Bài thuốc trị cảm lạnh

Cảm lạnh là bệnh lý thông thường hay gặp, do cơ thể bị nhiễm lạnh gây nên. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin về bệnh cảm lạnh và cách chữa trị.

1. Dấu hiệu nhận biết cảm lạnh

Trong Đông y, “cảm” là chỉ những bệnh lý do các yếu tố thời tiết, khí hậu bất thường xâm nhập cơ thể gây nên, trong đó yếu tố thường gặp nhất là lạnh. Do vậy cảm lạnh còn có những tên gọi khác như thương hàn, trúng gió.

Ho hắt hơi sổ mũi là triệu chứng cảm lạnh
Ho hắt hơi sổ mũi là triệu chứng cảm lạnh (Ảnh internet)

Sau khi cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như người mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ho, hắt hơi, sổ mũi. Tình trạng này nhanh chóng được cải thiện nếu cơ thể được làm ấm và sử dụng một số bài thuốc đông y để phục hồi cơ thể.

Xem thêm

2. Phân biệt cảm lạnh với các bệnh khác có triệu chứng tương tự

Nguyên nhân gây ra cảm lạnh phổ biến như mặc không đủ ấm, tắm nước lạnh, dầm mưa hoặc thay đổi thời tiết đột ngột từ nóng sang lạnh. Nhưng do triệu chứng của cảm lạnh cũng tương tự với một số bệnh lý khác như viêm mũi họng, viêm phế quản, cúm… nên có thể nhầm lẫn. Dẫn tới việc điều trị ít hiệu quả. Các bệnh lý cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản là do các tác nhân vi sinh vật (vi khuẩn, virus) gây ra.

Một bệnh nữa nguy hiểm hơn cần phân biệt. Đó là phân biệt cảm lạnh hay còn gọi trúng gió với các triệu chứng của tai biến mạch não thường gặp ở người già. Bởi vì nếu không được cấp cứu tại bệnh viện kịp thời, bệnh nhân đột quỵ não có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng.

Thông thường, người bị tai biến mạch não sẽ có một trong các dấu hiệu cảnh báo như sau:

  • Đột nhiên méo miệng
  • Yếu liệt hoặc khó vận động tay, chân.
  • Nói ngọng, nói khó, hoặc đột nhiên không nói được

Trong khi đó, cảm lạnh thông thường sẽ hồi phục nhanh chóng sau 1 đến 2 ngày. Nhất là khi áp dụng các bài thuốc y học cổ truyền chữa cảm lạnh dưới đây.

3. Cảm lạnh và cách chữa trị – Một số bài thuốc chữa cảm lạnh tại nhà

Khi bị cảm lạnh phải làm sao? Sau đây cùng tìm hiểu cảm lạnh chữa như thế nào.

3.1 

Đánh gió

Cạo gió bằng đồng xu
Cạo gió bằng đồng xu (Ảnh internet)

Đánh gió hay còn gọi là cạo gió là một biện pháp làm nóng cơ thể. Theo đông y, cạo gió có các tác dụng sau:

  • Đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết: thúc đẩy sự trao đổi chất và tăng cường khả năng bài tiết chất thải qua da, tăng cường lưu thông tuần hoàn ngoại vi…
  • Giãn cơ, thông lạc, loại bỏ mệt mỏi.
  • Cân bằng âm dương cho cơ thể.

Thông thường các vị trí cạo gió gồm cột sống từ gáy cổ xuống thắt lưng, ở giữa và hai bên cột sống. Cạo gió giữa trán sang hai bên thái dương kèm theo gan lòng bàn tay và bàn chân, bụng và ngực.

Dân gian lưu truyền rất nhiều cách cạo gió khác nhau. Dưới đây sẽ trình bày một vài bài cạo gió quen thuộc tại nhà đơn giản dễ làm.

– Dùng đồng bạc bôi thêm chút dầu gió (thường dùng loại dầu cao dạng đặc). Đánh gió theo các vị trí kể trên đến khi cơ thể người bệnh nóng lên và nổi các vằn đỏ trên da.

– Trứng gà luộc chín kỹ, bóc vỏ.  Sau đó gói vào miếng vải mềm khi còn đang nóng cùng với đồng bạc đánh gió khắp người. Khi đánh gió xong sẽ thấy đồng bạc xám xịt.

– Cám gạo 1 bát con, rang thơm. Bọc vào miếng vải mềm xát vào các vị trí kể trên. Khi cám nguội lại rang nóng, xát đến khi da nổi vằn đỏ và cơ thể thấy khoan khoái dễ chịu thì thôi.

– Hoặc Cám gạo 1 bát rang thơm, cho lá dậu rách vào xao cùng thật nóng. Đổ ra một miếng vải mềm, thêm vài giọt dầu (loại dầu đốt) rồi đánh cảm khắp người.

3.2 Xông hơi

Xông hơi bằng các loại lá
Xông hơi bằng các loại lá (Ảnh internet)

Xông hơi cũng là biện pháp làm nóng cơ thể bằng nhiệt hơi nước. Trong xông hơi có các loại lá có tác dụng an thần, kháng khuẩn… giúp cho người cảm lạnh thấy khoan khoái đỡ mệt mỏi. Các loại lá dùng trong xông hơi bao gồm 3 nhóm sau:

  • Nhóm có tinh dầu giúp sát trùng đường hô hấp như chanh, bưởi, sả, bạc hà, tía tô…
  • Nhóm có tác dụng kháng sinh như hành, tỏi…
  • Nhóm có tác dụng hạ sốt như tre, duối, cúc tần…

Tùy theo dược liệu ở từng địa phương, có thể thay đổi các vị thuốc cho phù hợp.

Cách tiến hành:

  • Dùng nồi to, đun nước sôi, bỏ các vị thuốc vào. Đun sôi 5 phút thì bắc ra.
  • Người bệnh ngồi trên giường hoặc ngồi chiếu dưới đất. Đặt nồi nước xông bên cạnh, dùng chăn mỏng trùm kín người, chỉ mặc đồ lót cho mồ hôi thoát ra.
  • Thời gian xông từ 5 đến 10 phút, khi bệnh nhân cảm thấy dễ chịu và ra mồ hôi thì thôi. Sau đó lau khô mồ hôi, thay quần áo và ăn bát cháo hành tía tô đang nóng.

Lưu ý: Không được áp dụng cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 15 tuổi, người già bị suy kiệt, bệnh nhân thiếu máu, tiêu chảy mất nước, rong kinh, rong huyết.

3.3 Cảm lạnh nên uống thuốc gì?

Cháo tía tô giải cảm
Cháo tía tô giải cảm (Ảnh internet)

Một số bài thuốc uống có tác dụng giải cảm, giúp hồi phục cơ thể như sau:

  • Củ gấu (hương phụ) 8 g, tía tô 8 g, vỏ quýt 4g, cam thảo nam 8 g. Các vị trên sắc uống ngày một thang, chia làm 2 lần.
  • Tía tô 15 g, bạc hà 19 g, rau má 12 g, củ hành tươi 10 g, cam thảo đất 8 g. Đổ 3 bát nước sắc lấy còn 1 bát, chia làm 2 lần uống nóng.

Ngoài ra có thể nấu cháo tía tô hành để giải cảm cho người bệnh cũng thường được áp dụng.

Cách làm: Gạo tẻ 1 nắm, gạo nếp 1 nắm, hành tăm, tía tô, kinh giới, gia vị vừa đủ. Gạo ninh nhừ, nấu loãng vừa phải. Thái nhỏ hành, tía tô, kinh giới, lấy lòng đỏ trứng gà cho tất cả vào bát to, đổ cháo đang sôi vào trộn đều, ăn nóng.

Sau khi thực hiện những bài thuốc trên, nên để người bệnh nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Nếu là cảm lạnh thông thường sau một vài tiếng bệnh tình sẽ đỡ. Người bệnh sẽ cảm thấy khoan khoái dễ chịu hơn hẳn. Nếu không cần tìm nguyên nhân khác để điều trị thích đáng.

BS Huyền Hương

 

Rate this post

Viết một bình luận