Bạn có đang hiểu đúng cái gọi là trượt đại học?

Bạn có đang hiểu đúng cái gọi là trượt đại học?

Bạn đã từng nghe trượt đại học là điều rất tồi tệ là chứng tỏ những con người không có năng lực, nhưng thật sự “trượt đại học” được định nghĩa như thế nào? 

Suy nghĩ của bố mẹ đôi khi ảnh hưởng tới chúng ta rất nhiều, 12 năm học vất vả để làm gì, để chúng ta có thể thi đại học và sau đó là những câu nói động viên cố gắng nên chỉ năm cuối nữa thôi, lên đại học là nhàn  hạ rồi, không còn vất vả nữa… Những câu nói đó mặc dù là động viên nhưng lại khiến chúng ta hình thành lên tư tưởng chỉ cần cố gắng để lên đến đại học thôi. Chúng ta đâu có thực sự hiểu rốt cuộc phải học đại học để làm gì? 

Giáo dục 12 năm học được gọi là giáo dục phổ thông, ở đó ta học kiến thức văn hóa, rèn luyện đạo đức, tư tưởng và trải qua quá trình trưởng thành từ trẻ con lên đến người lớn. Sau đó bạn sẽ phải theo đuổi những miền tri thức khác sau 12 năm học, đây là kiến thức chuyên ngành hay là cách bạn học một nghề nào đó để có thể bước chân ra xã hội làm nghề. 

Mà đại học được coi như một cái tên nơi bạn sẽ học kiến thức đó, ngoài đại học bạn có thể học kiến thức ở cao đẳng, trung cấp, các trung tâm hoặc trường đời… 

Vậy bạn đã hiểu đúng cái gọi là “trượt đại học” ?

Trượt đại học tức là bạn không thể bước chân vào môi trường mang tên đại học, bắt buộc bạn phải lựa chọn một con đường, mối cánh cửa khác để tiếp nạp kiến thức. Vậy tại sao định nghĩa của xã hội lại là trượt đại học nghĩa là bạn kém cỏi, thất bại và đáng bị coi thường? 

Giống như trong xã hội có sự phân biệt giàu nghèo thì họ cũng phân biệt việc học hành của chúng ta theo cái cách học đại học và không học đại học. Một bộ phận xã hội cho rằng chỉ học đại học mới có thể có những kiến thức tốt, mới có đủ khả năng để ngồi văn phòng, làm ông nọ bà kia, còn không học đại học thì chỉ có thể lao động tay chân, vất vả, bán mặt ngoài đường. Và đã có một thời điểm người ta nói chuyện bằng bằng cấp, đối xử bằng bằng cấp, chưa cần mày có năng lực ra sao nhưng mày bắt buộc phải có tấm bằng. Cũng có một thời gian chất lượng được đào tạo từ các trường đại học quả thật chất lượng và đáng tự hào. Từ đó khiến cho các bậc phụ huynh những người luôn muốn con cái mình có cuộc sống sung sướng hơn mình muốn con cái bằng mọi cách cũng phải học đại học. 

Đó là ngày trước, con bây giờ, các ý nghĩa của việc học đại học đã không còn là lấy kiến thức hay được đào tạo trong môi trường tốt nhất mà chỉ là học cho có cái bằng, học cho không thua kém con nhà ông A, ông B, trượt đại học sẽ là nỗi hổ thẹn… Không chỉ các bạn trẻ phớt lờ ý nghĩa thực sự của trượt đại học mà chính bố mẹ cũng tặc lưỡi cho qua cái sự học hành. Nếu nói bố mẹ của ngày xưa rất ít ai có điều kiện được học hết đại học thì đến thời đại này, việc học đại học của các bậc phụ huynh đã thực sự phổ biến. Bản thân mình trải qua quá trình học như thế nào, các phụ huynh hiểu, việc học đại học chưa chắc đã mang lại manh áo ấm hay công việc ổn định cho con cái sau này và trượt đại học cũng không trở nên vô dụng như người ta vẫn nói. Điều này dẫn đến một sự thay đổi trong nhận thức, nhiều gia đình đã không còn chấp niệm việc con cái phải học đại học mà thay vào đó là cho con học đúng những thức con thích, đúng kiến thức, đúng nơi để có thể có kiến thức thực tế đối chọi với vòng xoáy cuộc sống. 

Từ đây có thể thấy, trượt đại học đơn giản là bạn đã bỏ lỡ một cánh cửa mà hầu như ai cũng chọn, không có nghĩa là cánh cửa của bạn hoàn toàn đóng lại, đôi khi nó chính là cơ hội để bạn biết bạn thực sự phù hợp điều gì. 

Comments

Rate this post

Viết một bình luận