38 365 đã xem
Ăn gì để nhiều sữa?
Sữa mẹ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các kháng thể cùng với một số men giúp tiêu hóa giúp cơ thể trẻ phát triển toàn diện nhất. Hiện nay ngày càng nhiều bà mẹ nhận thấy lợi ích của sữa mẹ và mong muốn có thể nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Vậy ăn gì để nhiều sữa, thực phẩm lợi sữa là những loại nào, làm thế nào để có nhiều sữa cho con… là những thắc mắc chung cần lời giải đáp chính xác của nhiều chị em.
Có nhiều mẹ ăn tốt, mẹ béo khỏe nhưng sữa cho con không đủ bú. Nguyên nhân hàng đầu là bà mẹ không cho con bú sớm. Các bác sĩ dinh dưỡng thường khuyên bà mẹ sau sinh nên cho con bú trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, và thực hiện bú sữa mẹ hoàn toàn, đều đặn.
Vậy vấn đề quan trọng hàng đầu không phải là nguồn dinh dưỡng như thế nào mà là do cách mẹ cho con bú ra sao. Cơ chế tạo sữa là sữa mẹ sẽ sản xuất theo nhu cầu của bé, có nghĩa là để có nhiều sữa, mẹ cần cho con bú thật nhiều theo nhu cầu của con, mẹ nào hút sữa thì phải hút nhiều lần giống như số cữ bé bú hàng ngày. Càng bú/hút đều đặn thì càng nhiều sữa.
Dù có ăn bao nhiêu sản phẩm lợi sữa nhưng mẹ không tuân theo đúng nguyên tắc trên thì sữa cũng không thể nhiều được.
Cho con bú giúp sữa nhanh về
Cho con ngậm bắt vú đúng cách: toàn thân con hướng sát về phía mẹ, cằm con chạm vào vú mẹ, miệng con há rộng để ngậm gần hết quầng vú của mẹ, chứ không phải chỉ đầu vú, môi dưới cong ra ngoài, nhìn thấy con mút chậm và mạnh, có thể nghe tiếng con nuốt. Chính động tác mút sữa của con sẽ khiến cho sữa chảy ra.
Nếu bé chỉ mút một chút ở mỗi đầu ti thì sữa không ra, không thể kích thích tiết sữa được. Sữa không được lấy ra ngoài, làm cho bà mẹ thấy ít sữa. Con thì bú không no, bà mẹ lại mất tin tưởng vào nguồn sữa của mình. Lúc đó thường sẽ cho ăn sữa ngoài sớm, chính việc cho ăn ngoài sớm làm bé chê và bỏ sữa mẹ, làm cho mẹ mất sữa.
Cho con bú theo nhu cầu, bất cứ khi nào con đói và đòi bú, không nhất thiết theo giờ giấc.
Không giới hạn thời gian của mỗi bữa bú, để con bú đến khi nào tự ngưng thì thôi.
Chờ cho con bú hết sữa một bên vú rồi mới tiếp tục cho bú vú còn lại, làm như thế cả hai vú đều được kích thích tạo sữa cân bằng.
Làm các động tác xoa bóp ngực theo chiều từ trên xuống dưới, vừa xoa tròn quanh ngực vừa hơi ép xuống, sau đó dùng ngón trỏ và ngón cái giữ bầu vú, nhẹ kéo núm vú ra một chút. Hơi cúi người về phía trước để sữa chảy ra dễ dàng hơn. Khi tắm dưới vòi hoa sen, nên xả cho dòng nước chảy đều trên ngực
Nếu mẹ đang dần bị mất sữa, đừng nản chí hoặc lo lắng, hãy cho con bú đều đặn để giúp cơ thể tiết sữa trở lại. Yếu tố tâm lý vô cùng quan trọng, tức là bạn và người thân phải bình tĩnh và tin tưởng rằng sữa sẽ lại đủ, nếu không bạn có thể bị mất sữa thật. Không nên vội vàng cho con bú sữa ngoài ngay, hãy kiên nhẫn một chút để con có thể bú sữa mẹ được nhiều hơn.
Tinh thần mẹ phải thoải mái khi cho con bú.
Sữa mẹ tiết nhiều vào ban đêm, nội tiết tố kích thích sữa sản sinh nhiều vào ban đêm. Bà mẹ mất ngủ làm cho ảnh hưởng đến tiết sữa. Những căng thẳng trong gia đình cũng làm cho cái tiết sữa nó không được đầy đủ.
Vì thế bà mẹ nên ngủ đủ giấc; nhờ gia đình sắp xếp bế em bé dùm để bạn ngủ đủ hơn.
Nhiều trường hợp sữa mẹ nhiều, nhưng bé không bú thì có thể hút sữa ra và đút cho bé bằng thìa.
Ăn gì để nhiều sữa
Khẩu phần ăn một ngày để cung cấp nhiều sữa cho bé cần đảm bảo
- 200 gram thịt cá,
- 1 quả trứng,
- 1 lít sữa tươi hoặc sữa bột pha,
- 200-300 gram hoa quả,
- 500-600 gram rau.
Dinh dưỡng đầy đủ các chất: chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa…), chất đường (gạo, bắp, nếp, bột…), chất béo (ưu tiên cho không no như dầu ăn), các loại vitamin (rau, củ, quả…) và các chất khoáng, nên uống nhiều nước và sữa.
Mẹ có thể ăn một ngày 2 bát cơm, hoặc 1 bát cơm 2 bát cháo. Cháo có thể nấu với bất cứ thịt gì như thịt gà, thịt bò, thịt heo… chứ không phải nhất thiết lúc nào cũng nấu với chân giò. Ngoài ra có một số thực phẩm lợi sữa khác mẹ có thể tham khảo dưới đây.
Thực phẩm lợi sữa
Cà rốt, củ cải và khoai lang là những thực phẩm lợi sữa rất giàu beta-carotene (tiền vitamin A) giúp cho chu kỳ sản xuất sữa và tăng chất lượng sữa của mẹ.
Riêng cà rốt còn chứa phytoestrogen có tác dụng kích thích sữa về. Một ly nước ép cà rốt mỗi ngày không những giúp sữa mẹ ngọt thơm hơn mà còn giúp cải thiện làn da sau sinh của mẹ nữa đấy.
Các loại rau lá màu xanh đậm như rau cải bó xôi và cải xoăn chứa nhiều vitamin, khoáng chất, các enzyme và phytoestrogen, tất cả đều cần thiết cho quá trình tiết sữa của phụ nữ đang cho con bú.
Thì là là thực phẩm lợi sữa có tác dụng giúp sữa mẹ đặc và thơm hơn. Mẹ hãy sao khô lá thì là để nấu trà uống hoặc dùng thì là để nêm các món canh cháo sẽ giúp tăng tiết sữa và làm mùi vị của sữa mẹ thơm ngon hơn.
Lá bồ công anh có nhiều thành phần dinh dưỡng như protein và các khoáng chất sắt, canxi, vitamin A, C, vitamin nhóm B khi uống vào sẽ giúp mẹ lợi sữa, sữa mẹ đặc sánh hơn, giúp bé tăng cân tốt hơn. Ngoài ra bồ công anh còn là loại lá chữa tắc tia sữa rất hiệu quả nữa đấy.
Gạo lứt là một trong những thực phẩm lợi sữa rất giàu vitamin nhóm B, giàu các nguyên tố vi lượng tốt cho cơ thể như natri, magie…
Mẹ có thể tự làm món sữa gạo lứt thơm ngon theo cách sau: Gạo lứt rang thơm cho vào hũ thủy tinh dung dần. Mỗi lần lấy khoảng 50g nấu với 2-3 lít nước. Có thể cho thêm một chút muối trắng. Dùng khi còn ấm nóng rất tốt..
Lá rau ngót có giá trị dinh dưỡng tốt, chẳng hạn như protein, canxi, chất béo, phốt pho, sắt, vitamin A, B, và C. Lá rau ngót được xem là thực phẩm lợi sữa có tác dụng khơi thông dòng sữa của người mẹ mới sinh, chữa vết loét, hạ sốt, và sót nhau, máu bẩn sau khi sinh… Chị em cần rửa sạch lá rau ngót, cho vào xay lấy nước uống hoặc ăn canh rau ngót hàng ngày. Nước rau ngót vừa mát vừa giúp lượng sữa mẹ tăng lên đáng kể.
Các loại ngũ cốc như yến mạch và lúa mạch cũng là những thực phẩm lợi sữa nổi tiếng có khả năng tăng cường sản xuất sữa.
Các loại đậu như đậu xanh và đậu lăng không chỉ là một nguồn protein tuyệt vời mà còn tốt cho sữa mẹ.
Gừng cũng có ích với các mẹ đang cho con bú. Mẹ có thể thêm gừng vào bữa ăn hoặc uống trà gừng, ăn mứt gừng đều được
Các loại quả hạch như hạnh nhân và hạt điều thúc đẩy nguồn cung cấp sữa. Mẹ nên chọn các loại hạt thô thay vì hạt đã rang để tận dụng được nguồn dưỡng chất một cách tốt nhất nhé.
Mẹ ăn gì để chất béo trong sữa mẹ tốt nhất?
Omega 3 là một nhóm acid béo thiết yếu đóng vai đặc biệt trò quan trọng trong chức năng não bộ, thị giác, hệ miễn dịch và có lợi cho sức khỏe tim mạch. Trong cơ thể, các axit béo omega-3 đều được chuyển đổi thành DHA và EPA.
DHA là axit béo không bão hòa đa có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị lực và chức năng não của trẻ sơ sinh. Trong khi đó vai trò chủ yếu của EPA là giúp vận chuyển DHA từ mẹ qua nhau thai để đến được với thai nhi.
Các nghiên cứu chỉ ra DHA được vận chuyển qua nhau thai tốt nhất ở tỉ lệ ~ 4DHA/1EPA, đây cũng chính bằng tỉ lệ DHA/EPA trong sữa mẹ. Các thực phẩm giàu Omega 3 gồm có:
Các loại “cá béo” như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ… Tuy nhiên, bà bầu cũng cần lưu ý cá đánh bắt ở nhiều vùng biển ô nhiễm có chứa quá nhiều thủy ngân, dioxin nên cực kì nguy hiểm cho phụ nữ mang thai. Vì thế, để đảm bảo an toàn, các mẹ bầu nên chọn cá hồi tự nhiên, cá mòi, cá ngừ, cá trích được đánh bắt ở những vùng biển sạch như Bắc Cực, Nam Cực…
Dầu hạt cải và dầu đậu nành
Quả óc chó
Các sản phẩm từ đậu nành như đậu hũ, sữa đậu nành
Rau có màu xanh đậm như rau cải, cải xoăn, rau bina, cải xoong…
Tuy nhiên ngay cả chế độ ăn đầy đủ cũng có nguy cơ thiếu hụt lượng Omega 3 cần thiết, nhất là các bà bầu không thể ăn được cá hoặc lo lắng lượng thủy ngân trong các loại cá có thể gây hại cho em bé. Vì thế, trong trường hợp thiếu Omega-3, mẹ có thể sử dụng viên uống bổ sung, uy tín có chứa DHA và EPA, với “tỷ lệ vàng” DHA/EPA bằng 4/1, và lượng DHA càng cao, càng tốt.
Cách ăn uống để có nhiều sữa
Bên cạnh chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, mẹ phải ăn theo chế độ khoa học, hợp lý mới đảm bảo gọi được nhiều sữa về cho con. Dưới đây là những lưu ý trong ăn uống mẹ phải nhớ khi cho con bú.
Không bỏ bữa.
Ăn thêm vài bữa phụ nhỏ trong ngày. Bữa phụ có thể là trái cây, bánh, hoặc bất cứ món gì nhẹ nhàng mẹ thích ăn.
Ăn trước khi cho con bú để kích thích sữa.
Không kiêng khem quá đà. Hãy ăn phong phú, chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt hãy ăn những món mà mẹ yêu thích, điều này vừa giúp bồi bổ sức khỏe, vừa giúp tinh thần mẹ thoải mái và từ đó tạo sữa tốt hơn.
Không bắt buộc phải là móng giò, móng dê… mà chỉ cần bữa ăn phong phú và đủ chất. Mỡ từ động vật khiến mẹ dễ thừa cân, dễ tắc tia sữa, tăng hàm lượng chất béo không tốt trong sữa mẹ.
Nên ăn uống đầy đủ và cân bằng, không cố ăn uống thật nhiều để có nhiều sữa, vì ngược lại, có thể gây rối loạn chức năng đường ruột của người mẹ và thậm chí gây táo bón ở trẻ.
Chọn nguồn thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch để đảm bảo nguồn sữa mẹ tốt cho em bé sau sinh. Không ăn những thực phẩm lạ, gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa, gây ảnh hưởng chất lượng, số lượng số mẹ.
Không nên ăn tỏi, hành tây nhiều vì gây cho sữa có mùi lạ, em bé từ chối không bú. Không nên ăn tiêu nóng, ớt cay.
Uống đủ nước trong ngày để đảm bảo không thiếu nước cho việc tiết sữa. Tuy nhiên uống quá nhiều nước cũng không cần thiết, chỉ cần uống đủ.
Uống bổ sung thêm nước trái cây như cam, xoài, dưa hấu… Trong đó nước cam quýt cung cấp sức đề kháng và làm bền vững thành mạch máu, vết thương cũng mau lành.
Kinh nghiệm dân gian cho thấy các loại nước từ lá chè vằng, nụ vối cũng giúp mẹ gọi sữa về nhiều.
Không nhất thiết phải uống sữa (bò). Một số bé nhạy cảm với đạm sữa bò và loại đạm này có thể qua sữa mẹ. Nhiều mẹ tin rằng uống sữa để có nhiều sữa nhưng điều này không đúng. Nguồn dinh dưỡng từ sữa có thể được lấy từ các loại thực phẩm khác, không cứ nhất thiết phải uống sữa. Chính vì vậy, nếu mẹ có thể uống sữa là tốt nhưng không uống được thì cũng không sao.
Để tiết nhiều sữa thì nên ăn ấm, ăn nóng như cháo nóng, nước cam nóng, nước nóng.
Điều quan trọng nên nhớ là chế độ dinh dưỡng tốt không đủ làm tăng lượng sữa, muốn tăng và duy trì sữa, mẹ phải cho bú/hút sữa thường xuyên và tránh lo lắng, căng thẳng.
Bổ sung thêm thuốc bổ thì bổ sung thuốc gì và đến giai đoạn nào?
Bà mẹ cho con bú/sau sinh thật ra chưa hồi phục hoàn toàn về mặt sức khỏe. Ngay cả khẩu phần ăn dù có ăn bồi dưỡng thì nhiều chất dinh dưỡng cũng rất khó đáp ứng nhu cầu nguyến khị. Theo khảo sát thì nhiều khẩu phần của bà mẹ chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu khuyến nghị các chất dinh dưỡng như sắt, như kẽm, canxi, vitamin D, vitamin A, và đặc biệt là chất béo omega 3 chưa được chú ý nhiều.
Vì vậy, các bà mẹ nên bổ sung thuốc bổ cho bà bầu ít nhất là ba tháng sau sinh, để đảm bảo những vi chất dinh dưỡng được đưa vào sữa mẹ. Sau 3 tháng và kéo dài đến tận khi cai sữa, có thể uống cách ngày cũng giúp bà mẹ duy trì đủ chất dinh dưỡng trong sữa cho con, giúp trẻ tăng cân tốt, chất lượng sữa mẹ được đảm bảo được tốt hơn.
Tìm hiểu về: Vitamin tổng hợp cho phụ nữ sau sinh
Sữa mẹ có vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, nhất là những năm tháng đầu đời. Do đó vấn đề ăn gì để nhiều sữa, thực phẩm lợi sữa nào tốt cho mẹ và bé, làm gì để có nhiều sữa hơn… là những kiến thức rất cần thiết. Hy vọng qua bài viết ăn gì để có nhiều sữa này, các mẹ sẽ có thêm kiến thức về chế độ dinh dưỡng thời kỳ cho con bú để đảm bảo sức khỏe tối ưu cho cả mẹ và bé.
Theo bài phỏng vấn từ Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm
Xem thêm: