Tìm hiểu về “loài hoa luôn hướng về phía mặt trời”, bạn sẽ thấy vô vàn công dụng chữa bệnh của hoa hướng dương. Từ thân, lá, cho đến hoa và hạt, ngay cả rễ cũng có công dụng trị bệnh. Hãy cùng tìm hiểu để không bỏ lỡ các bài thuốc quý này nhé.
Nếu như hoa mai hay hoa đào đã quá quen thuộc trong những ngày đầu năm mới, hiện nay người ta còn chơi cả hoa hướng dương bởi nó có màu vàng rực rỡ tạo không khí tươi sáng và có một ý nghĩa luôn hướng về mặt trời – hướng về những tầm cao mới. Ngoài ra sau khi chơi hoa Tết, bạn có thể tận dụng toàn bộ cây hoa hướng dương làm thuốc rất tốt bởi những công dụng chữa bệnh của hoa hướng dương nêu dưới đây.
Theo Đông y, hoa hướng dương có vị ngọt dịu, tính bình, không độc, có công dụng trừ phong, làm sáng mắt. Các bộ phận của cây hoa hướng dương đều có công dụng chữa bệnh như: cụm hoa có tác dụng hạ huyết áp và giảm đau, rễ và lõi thân tiêu viêm, lợi tiểu, chống ho và giảm đau, lá tiêu viêm, giảm đau, trị sốt rét, hạt trị lỵ, bổ cho dịch thể, thúc đẩy bệnh sởi chóng phát ban.
Mọi bộ phận trên cây hoa hướng dương đều có thể sử dụng để chữa bệnh
Chiết xuất từ cây hoa hướng dương có tác dụng kháng sinh đối với staphylococus aureus, escherichia coli và các bào tử của neurospora nên là một loại thuốc giảm sốt, có thể dùng trị sốt rét của trẻ con và thuốc hạ nhiệt không gây phản ứng bảo vệ của cơ thể. Dầu hoa hướng dương là một loại dầu ăn tốt, giàu acid béo.
Lá hướng dương thường được dùng để trị cao huyết áp
Trị cao huyết áp, bạn dùng 30g lá hướng dương khô hoặc 60g lá hướng dương tươi với 30g thổ ngưu tất sắc nước uống thay trà hàng ngày.
Trị sốt và ức chế tụ khuẩn vàng, bạn dùng 20-40g lá hướng dương, sắc lấy nước uống.
Lõi thân và cành cây hướng dương có tác dụng trị chứng tiểu ra máu, sỏi đường tiết niệu, tiểu tiện không thông
Trị ho gà, bạn dùng 15-30g lõi thân và cành cây hướng dương giã nát hãm nước sôi, thêm chút đường trắng cho dễ uống, dùng trong ngày.
Trị viêm phế quản mãn tính, bạn lấy lõi cành hướng dương lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát, cho thêm chút nước lọc rồi ép lấy nước uống, bạn có thể pha thêm một ít đường hoặc sắc uống đều được. Hoặc, lấy đài hoa hướng dương từ 1-2 cái, sắc uống với một chút đường phèn.
Trị hen suyễn, bạn lấy đài hoa hướng dương tươi 30-60g, sắc kỹ rồi bỏ bã, cho thêm chút đường phèn, chia uống 2 lần trong ngày sáng và tối. Hoặc lấy cành hướng dương lượng vừa đủ, sắc uống khi đói giúp thông khí quản. Hoặc bạn dùng cành hướng dương 15g với cam thảo 6g, sắc uống.
Trị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu, bạn dùng khoảng 1m lõi thân cây hướng dương cắt khúc, sắc nước uống ngày 1 thang, dùng liên tục trong 1 tuần sẽ thấy sỏi tan dần. Hoặc bạn dùng khoảng 60cm lõi thân và cành hướng dương, 60g rễ rau cần cạn, sắc uống ngày 1 thang, liên tục trong nhiều ngày đến khi hết bệnh.
Đối với trị viêm đường tiết niệu và sỏi tiết niệu, bạn lấy lõi cành hướng dương 15g sắc uống.
Trị táo bón, bạn lấy lõi cành hoa hướng dương sấy khô, đốt thành than rồi tán bột, mỗi ngày uống chừng 6g với nước ấm để hòa tan thành dung dịch.
Hoa hướng dương dùng để trị các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, phù mặt, nặng mặt, đau răng…
Hoa hướng dương dùng chữa các bệnh hoa mắt chóng mặt, đau đầu, hen suyễn…
Trị đầu đau, bạn lấy đài hoa hướng dương 30-60g sắc uống.
Trị đau đầu, ù tai, đau răng, đau gan, đau bụng, đau khớp, viêm vú và tăng huyết áp, bạn dùng 30-90g cụm hoa hướng dương sắc uống.
Trị hoa mắt chóng mặt, bạn lấy đài hoa hướng dương 30-60g, sắc uống hoặc lấy dịch chiết luộc với 2 quả trứng gà ăn. Hoặc bạn có thể dùng hoa hướng dương tươi 60g hầm với thịt gà ăn.
Trị hen suyễn, bạn lấy cánh hoa hướng dương phơi khô trong bóng râm, thái nhỏ thành sợi rồi quấn thành điếu hút như hút thuốc lá.Hoặc lấy hoa hướng dương 12g rửa sạch, giã nát, hòa thêm chút đường phèn rồi uống hàng ngày.
Trị viêm loét âm đạo, bạn dùng 60g hoa hướng dương khô sắc lấy nước ngâm, rửa âm đạo hàng ngày.
Trị bỏng do nước sôi, bỏng lửa, bạn lấy hoa và lá hướng dương sấy khô, tán bột mịn, trộn với dầu thực vật bôi lên vùng da bị bỏng lửa rất tốt.
Trị ban sởi mà sởi mọc chậm, bạn dùng lượng hoa hướng dương vừa đủ sắc lấy nước, để nguội bớt rồi lấy khăn tẩm, chườm suốt dọc cột sống và vùng bụng ngực cho đến khi ban sởi nổi đều thì thôi.
Trị hành kinh đau bụng, bạn dùng 40-50g hoa hướng dương nấu nước, thêm ít đường, uống trong ngày. Hoặc có thể lấy hạt hướng dương 20-30g, sơn trà 30g đem sao đen rồi tán nhuyễn, hãm với nước sôi, cho thêm vào ít đường để dùng trong ngày. Bạn nên dùng trước chu kỳ kinh vài ngày (độ 2-3 ngày), dùng liên tiếp 3-4 chu kỳ, nhiều người đã thấy đỡ và cho kết quả tốt.
Trị bế kinh, tắt kinh, bạn lấy 100-200g móng heo đem sao cho phồng lên, rồi nấu chung với 20-30g cành hướng dương, để dùng trong ngày.
Trị tai ù do thận hư, bạn lấy đài hoa hướng dương 15g, hà thủ ô 6g, thục địa 9g, sắc uống.
Hạt hướng dương chứa nhiều nhất là vitamin E, không chỉ giúp cho việc làm đẹp mà còn ngăn ngừa tiến trình lão hóa
Thành phần trong loại hạt này có thể thúc đẩy quá trình tái sinh tế bào, bước đầu thu được hiệu quả trong trị liệu thần kinh suy nhược, mất ngủ…
Hạt hướng dương chứa nhiều vitamin E, có tác dụng làm đẹp và ngăn ngừa lão hóa rất tốt
Ngoài ra, để trị đau đầu, váng đầu, bạn lấy hạt hướng dương đã bỏ vỏ chừng 30-40g, gà mái 1 con làm sạch, bỏ ruột hầm cùng hạt hướng dương. Hoặc bạn ăn thịt gà và hạt hướng dương, uống nước.
Trị kiết lỵ ra máu, bạn lấy hạt hướng dương đã bỏ vỏ 30g, đổ nước đun sôi hãm trong một giờ sau cho đường phèn vào uống.
Trị giun kim bạn dùng hạt hướng dương sống, mỗi ngày cần ăn sống bỏ vỏ một nắm, lưu ý không ăn hạt hướng dương đã chín vì sẽ kém hiệu quả.
Vỏ hạt hướng dương nhiều người thường bỏ đi nhưng thật ra nó vẫn có tác dụng chưa cao huyết áp và ù tai
Trị cao huyết áp, bạn lấy hạt hướng dương bỏ vỏ sao qua, tán bột, mỗi ngày uống 6g trước khi đi ngủ.
Trị tai ù do thận hư, bạn dùng vỏ hạt hướng dương từ 9-15g sắc uống.
Rễ cây hướng dương có công dụng chữa các chứng đau ngực sườn, đau do viêm loét dạ dày, tá tràng, đại tiểu tiện không thông thoáng, tổn thương do trật đả…
Trị huyết áp cao, bạn lấy rễ hướng dương 60g, thái vụn, sắc uống.
Trị viêm loét dạ dày tá tràng, bạn lấy rễ hướng dương sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g. Hoặc bạn dùng rễ hướng dương 15g với tiểu hồi hương 9g, sắc uống.
Trị đau tức vùng thượng vị, ăn không tiêu, bạn dùng rễ cây hoa hướng dương, tiểu hồi hương, hạt mùi, mỗi vị 6-10g, sắc nước uống.
Trị táo bón, bạn dùng rễ cây hoa hướng dương giã nát, lọc lấy nước cốt, hòa với mật ong. Thực hiện mỗi lần uống 15-30g, ngày uống 2-3 lần.
Trị tinh hoàn sưng đau, bạn dùng 30g rễ cây hoa hướng dương sắc với đường đỏ uống.
Trị viêm đường tiết niệu và sỏi tiết niệu, bạn lấy rễ hướng dương tươi 30g sắc uống.
Trị phù thũng, tiểu tiện không thông, bài thuốc gồm rễ hướng dương 15g, vỏ bí đao 30g, sắc uống hằng ngày.
Lưu ý rằng, phụ nữ có thai không được dùng các vị thuốc lấy từ cây hoa hướng dương vì có thể gây sảy thai.
Với vô vàn công dụng chữa bệnh của hoa hướng dương, bạn có thể tận dụng các nguyên liệu sẵn có từ loài cây mạnh mẽ này sau những ngày Tết vừa qua.
Khuyên Vũ
Theo Tạp chí Sống Khỏe