“Nếu bạn thấy buồn khổ, bạn đang sống trong quá khứ. Nếu bạn thấy lo lắng, bạn đang sống trong tương lai. Nếu bạn thấy bình an, bạn đang sống trong hiện tại” – Lão Tử
Bạn nghĩ sao nếu tôi thú nhận rằng ký ức của tôi từ năm 2013 đến 2015 hầu như đã mất? Tôi nhớ những khái niệm, nhớ những cột mốc quan trọng, nhớ những người tôi đã gặp, nhớ rất nhiều niềm vui … nhưng tất cả đều mơ hồ, lấp loáng, không rõ ràng. Tôi còn giữ rất nhiều hình ảnh, video, thậm chí nhật ký, nhưng tất cả đều không trọn vẹn. Tôi không thể nhớ mình đã làm gì ở thời điểm cụ thể nào, cảm xúc của tôi khi đó ra sao, mắt tôi đã thấy, tay tôi đã chạm vào những gì, và quan trọng hơn, tôi đã sống như thế nào.
Kỳ lạ ở chỗ 2 năm đó đáng ra là 2 năm đẹp nhất của cuộc đời tôi. Tôi lên đường du học một trường đại học danh tiếng; tôi sớm đạt được thành công; tôi đi du lịch khắp nước Mỹ với người tôi yêu; tôi tìm được đam mê của mình; tôi gặp được nhiều người bạn tốt; tôi tốt nghiệp Thạc sĩ và có học bổng Tiến sĩ; tôi nuôi mèo; tôi kết hôn. Tôi đã có những năm tháng rực rỡ. Nhưng tại sao tôi không thể nhớ mình đã sống như thế nào? Thời gian dường như trôi tuột qua kẽ tay. Sau sinh nhật 25 tuổi là 26 tuổi, rồi đến 27 tuổi. Tôi đã làm gì trong những năm đó? Tôi có hạnh phúc không? Tôi có tận hưởng từng giây phút được hít thở cuộc sống hay không?
Tôi vốn là người sống thiên về tương lai và điều này “cướp” đi rất nhiều thời gian và trải nghiệm của tôi. Thế nào là sống thiên về tương lai? Đó là khái niệm sống luôn nhìn về phía trước, sống hôm nay nhưng đã chuẩn bị cho ngày mai, chân bước một bước nhưng đầu đã nghĩ đến ba bước. Tôi vốn thích lập kế hoạch từ khi còn nhỏ, đây như là một thú vui của tôi, tôi không chỉ lập kế hoạch cho ngày mới, cho tuần mới, mà còn cho 3 tháng, 3 năm sắp tới. Thói quen này đã giúp tôi rất nhiều trong học tập và công việc. Tôi biết chính xác bao giờ là hạn nộp bài trên lớp, ngày nào thi cuối kỳ, để chuẩn bị cho kỳ thi thì phải học trước bao lâu, cấp trên giao cho việc này thì tương lai sẽ phát triển ra thêm việc gì, để đạt được mục tiêu này trong tương lai thì hôm nay tôi phải làm gì. Có thể nói, luôn luôn nhìn về phía trước là một trong những chìa khoá thành công của tôi.
Nhưng sống thiên về tương lai cũng khiến tôi luôn bận rộn, đầu óc luôn vận động suy nghĩ, và tôi luôn cố làm mọi việc thật nhanh để đạt được mục tiêu. Mặc dù có may mắn được đi du lịch nhiều nơi nhưng tôi chưa bao giờ nán lại để tận hưởng từng địa điểm. Tôi chụp nhiều ảnh nhưng chưa bao giờ nhìn ngắm cảnh vật thật lâu bằng chính đôi mắt của mình. Tôi gặp rất nhiều người bạn tốt nhưng chưa bao giờ nhập tâm ghi nhớ những câu chuyện tôi và bạn chia sẻ với nhau. Trong thời gian học Thạc sĩ, có những thời điểm tôi bận đến mức chỉ biết mình đi bộ đến thư viện khi trời còn chưa tỏ, khi ra về bên ngoài đã tối đen. Đến khi một người bạn học của tôi gửi ảnh hoa xuân nở to và đẹp đến thế nào ngay bên ngoài thư viện, tôi mới sực nhớ ra mình đã đánh mất một khoảng thời gian quý báu như thế nào. Có những ngày tôi nấu và ăn những món rất ngon nhưng không thể nhớ ra đã ăn gì và vị món ăn như thế nào bởi vì vừa ăn tôi vừa tranh thủ đọc báo, mày mò trên internet, hay suy nghĩ đâu đâu. Bởi vậy, sống cho tương lai cướp đi của tôi rất nhiều ký ức, thời gian, và trải nghiệm vô giá mà không thể nào lấy lại được.
Tôi không phải tuýp người hay sống thiên về quá khứ nhưng tôi biết nhiều người như vậy. Họ cũng bị tước đi rất nhiều điều trong cuộc sống, nhiều nhất là niềm vui. Tôi có những người bạn luôn trăn trở về một điểm số kém đã có từ rất lâu, đau lòng vì những chuyện buồn trong gia đình khi còn nhỏ, và không thiết sống vì những mối quan hệ tình cảm đã qua. Những người trung niên và lớn tuổi dường như càng dễ sống thiên về quá khứ, nhiều người tôi từng gặp có thể kể lể hàng giờ về nuối tiếc việc họ đã từng làm hoặc không làm trong quá khứ. Họ so sánh rằng thực tại sẽ có thể khác ra sao nếu quá khứ của họ thay đổi. Trong khi đó, ngoài kia, cuộc sống vẫn tiếp diễn, hoa vẫn nở, chim vẫn hót, người người vẫn bước đi. Nhiều người không hiểu rằng nếu mình không sống cho hôm nay thì ngày mai sẽ lại tiếp tục nuối tiếc cho chính thời khắc này.
Mùa hè năm 2015, khi tôi đọc cuốn “Peace Is Every Step” của thầy Thích Nhất Hạnh, tôi nhận ra mình cần sống chậm một chút để tận hưởng cuộc sống và làm dịu đi những lo lắng về tương lai. Tôi bắt đầu tập thiền mỗi sáng, trồng cây, đi bộ, và tập hít thở sâu. Tôi cũng bắt đầu viết về những điều tôi cảm thấy biết ơn mỗi ngày (gratitude journaling) để ghi nhớ những điều tốt đẹp trong cuộc sống hiện tại. Ngay cả trong những ngày khó khăn nhất, tôi vẫn có thể viết ra từ 3-5 điều khiến tôi thấy mình may mắn. Sau khoảng một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy mình thật sự được SỐNG. Tôi nhớ mình đã bình thản hít thở bước qua những tình huống khó khăn như thế nào, nhớ lần đầu tiên tôi nhìn sâu vào một cánh hoa cúc dại bên đường để nhận ra nó đẹp đến nhường nào, nhớ những mùi hương và âm thanh của buổi sáng mà tôi chưa bao giờ biết đến. Tôi vẫn bận rộn, vẫn kế hoạch cho tương lai, và vẫn lo lắng khi đến gần những thời điểm quan trọng. Những điều này khiến tôi tiếp tục nỗ lực cho tương lai. Tuy nhiên, ngoài giờ làm việc, tôi cố gắng tập trung 100% vào hiện tại, không chỉ thể xác mà còn tâm hồn. Tôi quan sát nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, và yêu cuộc sống nhiều hơn. Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn.
Sống cho hiện tại cũng là đề tài xuyên suốt blog The Present Writer. Trong các bài viết, tôi có thể sẽ liên hệ những câu chuyện của quá khứ, diễn giải những kỹ năng hoạch định tương lai, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh hơn cả là hãy sống cho hiện tại (be present). Nếu bạn đang sống một cuộc sống mà bạn thường quên mất hôm nay là ngày nào, tháng nào, nếu đầu óc bạn không thể tập trung vào một việc, nếu bạn thường xuyên đau buồn chuyện quá khứ, và nếu bạn không hạnh phúc, có lẽ hôm nay là ngày đầu tiên bạn nên sống cho hiện tại.
Hãy nhớ rằng, quá khứ đã chết, tương lai thì chưa sinh ra, chỉ có hiện tại là đang sống.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog