(GDVN) – Theo nguyên lý thùng gỗ, thùng được ghép từ các thanh gỗ dài ngắn khác nhau, sức chứa của chiếc thùng sẽ phụ thuộc vào thanh gỗ ngắn nhất.
LTS: Chia sẻ ba câu chuyện thực tế về thời học sinh của mình, tác giả Thành Trung gợi lên những suy ngẫm về những ảnh hưởng từ cách ứng xử của thầy cô với sự phát triển của học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Câu chuyện thứ nhất
Tôi học cấp ba cách đây 17 năm. Lúc đó, để đạt học sinh Tiên tiến thì phải có điểm tổng kết trung bình môn từ 7,0 trở lên và không có môn nào dưới 5,0.
Còn để đạt học sinh Giỏi thì trung bình môn từ 8,0 và không có môn nào dưới 6,5. Lớp tôi 51 học sinh, chỉ có tầm 5 bạn được học lực Giỏi, 35 Tiên tiến còn lại là Trung bình.
Năm tôi học môn Thể dục vẫn còn tính điểm số. Bạn tôi, một lần rủ tôi đi cùng đến nhà thầy giáo dạy Thể dục.
Anh nói mục tiêu của anh là học sinh giỏi, anh lại yếu về thể dục, nên đến nhờ thầy vừa nâng vừa giúp để môn Thể dục có điểm phẩy trên 6,5.
Tất nhiên anh cũng cố gắng luyện tập rất nhiều. Thầy giáo nhiệt tình giúp anh bạn tôi. Thầy còn hỏi tôi có cần giúp không.
Mục tiêu của tôi chỉ là Tiên tiến, tôi nói: “Thầy chắc không phải giúp em nhiều đâu, em chỉ cần 5-6 phẩy thôi”.
Câu chuyện thứ hai
Trường tôi có một thầy giáo dạy Giáo dục công dân. Chúng tôi hay gọi ông là “Tam trê”- ý là ăn bẩn như cá trê. Ông nổi tiếng trong trường là “dũng sĩ diệt tiên tiến”. Giáo dục công dân được coi là môn phụ, chả ai buồn học cả.
Nhưng đến giờ ông thì lại rất căng thẳng, ông hay hỏi những câu hỏi đánh đố học sinh. Rất nhiều em bị mất tiên tiến vì môn này.
Nhiều lớp láu cá, cứ đến giờ kiểm tra chung nhau góp tiền rồi kẹp vào tờ báo, để trên bàn cho thầy giáo đọc.
Câu chuyện thứ ba
Tôi sống ở một thị xã nhỏ, ở đây có 3 trường cấp ba. Một công lập, một bán công, một trung tâm giáo dục thường xuyên – hay còn gọi là bổ túc.
Khi đó hay có cơ chế chuyển những em học lực yếu hoặc quá nghịch ngợm từ trường tôi xuống bán công hoặc trường bổ túc, thực chất là đuổi học.
Theo như thầy Hiệu trưởng nói là để đảm bảo thành tích cho nhà trường, bởi trường tôi là một trong ba trường đứng đầu trong tỉnh về dạy và học.
Nguyên lý thùng gỗ
Hôm trước, tôi có đọc về nguyên lý thùng gỗ, thùng được ghép từ các thanh gỗ dài ngắn khác nhau, sức chứa của chiếc thùng sẽ phụ thuộc vào thanh gỗ ngắn nhất.
Theo nguyên lý này, khả năng chứa thêm chiếc thùng tùy thuộc vào việc ta nhận ra và sửa chữa thanh ngắn nhất đó như thế nào.
Ba câu chuyện tôi kể ở trên chính là những cách ứng xử khác nhau về những thanh gỗ ngắn.
Người thì lợi dụng quyền hạn, để làm ngắn hơn nữa những thanh gỗ ngắn của người khác, nhằm trục lợi từ việc khắc phục yếu kém của họ.
Có người nhân danh thành tích của tập thể mà loại bỏ luôn những thanh gỗ ngắn đó. Hoặc coi đó là những thanh gỗ dài hết, như việc cho lên lớp 6 những học sinh chưa biết đọc biết viết.
Anh bạn tôi giờ là kỹ sư cầu nối Việt – Nhật của công ty FPT, anh luôn nhận ra những yếu điểm của bản thân, những thanh gỗ ngắn trong cuộc đời của mình để khắc phục, sửa chữa và hoàn thiện bản thân hơn.
Thành Trung