Người làm mẹ phải dành rất nhiều năng lượng và nỗ lực để cho một đứa trẻ ra đời. Quá trình mang thai chủ yếu dựa vào nguồn dự trữ vitamin và khoáng chất trong cơ thể. Do đó, bổ sung vitamin cho người mới sinh con cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc bản thân.
1. Mẹ cho con bú có cần bổ sung vitamin không?
Mang thai làm cạn kiệt một số chất dinh dưỡng trong cơ thể, bao gồm folate, canxi và vitamin B6. Hơn nữa, nếu bạn đang cho con bú, liều lượng khuyến nghị hàng ngày của nhiều chất dinh dưỡng thậm chí còn cao hơn so với trong thai kỳ. Khi cho con bú, lượng vitamin A, B1, B2, B6, B12, D, axit docosahexaenoic (DHA), choline và i-ốt trong chế độ ăn của bạn sẽ góp phần tạo ra sữa. Não bộ phát triển nhanh nhất trong giai đoạn sơ sinh và trẻ mới biết đi. Vì vậy dinh dưỡng tối ưu trong sữa mẹ giúp xây dựng cơ thể và trí não của em bé toàn diện.
Mặc dù chế độ ăn của các bà mẹ mới sinh thường rất bổ dưỡng, nhưng để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong thời kỳ cho con bú, phụ nữ cần thêm nhiều năng lượng và vitamin. Thông thường, phụ nữ đang cho con bú không đáp ứng đủ lượng canxi, kẽm, magie và các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Các chuyên gia khuyên sau khi bé đã ra đời, mẹ vẫn nên tiếp tục dùng loại vitamin trước sinh, đặc biệt là nếu có kế hoạch mang thai lần nữa và sinh thêm con. Những phụ nữ không cho con bú cũng nên tiếp tục bổ sung vitamin trước sinh trong ít nhất 6 tháng sau sinh để khôi phục lượng dinh dưỡng dự trữ.
2. Hướng dẫn bổ sung vitamin cho người mới sinh con
Một số chất dinh dưỡng quan trọng đối với các bà mẹ đang cho con bú là:
- Sắt
Người mới làm mẹ dễ bị thiếu sắt, đặc biệt nếu đã từng thiếu máu khi mang thai. Mệt mỏi, khó thở khi gắng sức và thiếu năng lượng là những triệu chứng điển hình của tình trạng thiếu sắt. Xét nghiệm máu 6 tuần sau sinh sẽ cho biết nồng độ sắt trong máu và lượng sắt dự trữ trong cơ thể.
Khuyến nghị lượng sắt hàng ngày đối với phụ nữ đang cho con bú từ 19 – 50 tuổi là 10 miligam (mg). Tuy nhiên, bác sĩ có thể sử dụng kết quả xét nghiệm máu của bạn để điều chỉnh liều lượng phù hợp với nhu cầu riêng. Nên bổ sung chất sắt sớm và kết hợp cùng với vitamin C để tối đa lượng hấp thụ vào cơ thể, cũng như nhanh chóng chấm dứt tác dụng phụ.
Ngoài uống vitamin khi đang cho con bú, tiêu thụ thực phẩm giàu chất sắt – bao gồm thịt nội tạng, thịt đỏ và hải sản, cũng có thể giúp bạn tăng lượng sắt dự trữ một cách tự nhiên.
- Folate
Phụ nữ đang cho con bú cũng cần nhiều folate hơn, vì chất dinh dưỡng quan trọng này được bài tiết qua sữa mẹ. Nếu người mẹ không nạp đủ dưỡng chất này cho bản thân, cơ thể sẽ tự lấy phần dự trữ để đưa vào trong sữa mẹ – khiến mẹ có nguy cơ bị thiếu folate.
Trong suốt thời kỳ cho con bú, bạn nên tiếp tục dùng các loại vitamin trước khi sinh với hàm lượng folate cao, hoặc có thể uống một loại vitamin tổng hợp thông thường và bổ sung thêm folate.
- Iốt
Khoáng chất này giúp tuyến giáp của bạn luôn hoạt động tốt, đồng thời hỗ trợ phát triển não và hệ thần kinh của trẻ. Các loại thực phẩm như muối iốt, cá, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc nguyên hạt đều chứa một số iot. Mặt khác, hầu hết các loại vitamin trước sinh không chứa i-ốt. Nếu bạn không thường xuyên tiêu thụ thực phẩm giàu i-ốt, nên bổ sung i-ốt riêng để đảm bảo mức tối ưu. Phụ nữ đang cho con bú nên dùng 290 microgam (mcg) i-ốt mỗi ngày.
- Canxi
Điều quan trọng cần nhớ là bổ sung 1.000 mg canxi mỗi ngày từ các thực phẩm giàu canxi – như sữa, sữa chua, pho mát và các loại rau lá xanh đậm. Có thể thay thế bằng viên uống vitamin khi đang cho con bú chứa 500 mg canxi mỗi ngày nếu không thể tiêu thụ đủ thực phẩm giàu canxi. Lưu ý, các loại vitamin bạn dùng trước khi sinh thường chỉ chứa khoảng 200 mg canxi.
- Vitamin D
Lượng tiêu thụ vitamin D được khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ là 600 IU (15mcg). Nhưng liều lượng này không đảm bảo trẻ nhận được đủ vitamin D từ sữa mẹ.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc bú sữa công thức dưới 1 lít mỗi ngày nên bổ sung thêm 400 IU vitamin D mỗi ngày, bắt đầu từ ngày đầu tiên chào đời cho đến khi được một tuổi. Nhưng một số trẻ không thích mùi vị của những giọt vitamin D, vì vậy mẹ có thể tăng lượng vitamin D nạp vào cơ thể mình lên 6.400 IU mỗi ngày để con được cung cấp đầy đủ.
Những bà mẹ không cho con bú cũng cần nhiều vitamin D hơn mức khuyến nghị. Bạn có thể nhờ bác sĩ kiểm tra nồng độ vitamin D và sau đó bổ sung vitamin D3 phù hợp.
- Vitamin trị rụng tóc sau sinh
Rụng tóc sau sinh thường do thay đổi nội tiết tố và chỉ kéo dài tạm thời, nhưng cũng rất phổ biến. Protein, sắt, folate, kẽm, vitamin A, C, D và E đều thúc đẩy sự phát triển của tóc và móng. Tiếp tục bổ sung vitamin như trước khi sinh và tuân theo một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng sẽ giữ cho mái tóc của bạn chắc khỏe sau khi mang thai.
- Vitamin cho sức khỏe tinh thần
Có tới 80% các bà mẹ gặp phải tâm trạng baby-blues trong 1 – 2 tuần sau khi sinh con, và ngày càng nhiều phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.
- Nghiên cứu gần đây chỉ ra tầm quan trọng của axit béo omega-3 trong việc giảm các triệu chứng trầm cảm ở thời kỳ hậu sản. Trên thực tế, bổ sung DHA và EPA (hai loại omega-3 cụ thể) trong thai kỳ không chỉ tốt cho sự phát triển của em bé, mà còn ngăn ngừa trầm cảm sau sinh.
- Tương tự, thiếu hụt vitamin D có thể góp phần gây ra rối loạn tâm trạng sau sinh. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nạp 2000 IU hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng trầm cảm sau sinh.
- Một số nghiên cứu cũng cho thấy thiếu folate, kẽm, selen và B12 có liên quan với chứng trầm cảm chu sinh.
Việc bổ sung vitamin cho người mới sinh con sẽ giúp phụ nữ cảm thấy yên tâm và khỏe mạnh hơn, từ đó sức khỏe tâm thần cũng tốt hơn.
- Vitamin B12
Viên uống bổ sung vitamin B12 đặc biệt được khuyên dùng cho những bà mẹ tuân thủ chế độ ăn chay và thực dưỡng. Vì chất này chủ yếu có trong protein động vật, nên chế độ ăn như vậy có thể dẫn đến sự thiếu hụt vitamin B12 trong sữa mẹ, làm giảm lượng vitamin B12 mà trẻ cần tiêu thụ. Đây là lý do tại sao bổ sung vitamin cho người mới sinh con thông qua chế độ ăn uống là rất quan trọng.
- Choline
Hầu hết các bà mẹ không nhận đủ choline – một chất dinh dưỡng tương tự như vitamin B, cần thiết để xây dựng não bộ. Phụ nữ đang cho con bú nên tăng lượng choline lên 550mg / ngày. Thực phẩm bổ sung có chứa choline ở dạng choline bitartrate, phosphatidylcholine hoặc lecithin.
Ngoài ra, bạn có thể tăng cường ăn những sản phẩm cung cấp nguồn choline tự nhiên – như thịt, trứng, thịt gia cầm, cá và sữa. Những phụ nữ theo chế độ ăn chay sẽ cần uống bổ sung choline vì có nguy cơ cao thiếu chất này.
- Axit docosahexaenoic (DHA)
DHA là chất béo không bão hòa đa omega-3, giúp phát triển não, mắt và hệ thần kinh của em bé. Giống như tất cả các omega-3 khác, DHA không được tạo ra trong cơ thể, vì vậy bạn cần nạp vào qua thực phẩm hoặc chất bổ sung.
Cố gắng ăn ít nhất 1 – 2 lần mỗi tuần các món giàu DHA, bao gồm cá hồi, cá ngừ, cá mòi và cá thu. Nếu muốn dùng viên uống vitamin khi đang cho con bú, hãy tìm loại cung cấp ít nhất 250 – 375 mg DHA cộng với EPA.
- Calo
Vì phụ nữ đang cho con bú đốt cháy thêm 500 calo mỗi ngày – nhiều hơn khi mang thai, nên cần bổ sung thêm 2 bữa ăn nhẹ. Mỗi bữa khoảng 250 calo, bao gồm carbohydrate (ngũ cốc, trái cây, thực phẩm từ sữa), kết hợp với protein (thịt, đậu, các loại hạt và thực phẩm từ sữa). Thực đơn này sẽ đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng đa lượng, hoặc carbohydrate, protein và chất béo cho mẹ sau sinh.
- Nước
Cuối cùng, bổ sung vitamin cho người mới sinh con, cũng không được quên nhu cầu chất lỏng phải đáp ứng đủ là 10 – 12 cốc nước 230ml mỗi ngày. Vì sữa mẹ có hơn 75% là nước, nên bạn phải bù đủ chất lỏng để đảm bảo khả năng sản xuất sữa mẹ, cũng như tránh tình trạng cơ thể bị mất nước.
Bước đầu tiên để nuôi dạy một đứa trẻ khỏe mạnh là duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ. Đặc biệt đối với các bà mẹ đang cho con bú, cần đảm bảo chất lượng nguồn sữa tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện. Dưỡng chất cần thiết sau khi sinh bao gồm nhiều loại vitamin, khoáng chất, DHA, choline, sắt, kẽm, folate, B12 và vitamin D… Nếu chọn uống vitamin khi đang cho con bú ngoài chế độ ăn uống, hãy đảm bảo thương hiệu chất lượng uy tín để được hưởng lợi tối đa.
Trẻ sơ sinh nhìn chung dễ gặp bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đứa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi và điều trị. Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,… Với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh, Vinmec sẽ mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:
- Quy tụ đội ngũ y bác sĩ hàng đầu về Nhi khoa: Gồm các chuyên gia đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm – tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
- Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám – chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,… theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
- Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh – sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
- Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng MyVinmec
để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn và
đặt tư vấn từ xa qua video
với bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi.
Nguồn tham khảo:babycenter.com, healthline.com