Vì thế, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến thực đơn dinh dưỡng của mình để bảo vệ tốt cho cả 2 mẹ con. Vậy, bà bầu 3 tháng đầu nên ăn gì và không nên ăn gì? Để tìm được đáp án chính xác dành cho mình mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Bầu 3 tháng đầu nên ăn gì?
Có lẽ đây là câu hỏi của rất nhiều mẹ bầu, đặc biệt là những bà mẹ lần đầu tiên mang thai còn nhiều bỡ ngỡ. Sau đây là lời giải đáp cụ thể, các mẹ cùng tham khảo để có thể xây dựng thực đơn tốt nhất cho mình nhé!
Nhu cầu dinh dưỡng ở giai đoạn 3 tháng đầu mang thai
Bà bầu cần được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết ở 3 tháng đầu mang thai.
Ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Do đó, muốn bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, mẹ nên bổ sung các loại dinh dưỡng thiết yếu sau:
Năng lượng: Cùng với sự phát triển của thai nhi, nhu cầu năng lượng của thai phụ cũng thay đổi đáng kể. Trung bình, bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu cần cung cấp khoảng 2300 – 2400 kcal/ngày.
Axit folic: Giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh hay tật nứt đốt sống trong bào thai. Mẹ bầu có thể bổ sung axit folic qua các loại thực phẩm như rau màu xanh thẫm (cải xanh, rau muống,…), thịt gia cầm, ngũ cốc,… Ngoài ra, thai phụ cũng có thể dùng thêm viên uống bổ sung axit folic theo hướng dẫn của chuyên gia.
Protein: Rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển nhanh của mô bào thai. Không chỉ vậy, protein còn giúp tăng trưởng mô vú và tử cung trong thai kỳ, tăng cường sản sinh máu, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Vì vậy, mẹ bầu nên chú ý ăn nhiều hơn các thực phẩm giàu protein như cá, đậu, trứng, thịt gà, sữa, thịt bò nạc và heo,… trong cả 3 bữa ăn. Trong giai đoạn này, thai phụ cần khoảng 85 – 90g protein/ngày, cao hơn bình thường 10-15g/ngày.
Sắt: Bà bầu cần được cung cấp 36 – 40mg sắt mỗi ngày để phòng ngừa thiếu máu. Các loại thực phẩm có hàm lượng sắt cao cần tăng cường vào thực đơn ăn uống của thai phụ gồm thịt đỏ, tim cật, các loại hạt, rau xanh,… Ngoài ra, thai phụ cũng có thể sử dụng thêm viên uống cung cấp sắt theo chỉ định của chuyên gia.
Vitamin A: Mẹ bầu cần được cung cấp đủ 600mcg vitamin A/ngày. Các loại thực phẩm giàu vitamin A gồm thịt, cá, trứng, sữa, gan động vật, rau màu xanh thẫm, củ quả màu vàng, đỏ.
Canxi và vitamin D: Là 2 thành phần dinh dưỡng quan trọng trong việc hình thành hệ xương của thai nhi. Mẹ bầu nên bổ sung thêm canxi trong trứng, tôm, cá, cua, sữa, rau xanh, đậu đỗ và nên tắm nắng sớm để tăng cường hấp thu vitamin D.
Vitamin C: Có tác dụng ngăn ngừa các triệu chứng cảm lạnh cho mẹ, giúp xương bé chắc khỏe hơn. Vitamin C có nhiều trong các loại rau, củ, quả,…
Các nguyên tố vi lượng: Magie, selen, i-ốt, kẽm, vitamin nhóm B, DHA/EPA,… cũng cần được bổ sung vào chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu cho bà bầu.
Chế độ dinh dưỡng theo từng tháng
Sau khi đã biết được các loại dưỡng chất mà cơ thể cần ở giai đoạn mang thai 3 tháng đầu tiên. Mẹ có thể dựa vào tình hình sức khỏe của mình mỗi tháng của thai kỳ để bổ sung dinh dưỡng phù hợp.
Tháng đầu tiên
Bổ sung thực phẩm giàu protein cho bà bầu ở tháng đầu tiên manng thai.
Ở tháng thứ nhất của thai kỳ, mẹ sẽ có những biểu hiện khác thường so với bình thường. Sự bất thường này do hàm lượng hormone nội tiết tố tăng cao. Sản phụ thường xuất hiện các triệu chứng thai nghén như: Buồn nôn, ăn nhiều, bụng có cảm giác khó chịu,… Để cải thiện tình trạng ốm nghén và đảm bảo sự phát triển của con, các chị em cần bổ sung các loại thực phẩm như:
Những loại giàu protein như các loại cá, thịt, và tinh bột. Ngoài ra, các mẹ nên bổ sung thêm sữa vào các buổi sáng và tối trước khi đi ngủ để bổ sung canxi, chống bệnh còi xương, loãng xương cho bé.
Thường xuyên bổ sung sắt trong khẩu phần ăn của mẹ. Sắt có tác dụng bổ sung, thúc đẩy quá trình sản sinh máu, hạn chế tình trạng thiếu máu. Sắt thường có nhiều trong thịt bò và thịt lợn nạc. Thai phụ nên bổ sung các loại thịt đỏ này trong thực đơn hàng ngày.
Trong tháng đầu của thai kỳ, bà bầu nên ăn nhiều loại rau xanh, hạt ngũ cốc như: Măng tây, các loại đậu,…
Tháng thứ 2
Bổ sung thực phẩm giàu sắt cho bà bầu giúp ngăn ngừa thiếu máu cho mẹ.
Trong tháng này, mẹ bầu nên quan tâm đến chất lượng bữa ăn bằng việc làm phong phú thực đơn trong bữa ăn hơn:
Tiếp tục bổ sung Sắt và axit folic bằng việc ăn nhiều thịt bò, thịt lợn nạc, bông súp lơ, quả bơ, đậu bắp, măng tây,…
Các loại thực phẩm như: Hạt óc chó, bánh mì, các loại rau xanh, sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, trứng, thịt các loại cũng cần tăng cường trong thực đơn mỗi ngày cho thai phụ.
Ngoài ra, cần uống thật nhiều nước để giúp thanh lọc cơ thể.
Tháng cuối cùng của giai đoạn đầu mang thai
Bà bầu uống sữa để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Trong tháng thứ ba của thai kỳ, tình trạng ốm nghén của thai sản đã giảm đáng kể. Vì thế, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu cũng được phong phú hơn, thể hiện:
Các mẹ nên ăn nhiều rau, củ quả hơn trong tháng này. Một số loại rau bác sĩ khuyên dùng như: Bí đỏ, Cà rốt, bông cải xanh, cải chíp, cải bó xôi, măng tây, ngô ngọt, khoai tây, khoai lang,…
Thai phụ cũng nên uống nhiều nước hơn mỗi ngày. Các mẹ có thể sử dụng các loại nước ép sinh tố như: Nước táo ép, cam vắt, sinh tố bơ,…
Uống thêm sữa cho bà bầu để nâng cao sức khỏe mỗi ngày.
Mẹ có thể bổ sung thêm các loại vitamin bằng một số loại thực phẩm chức năng theo sự chỉ định của chuyên gia.
Bầu 3 tháng đầu không nên ăn gì
Để có được chế độ ăn uống lành mạnh trong tam cá nguyệt thứ nhất, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, tránh bị sảy thai, dọa sảy thai thì trong thực đơn ăn uống của bà bầu cần hạn chế hoặc không nên có những loại thực phẩm sau đây:
Rau, củ, quả
Bà bầu không nên ăn rau mầm sống vì nó chứa nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Rau mầm sống: Không nên ăn sống bất kỳ loại rau mầm nào kể cả giá đỗ. Vi khuẩn có thể tồn tại trong hạt giống trước khi cây mầm lớn lên và bạn không thể loại bỏ tất cả vi khuẩn trên rau. Bạn nên nấu chín để tiêu diệt bất kì vi khuẩn nào có trên rau.
Dưa muối: Trong vài ngày đầu muối dưa, vi sinh vật sẽ chuyển hóa nitrat trong các nguyên liệu thành nitric, làm hàm lượng nitric tăng cao, độ pH giảm dần (có nghĩa là độ chua tăng dần lên). Dưa ở giai đoạn này có vị cay, hăng, hơi đắng và chứa nhiều nitrate rất có hại cho cơ thể.
Ngải cứu: Trong loại thực phẩm này có chứa nhiều chất gây co bóp tủ cung, khảo sát cho thấy nhiều phụ nữ ăn nhiều ngải cứu khi mang thai có dấu hiệu sảy thai hoặc dọa sinh sớm.
Rau ngót: Trong rau ngót có chứa Papaverin có tác dụng giãn cơ trơn của mạch máu để giảm đau, hạ huyết áp. Nếu sử dụng một lượng rau ngót tươi hơn 30mg thì có thể gây co thắt tử cung và dễ dẫn đến sảy thai.
Rau chùm ngây: Rau chùm ngây có chứa alpha-sitosterol, đây là một loại hormone có cấu trúc giống estrogen có tác dụng ngừa thai, làm co cơ trơn tử cung và làm sảy thai.
Rau răm: Khi ăn sống thì ấm bụng, giúp tiêu thực, tán hàn. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều rau răm trong 3 tháng đầu thai kỳ khiến người mẹ dễ bị mất máu, đặc biệt trong rau răm còn có chất khiến tử cung co bóp dễ dẫn đến sảy thai.
Thơm (dứa): trong loại quả này có chứa chất bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, kích thích co bóp tử cung, nhất là những trái thơm xanh thì tỉ lệ chất bromelain rất cao, khi mới mang thai ăn quá nhiều dứa xanh dễ dẫn đến sảy thai.
Rau sam: Rau sam có thể gây kích thích mạnh đến tử cung và gia tăng tần suất co bóp, điều này rất dễ dẫn đến sảy thai và nguy hiểm cho sức khỏe của phụ nữ.
Nhãn: Nhãn có tính nóng, ăn vào sẽ tăng nhiệt cho thai, dễ gây ra khí huyết không điều hòa, đầy hơi, nôn mửa, nếu ăn nhiều nhãn sẽ xuất hiện hiện tượng nhiệt, đau bụng, xuất huyết gây ra tình trạng dọa sảy thai, sảy thai, sinh non.
Đu đủ xanh: Có chứa chất papain có thể khiến tế bào phôi thai bị phá hủy, còn prostaglandin và oxytocin có tác dụng kích thích co bóp tử cung sớm đẩy thai nhi ra ngoài, điều này sẽ gây sảy thai nếu như thai nhi chưa đủ tháng.
Thịt, cá, hải sản
Bà bầu không nên ăn trứng chưa được nấu chín như trứng ốp la.
Thịt gia cầm và trứng chưa nấu kỹ: mức độ phản ứng của cơ thể mẹ bầu ở giai đoạn này với các loại thực phẩm kém vệ sinh rất nghiêm trọng, có thể tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm do thực chứa nhiều vi khuẩn khi chưa chế biến kỹ. Do đó, bà bầu tuyệt đối không ăn thịt gia cầm và trứng chưa được nấu chín (trừng ốp la, trứng luộc lòng đào).
Hải sản có hàm lượng thủy ngân cao: Hải sản, nhất là các loại cá, là nguồn thực phẩm giàu protein và axit béo omega-3 tốt cho não bộ và mắt nhưng bạn cần có kiến thức cơ bản về các loại cá để có thể đưa ra được những lựa chọn thông minh.
Có một vài loại cá và động vật giáp xác mà mẹ bầu nên tránh trong tam cá nguyệt đầu tiên, bởi chúng mang hàm lượng thủy ngân cao rất nguy hiểm với sức khỏe. Theo đó, lượng thủy ngân này nếu đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và sự phát triển chung của thai nhi.
Bà bầu mang thai 3 tháng đầu nên kiêng ăn các loại cá sau: cá kiếm, cá kình, cá ngừ, cá thu vua, cá đồng.
Hải sản tươi sống, chưa qua chế biến
Bà bầu 3 tháng đầu không nên ăn hải sản tươi sống, chưa qua chế biến.
Để tránh lây nhiễm các loại vi khuẩn hay virus có hại trong hải sản, bạn nên:
Tránh ăn cá sống và các động vật giáp xác cũng như các món thường chế biến từ các loại cá sống như sushi, sashimi, hàu sống, sò điệp, ngao.
Tránh hải sản đông lạnh, chưa được nấu chín và các loại thực phẩm hun khói.
Chú ý đến các khuyến cáo về mức độ an toàn và nguồn gốc của các loại hải sản mà bạn ăn, khi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc khi không chắc chắn về mức độ an toàn bạn không nên ăn.
Thịt chưa được nấu chín, thịt nguội, xúc xích
Các loại thịt nguội hay xúc xích tiềm tàng nhiều mối nguy bởi bệnh Listeria có thể phát triển ở môi trường nhiệt độ thấp như trong tủ lạnh. Vì vậy, bạn nên tránh sử dụng những thực phẩm đông lạnh, thực phẩm ăn liền như thịt nguội hay xúc xích khi mang thai. Bạn có thể làm chín thịt hay xúc xích trước khi sử dụng và phải ăn ngay khi nấu xong.
Nội tạng động vật
Bà bầu ăn nội tạng động vật có thể gây ngộ độc cho thai nhi.
Loại thực phẩm bạn nên tránh nhất đó chính là nội tạng động vật, đặc biệt là gan. Bởi những bộ phận này là nơi tích trữ và đào thải độc tố trong cơ thể động vật. Do vậy, việc tiêu thụ những loại thực phẩm như thế có thể khiến thai nhi bị nhiễm độc, thậm chí gây tình trạng dị tật bẩm sinh.
Ngoài các loại thực phẩm không nên ăn trên, để đảm bảo có được một sức khỏe dồi dào, mẹ và thai khi đều an toàn khỏe mạnh, khi mang thai 3 tháng đầu mẹ bầu cũng cần lưu ý đối với các thức uống:
Không uống rượu bia và các thức uống có cồn: các thức uống chứa cồn từ lâu đã được chứng minh là gây hại nhiều hơn có lợi như có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Một lượng nhỏ chất cồn cũng có thể gây hại cho thai kì của bạn.
Hạn chế cà phê và trà: thành phần caffeine có trong cà phê hoặc trà có thể đi qua nhau thai ảnh hưởng đến thai nhi, làm tăng nguy cơ sẩy thai.
Hạn chế uống trà thảo mộc: có rất ít dữ liệu về tác động của các loại thảo mộc cụ thể đối với việc phát triển các em bé. Do vậy, bạn cần hạn chế sử dụng trà thảo mộc, trừ khi có sự tham vấn với bác sĩ sản khoa. Điều này cũng áp dụng kể cả với những sản phẩm chuyên biệt cho phụ nữ mang thai.
Muối
Giảm muối trong thực đơn đối với những thai phụ đang bị phù, tăng huyết áp hoặc bị nhiễm độc thai nghén để phòng ngừa nguy cơ tai biến khi sinh.
Chế phẩm từ sữa chưa tiệt trùng
Các chế phẩm từ sữa chưa tiệt trùng có chứa vi khuẩn listeria có hại cho phụ nữ mang thai.
Mang thai 3 tháng đầu cần kiêng những gì?
Làm việc quá sức có thể gây suy nhược cơ thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Ngoài các loại thức ăn, nước uống nên tránh, để bảo vệ sức khỏe toàn diện mẹ cần:
– Tránh vận động nặng: tập gym, chạy bộ, bê vác đồ nặng,…
– Kiêng quang hệ: khi có bầu ở 3 tháng đầu tiên, vợ chồng nên kiêng quan hệ hoặc quan hệ nhẹ nhàng, tránh động thai.
– Không làm việc quá sức, khiến mẹ bị stress, suy nhược cơ thể.
– Kiêng ngồi xổm: mang thai 3 tháng đầu ngồi xổm rất dễ tác động xấu đến thai nhi.
– Kiêng đứng, ngồi xuống đột ngột.
– Không chơi trò chơi cảm giác mạnh.
– Kiêng tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng.
– Không đi giày cao gót: việc đi giày cao gót có thể khiến mẹ mất thăng bằng, dễ ngã, dọa sảy thai cao.
– Không tiếp xúc với các loại hóa chất: nhuộm tóc, sơn móng tay móng chân, son phấn,…
– Kiêng sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có sự cho phép của chuyên gia.
Tóm lại, dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu mang thai là vô cùng quan trọng. Bổ sung đúng và đẩy đủ sẽ giúp cho mẹ khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, thai nhi phát triển ổn định, ngăn ngừa được các dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng, tránh được nguy cơ sảy thai, dọa sảy thai,… Vì vậy, mẹ hãy bắt tay vào xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho mình ngay từ bây giờ để bảo vệ cho sức khỏe cho cả 2 mẹ con nhé!
Lưu ý: Để đảm bảo thiết lập được thực đơn hợp lý, trước tiên mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ tư vấn về tình hình sức khỏe của mình hiện tại.
Cuối cùng, chúc mẹ và thai nhi có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn và có những phút giây thật ý nghĩa bên nhau!