từ bạn bè không phải lúc nào cũng gây ra tác động tiêu cực. Khi bạn bè có thành tích tốt và đạt nhiều thành công trong cuộc sống, mỗi người sẽ tự tạo ra áp lực để bản thân nỗ lực hơn mỗi ngày. Ngoài bạn bè, áp lực này cũng có thể xuất phát từ anh chị em trong gia đình hoặc đồng nghiệp.
Biểu hiện của việc bị áp lực từ bạn bè
Ở từng độ tuổi, áp lực từ bạn bè có những ảnh hưởng khác nhau. Chẳng hạn như khi còn nhỏ, trẻ sẽ có áp lực về việc bạn bè xinh xắn, dễ thương, có quần áo đẹp, đồ chơi mới,… Khi lớn lên một chút, trẻ sẽ chú ý đến những món đồ đắt đỏ của bạn bè và những việc bạn bè dám thực hiện (hút thuốc lá, dùng rượu bia, quan hệ tình dục,…).
Tuy nhiên, cũng có những trẻ không quan tâm đến những vấn đề này mà bị áp lực bởi thành tích học tập và sự yêu quý của mọi người đối với bạn bè của mình. Trẻ có thể bị áp lực nếu bố mẹ thường xuyên trách móc vì kết quả học tập kém hoặc thường xuyên so sánh trẻ với người khác.
Áp lực từ bạn bè không chỉ xảy ra với trẻ nhỏ mà còn gặp ở người trưởng thành. Những yếu tố gây ra áp lực thường là công việc, mức lương, trình độ học vấn và tài chính. Có thể nói, bất cứ ai cũng đều phải đối mặt với áp lực từ bạn bè, đặc biệt là trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi chưa có sự nghiệp và chưa ổn định về tài chính.
Áp lực từ bạn bè – Nguyên nhân do đâu?
Áp lực từ bạn bè là tâm lý chung của tất cả mọi người. Thực tế, cũng có những người không quan tâm và cũng không bị ảnh hưởng bởi bạn bè nhưng tỷ lệ này khá hiếm. Theo các chuyên gia tâm lý, áp lực từ bạn bè có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
1. Nhu cầu ngày càng cao
So với thế hệ trước, nhu cầu của con người ngày càng tăng cao theo thời gian. Nếu như trước đây, nhu cầu chủ yếu là được sống trong gia đình hạnh phúc, an toàn, có công việc ổn định thì hiện nay, con người cần thêm những nhu cầu khác như được ngưỡng mộ, danh tiếng, được quan tâm, đạt được thành công sớm,…
Hiện tại, xã hội đã phát triển hơn trước rất nhiều nên không ít người trẻ có điều kiện học tập và phát huy năng lực từ rất sớm. Số lượng những cá nhân xuất sắc, ưu tú trong xã hội ngày càng tăng cao buộc yêu cầu về trình độ, kỹ năng cũng tăng lên.
Hơn nữa, khi nhìn thấy những cá nhân ưu tú nhận được sự ngưỡng mộ và quan tâm, bản thân mỗi người cũng sẽ hình thành nhu cầu tương tự. Tuy nhiên, điều này không hẳn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Bởi nhu cầu ngày càng cao sẽ khiến xã hội phát triển hơn và chất lượng cuộc sống cũng sẽ được nâng cao theo thời gian.
2. Sự bùng nổ của mạng xã hội
Sự bùng nổ của mạng xã hội là một trong những nguyên nhân làm gia tăng áp lực từ bạn bè. Trước khi mạng xã hội xuất hiện, chúng ta thường so sánh bản thân với những người xung quanh. Tuy nhiên với sự xuất hiện của mạng xã hội, việc so sánh bản thân với người khác sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Những hình ảnh trên mạng xã hội đôi khi không phản ánh chân thực tài năng và cuộc sống của mỗi người. Nhưng khi chứng kiến tấm hình “lung linh”, chúng ta khó có thể dừng việc so sánh với bản thân.
Ngày nay, mọi người thường có thói quen chia sẻ niềm vui lên mạng xã hội. Khi thấy bạn bè chia sẻ những thành tựu lớn (đi du học, mua nhà, mua xe, được sếp khen thưởng, tăng lương,…), chúng ta không thể tránh khỏi áp lực từ bạn bè. Những hình ảnh này xuất hiện liên tục khiến áp lực tăng lên dẫn đến stress, mệt mỏi, bi quan,…
3. Thói quen hay so sánh của bố mẹ
Áp lực từ bạn bè đôi khi bắt nguồn từ thói quen hay so sánh của bố mẹ. Khi còn nhỏ, bố mẹ sẽ lấy thành tích học tập để so sánh con và bạn bè đồng trang lứa. Đến khi trưởng thành, gia đình sẽ so sánh con với bạn bè về việc kết hôn, công việc, mức lương và những đóng góp cho gia đình.
Việc so sánh con cái với người khác chính là nguyên nhân dẫn đến áp lực từ bạn bè. Ngoài ra, thói quen này cũng gia tăng xung đột trong gia đình vì con cái cảm thấy bố mẹ thiếu tôn trọng và quá áp đặt. Thực tế, việc so sánh con cái là điều không nên làm nhưng rất ít bậc phụ huynh nhận thức được điều này.
4. Tính cách tự ti
Những người có tính cách tự ti dễ gặp phải tình trạng Peer Pressure. Vì thiếu tự tin nên họ thường không tin tưởng vào bản thân và cho rằng mình sẽ phải đối mặt với thất bại khi bắt đầu dự án hay kế hoạch mới. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ hình thành tâm lý bi quan, căng thẳng trước những thành công từ bạn bè.
Ở trẻ em, tính cách tự ti khiến trẻ khó có thể nổi bật dù sở hữu thành tích học tập tốt. Trẻ tự ti sẽ bị thu hút với những người bạn có cá tính và đôi khi là hư hỏng bởi trẻ cho rằng, những người bạn này luôn tự tin và nổi bật. Nếu không có hướng giáo dục đúng đắn từ gia đình, trẻ có thể nhiễm những thói hư tật xấu với mong muốn trở nên tự tin hơn.
5. Hay gặp thất bại trong cuộc sống
Áp lực từ bạn bè sẽ ảnh hưởng nhiều đến những người thường xuyên thất bại trong cuộc sống. Thất bại liên tiếp khiến họ hình thành tâm lý thiếu tự tin, cảm thấy bản thân yếu kém và vô dụng trong khi bạn bè đã thành công và có mức lương ổn định.
Ngược lại, những người đã có những thành tựu nhất định sẽ ít so sánh bản thân với người khác. Một phần là vì họ đã có vị trí vững chắc trong xã hội, phần còn lại là vì những người thành công luôn ý thức được giá trị của bản thân và không bao giờ so sánh bản thân với bất kỳ ai.
Cách vượt qua áp lực từ bạn bè
Áp lực từ bạn bè không phải lúc nào cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Khi có những người bạn giỏi giang, bạn sẽ có thêm động lực để cố gắng trong công việc cũng như cuộc sống. Tuy nhiên, cần biết cách tiết chế điều này. Bởi áp lực quá mức sẽ khiến bạn đánh mất bản thân và có hướng đi tương tự như người khác vì nghĩ rằng đây là cách duy nhất để thành công. Hơn nữa, áp lực quá mức cũng dẫn đến căng thẳng, bi quan và nhiều vấn đề tâm lý khác.
Nếu đang phải đối mặt với áp lực từ bạn bè, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để vượt qua:
1. Xác định mục tiêu phù hợp với bản thân
Khi đối mặt với áp lực từ bạn bè, bạn rất dễ xác định nhầm mục tiêu. Vì bị ảnh hưởng bởi thành công của người khác nên bạn thường có xu hướng đặt mục tiêu tương tự. Tuy nhiên, năng lực của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, dù bạn có thành tích học tập tốt hơn bạn cũng khó có thể đạt được thành công trong một số lĩnh vực đòi hỏi khả năng giao tiếp, cách phản ứng linh hoạt, nhạy bén,…
Bước đầu tiên để vượt qua áp lực từ bạn bè là xác định mục tiêu của bản thân. Thay vì đặt mục tiêu để bắt kịp bạn bè, bạn cần có hướng đi phù hợp với năng lực và sở thích. Khi xác định đúng mục tiêu, bạn sẽ có động lực để biến chúng trở thành sự thật.
Ý nghĩa của cuộc sống không phải là thành công rực rỡ trong công việc hay trở nên giàu có mà là bạn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với cuộc sống. Việc có được thành công như người khác chưa chắc đã mang đến cho bạn niềm vui bởi bạn sẽ phải trải qua áp lực, bận rộn, mệt mỏi,… Đây cũng là lý do rất nhiều người có năng lực vẫn lựa chọn cuộc sống bình thường vì họ biết mục tiêu của mình là gì.
2. Nâng cao năng lực của bản thân
Những người thiếu tự tin, năng lực yếu kém thường so sánh bản thân mình với người khác và bị ảnh hưởng nhiều trước áp lực từ bạn bè. Để vượt qua tình trạng này, bạn nên nâng cao năng lực của bản thân. Khi có năng lực, bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội và dễ dàng đạt được thành công trong cuộc sống.
Ngoài ra, với vốn kiến thức sâu rộng, bạn cũng sẽ trở nên tự tin hơn khi trò chuyện cùng bạn bè và trở thành người thú vị, nhận được sự quan tâm của nhiều người. Dù với mục đích gì, việc nâng cao năng lực của bản thân là điều rất cần thiết – đặc biệt là với người trẻ.
3. Biết rằng bản thân là duy nhất
Áp lực từ bạn bè có thể biến bạn trở thành một người khác. Bạn sẽ có lời nói, kiểu tóc, trang phục và thậm chí là mục tiêu trong cuộc sống giống như người bạn của mình. Đôi khi, điều này xảy ra do cả hai người có cùng sở thích và thế mạnh. Tuy nhiên, cũng có những người thay đổi mình với hy vọng sẽ đạt được thành công tương tự.
Như đã đề cập, bản thân mỗi người sẽ có thế mạnh và hạn chế riêng. Nếu theo đuổi mục tiêu của người khác, sớm muộn bạn sẽ phải đối mặt với thất bại. Vì năng lực của mỗi người là không giống nhau nên việc so sánh bản thân và người khác là điều không nên làm.
Nhiều người tỏ ra tự ti khi bản thân không có nhiều thế mạnh, trong khi bạn bè có cả ngoại hình, tính cách, năng khiếu và gia cảnh. Tuy nhiên, nên nhớ rằng bạn là duy nhất và không ai có thể so sánh với bạn. Dù những người khác có nhiều thế mạnh, bạn cũng có những ưu điểm mà người khác không có chẳng hạn như tính cách lạc quan, vui vẻ, nấu ăn ngon, luôn nỗ lực,…
Chúng ta không có quyền được lựa chọn ngoại hình, giới tính, năng lực, gia cảnh,… khi được sinh ra. Tuy nhiên, bạn có quyền lựa chọn cho mình cuộc sống trong tương lai. Vì vậy, thay vì so sánh bản thân với người khác, hãy nỗ lực từng ngày để đạt được những điều mà bạn mong muốn.
4. Học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực
Chúng ta sẽ khó tránh khỏi tâm trạng buồn bã, ghen tị và tự dằn vặt bản thân khi bạn bè đồng trang lứa đạt được thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải kiểm soát những cảm xúc này, tránh để cảm xúc kéo dài gây ra sự tiêu cực và bi quan trong suy nghĩ.
Nếu cảm thấy quá áp lực trước thành công của bạn bè, nên tắt mạng xã hội và dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Bạn có thể đọc sách, đan len, chơi với thú cưng hoặc làm bất cứ hoạt động nào mà mình yêu thích. Niềm vui từ những hoạt động này sẽ giúp bạn lấy lại sự cân bằng và tạo cho bản thân động lực để nỗ lực hơn mỗi ngày.
5. Chia sẻ với bạn bè và người thân
Nếu những cảm xúc tiêu cực kéo dài, bạn nên tìm cách chia sẻ với bạn bè và người thân. Khi bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, bạn sẽ thấy tinh thần trở nên thoải mái hơn. Ngoài ra, những người xung quanh cũng sẽ giúp bạn lấy lại sự cân bằng và đánh giá khách quan những giá trị bản thân đang sở hữu, từ đó bạn sẽ ngừng so sánh bản thân với người khác và tìm ra mục tiêu phù hợp hơn.
Áp lực từ bạn bè (Peer Pressure) là tình trạng khó tránh khỏi khi bạn bè đạt được thành công và có nhiều thế mạnh hơn bản thân. Tuy nhiên, bạn nên biết cách tiết chế để biến áp lực thành động lực thay vì phải đối mặt với sự nặng nề và mệt mỏi.