Bấm huyệt, uống thuốc có chữa được cận thị?

Tỷ lệ trẻ bị tật khúc xạ ngày càng gia tăng, đặc biệt sau những đợt dịch trẻ phải học online. Tại các thành phố lớn, trẻ phải đeo kính chiếm gần 1 nửa.

Gần 1 nửa học sinh phải đeo kính
 
Thấy con gái 8 tuổi thường xuyên đứng trước tivi nheo mắt để xem, chị Hoàng Liên (thành phố Việt Trì, Phú Thọ) cho con ra cửa hàng kính để đo mắt. Khi đo mắt, nhân viên cửa hàng kính cho biết con chị bị cận mắt trái là 2,5 diop, mắt phải là 2 diop. Chị Liên vội cắt kính về cho con đeo. Tuy nhiên, khi đeo kính bé than thở đau đầu, chóng mặt, khó chịu. Thấy lạ, chị Liên cho con xuống Hà Nội kiểm tra.
 
Sau khi đo lại kính, nhỏ thuốc giãn đồng tử bác sĩ cho biết bé chỉ cận 1,25 diop kèm theo loạn gần 3 diop. Vì đo kính ở cửa hàng bán kính sai nên bé đeo vào không đúng độ cận gây khó chịu cho trẻ.
 
Không riêng gì chị Liên, rất nhiều cha mẹ thấy con có biểu hiện mắt nhìn gần, nheo mắt đoán con bị cận thị và đưa ra các cửa hàng bán kính để đo mắt mà không đi khám chuyên khoa loại trừ cận thị giả. 
 
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh – Trưởng Đơn vị Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, tại Việt Nam tỷ lệ mắc tật khúc xạ rất cao, với tình trạng khúc xạ học đường cũng được xem là vấn đề cộng đồng của cả nước.

Theo nghiên cứu ở nhiều tỉnh thành tỷ lệ học sinh nhất là ở thành thị số lượng mắc tật khúc xạ ngày càng gia tăng. Năm 2006, tại Hội nghị về ngành nhãn khoa toàn quốc cho thấy tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ ở nông thôn là 10 – 12%, thành thị là 17 – 20 %. Đến năm 2014, tại Hội nghị nhãn khoa toàn quốc thì tỷ lệ này đã tăng ở nông thôn lên 15%, ở thành thị lên tới 40 – 50 %.
 
Riêng tại TP.HCM, báo cáo một số liệu tỷ lệ học sinh cấp 2 mắc tật khúc xạ lên tới 46,11%. Năm 2019, báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho thấy số lượng học sinh mắc tật khúc xạ chiếm hơn 40% trong tổng số học sinh của thành phố. Bạn dễ hình dung khi vào lớp học có tới 1 nửa số học sinh phải đeo kính do tật khúc xạ. Tật khúc xạ có loạn thị, cận thị, viễn thị.

Bấm huyệt, uống thuốc có chữa được cận thị?Trẻ bị cận thị ngày càng tăng.

 

Uống thuốc, bấm huyệt có trị được tật khúc xạ?
 
Khi trẻ có tật khúc xạ, trẻ phải đeo kính. Việc đeo kính để cho hình ảnh về đúng điểm và giúp trẻ nhìn rõ hơn. Bác sĩ khuyến cáo không nên ngần ngại trì hoãn cho trẻ đeo kính. Trẻ dưới 1 diop có thể chỉ cần đeo kính khi ngồi học, trẻ có độ cận cao kèm theo loạn thị, đã chỉnh kính nhưng thị lực không đạt tối đa thì phải đeo kính thường xuyên.

Nhiều gia đình thấy con cận thị ngại đeo kính cho con dùng thuốc hay đi bấm huyệt, bác sĩ Ngọc Anh cho rằng trẻ bị cận thị việc uống thuốc hay bấm huyệt không thể điều trị được. Theo BS Ngọc Anh cận thị do mất quân bình của trục trước, sau nhãn cầu. Trục nhãn cầu của trẻ quá dài, giác mạc cong làm cho ảnh hội tụ trước võng mạc nên trẻ không nhìn thấy rõ. Vì vậy, việc uống thuốc hay bấm huyệt thì không thể nào điều trị được cận thị. 
 
Trong giai đoạn dịch bệnh, trẻ phải học online, để giúp trẻ có đôi mắt khoẻ mạnh bác sĩ Ngọc Anh khuyến cáo phụ huynh cần lưu ý:
 
Thứ nhất, trẻ có tật khúc xạ nên đeo kính và kính đó có lớp phủ chống ánh sáng xanh để tránh tác hại cho mắt.
 
Thứ hai, khi trẻ sử dụng các thiết bị thì cần để màn hình chếch 15 độ với mặt phẳng ngang, khoảng cách từ màn hình tới mắt từ 50 – 70 cm. Trẻ học cần giữ quy tắc 20 – 20 – 20. Quy tắc này là trẻ học 20 phút sẽ cho trẻ nghỉ nhìn xa khoảng 20 feet tương đương 6 mét trong vòng 20 giây.
 
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều cơ sở đo mắt tại chỗ từ bệnh viện tới tiệm bán kính bên đường, bác sĩ Ngọc Anh cho rằng để đánh giá kính có chất lượng tốt hay không thì kính phải đảm bảo đúng thông số khúc xạ, được chuyên viên về tật khúc xạ đo, tạo sự thoải mái cho trẻ khi trẻ đeo.
 
Khi trẻ đeo kính tầm nhìn của trẻ phải nhìn đúng, nếu lệch tâm thì không tốt cho trẻ. Với trẻ hiếu động cha mẹ nên phủ thêm lớp chống xước, chống ánh sáng xanh để bảo vệ mắt trẻ.
 
Nếu đo kính không đúng độ, trẻ vẫn than phiền các triệu chứng như nhức mắt, khó chịu thì phụ huynh cần cho trẻ tới cơ sở chuyên khoa về mắt để được kiểm tra tật khúc xạ.
 
Trẻ bị tật khúc xạ cần tái khám 6 tháng 1 lần để đánh giá lại. Những bé có bệnh lý kèm theo ở mắt, tật khúc xạ độ cao nên đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi sát hơn.

Khi sử dụng bất kỳ thuốc gì, đặc biệt ở trẻ em, dù là thuốc bổ mắt, cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngay cả thuốc bổ cũng phải xem có phù hợp hay không, liều lượng cũng như xem trẻ có dị ứng, tương tác thuốc với thuốc đang dùng hay không.

Khánh Chi  
 
 
 
 
 
 
 
 

Rate this post

Viết một bình luận