Phải làm gì khi bị sếp ghét là câu hỏi được đặt ra bởi biết bao người. Môi trường công sở giống như một xã hội thu nhỏ với nhiều nét cá tính và lập trường khác nhau từ sếp đến đồng nghiệp. Không phải ai cũng có may mắn được làm việc với một người sếp tốt, thế nên những va chạm, xung đột diễn ra giữa sếp với nhân viên đôi khi khó tránh khỏi.
“Thị uy”, “lộng quyền” là những cụm từ quá quen thuộc khi nói về một người sếp hay bắt nạt nhân viên. Vậy bạn cần làm gì khi bị sếp ghét? Cùng Glints “hóa giải lời nguyền” bị sếp ghét để mỗi ngày đi làm của bạn là một niềm vui nhé!
Những dấu hiệu cho thấy rất có thể bạn đang bị sếp ghét
Trước khi trả câu hỏi làm gì khi bị sếp ghét, bạn cần phải xác định rõ xem liệu sếp có đang không thích mình và gây khó dễ cho mình hay không. Bởi lẽ, việc suy nghĩ thấu đáo sẽ tránh được những hiểu lầm không đáng có. Bạn nghĩ rằng mình đang bị ghét, nhưng thực chất sếp của bạn chỉ đang công tư phân minh và không bị chi phối bởi cảm xúc cá nhân?
Cùng Glints điểm qua một vài dấu hiệu cho thấy rất có thể bạn đang bị sếp ghét:
1. Sếp cố làm xấu hình ảnh của bạn trước mọi người
Trong công việc, đương nhiên bạn sẽ mắc phải những sai lầm trong cả công việc lẫn cách đối đãi với đồng nghiệp xung quanh. Chẳng ai muốn điều đó xảy ra cả và tất nhiên, bạn cũng chẳng muốn mọi người thay phiên nhau bàn tán về nó.
© Freepik.com
Nếu sếp cứ bới móc những chuyện đó và tìm cách kể cho các thành viên khác nhằm chọc quê bạn, thì rất có thể bạn đang bị sếp ghét ra mặt đấy! Đây cũng là biểu hiện của một người sếp tồi mà bạn nên cẩn trọng.
2. Bạn bị sếp đối xử phân biệt so với những người khác
Sẽ thật lý tưởng nếu như mọi người trong công ty được đối xử công bằng phải không nào? Tuy thế, một số người sếp lại tìm cách phân biệt đối xử bạn so với những thành viên khác. Bạn có thể bị giao nhiều việc hơn và thậm chí nằm ngoài vai trò của mình. Cùng hoàn thành tốt trong một dự án nhưng bạn là người duy nhất không được khen ngợi. Hay thậm chí sếp mời tất cả mọi người đi ăn trưa nhưng lại loại trừ bạn ra.
3. Sếp không lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của bạn
Sếp của bạn dường như đang né tránh lắng nghe những mong muốn và nguyện vọng của bạn? Việc hạn chế tiếp xúc sẽ vô hình trung phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp giữa sếp – nhân viên. Điều này cũng khiến bạn trở nên lo lắng về hiệu suất công việc của chính mình.
Một khi ý kiến và nguyện vọng của bạn bị bỏ qua, bạn sẽ cảm thấy mình không được xem trọng và từ đó tự quay sang trách ngược bản thân. Đây là một vòng chu kỳ luẩn quẩn khiến bạn cảm thấy tệ hơn trong công việc. Dần dà, bạn sẽ mất khả năng lao động của mình vì sự tự ti ấy.
4. Sếp không công nhận đóng góp của bạn
Trong một cuộc họp, những ý kiến của bạn đưa ra đều bị bác bỏ mà không hề có lý do chính đáng. Nếu ý kiến đó được đề xuất bởi một thành viên khác mà sếp lại đồng ý ngay thì rất có thể bạn đang bị sếp ghét.
Điều này không chỉ nguy hại cho lòng tự trọng mà còn khiến bạn “lười” đề xuất ý kiến đóng góp trong những lần tiếp theo. Khi ấy, sếp lại có cớ để cho rằng bạn đang lười nhác, thiếu chủ động và không làm việc trong cùng một đội.
5. Bạn bị sếp quát mắng và chỉ trích trước mặt mọi người
Trong công việc, chắc chắn ai cũng sẽ mắc những sai lầm. Việc bị sếp khiển trách và góp ý là chuyện đương nhiên. Thế nhưng, sếp của bạn lại ra sức nói điều đó ở nơi đông người để bạn cảm thấy xấu hổ và tủi nhục với sai lầm của mình. Đây chính là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất.
6. Bạn bị sếp và mọi người xung quanh cô cập
Có bao giờ sếp của bạn gặp gỡ tất cả thành viên trong đội để thảo luận hay cập nhật về dự án quan trọng mà bạn không hề được mời tham dự? Bạn đã từng phải thực hiện những đầu công việc được chốt khi bạn không có ở đó để đóng góp ý kiến của mình? Đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sếp đang tìm cách cô lập bạn trong công việc.
Hay thậm chí trong việc giao tiếp hàng ngày, sếp luôn tìm cách tách bạn ra khỏi đội. Ví dụ như, sếp sẽ mời tất cả mọi người đi ăn trưa, nhưng lại cố tình loại trừ tên của bạn ra khỏi danh sách. Nếu cứ tiếp diễn như thế, bạn sẽ cảm thấy không được coi trọng và dần đánh mất nhiệt huyết dành cho công việc.
Đọc thêm: Cách để người khác không làm phiền mình
Vậy cần làm gì khi bị sếp ghét?
Phải thừa nhận một điều rằng, bị sếp đì còn khó giải quyết hơn cả xích mích với đồng nghiệp. Khi nảy sinh mâu thuẫn với người cộng sự, bạn có thể nhờ đến sự can dự của sếp để đứng ra giải quyết. Vậy khi gặp vấn đề với cả sếp, bạn có thể nhờ đến ai đây?
Nói như thế không có nghĩa là “vô phương cứu chữa”. Vẫn có những cách thứ để bạn giải quyết vấn đề này thật thỏa đáng. Glints sẽ gợi ý để bạn biết cách làm gì khi bị sếp ghét!
Đọc thêm: Cách lấy lòng sếp – 7 Tips tạo ấn tượng tốt với sếp
1. Xác định rõ bạn có đang thực sự bị sếp ghét
Khi bạn dợn lên suy nghĩ rằng mình đang bị sếp ghét, bạn nên thật sự bình tâm và tỉnh táo. Vì đâu mà bạn lại nghĩ sếp đang “đì” mình? Liệu sếp có đang cố tình làm như thế hay không, hay chỉ là sự thiếu tinh tế trong cách quản lý cũng như giao tiếp với đồng nghiệp? Hay liệu có một nguyên nhân sâu xa nào đó từ phía bạn khiến sếp làm như thế?
Xác định rõ bạn có đang thực sự bị sếp ghét
Một lưu ý quan trọng ở đây là hãy vừa xác định rõ vấn đề, vừa tin vào trực giác của chính mình. Cảm giác ấy của bạn không hề sai và đừng đổ lỗi bản thân. Tuy nhiên, bạn cần xác định thực hư của vấn đề để có cách tiếp cận, trao đổi với sếp một cách thỏa đáng hơn.
2. Trao đổi trực tiếp với sếp
Điều này chưa bao giờ là dễ khi phải trực tiếp giải quyết những bất đồng với người khác, đặc biệt đó lại là sếp của bạn. Tuy nhiên, đây là một bước quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bị sếp ghét.
Có một số cách bạn có thể cho họ biết hành động của họ đang khiến bạn cảm thấy thế nào. Đầu tiên là qua email. Nếu có một sự cố nào đó đã xảy ra khiến cả hai xa cách, hãy gửi cho họ một tin nhắn ngắn gọn, cô đọng giải thích điều gì đã xảy ra và cảm giác của bạn.
Hãy diễn đạt lại cảm xúc của mình nhưng đừng vội vàng kết tội sếp đang bắt nạt bạn. Thay vào đó, hãy cư xử khéo léo bằng cách coi mọi chuyện chỉ là sự vô tình. Chẳng hạn như: “Em chắc rằng anh/chị không cố ý, nhưng…”.
Hoặc bạn cũng có thể mời sếp của mình vào một cuộc nói chuyện 1-1. Tại đây, hãy áp dụng tương tự như khi bạn gửi email, thành thật nói ra những cảm xúc của mình, những gì bạn cảm thấy sếp đã khắt khe với bạn. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ, đừng đổ lỗi hay kết tội cho họ.
Một cuộc nói chuyện trao đổi cởi mở không chỉ giúp sếp của bạn hiểu rằng hành động của họ, dù vô tình hay cố ý, đã có tác động tiêu cực tới bạn. Từ đó, họ sẽ cố gắng kiểm soát lại hành động và cảm xúc của mình, cũng như tôn trọng bạn hơn
3. Thu thập bằng chứng bị “bắt nạt”
“Nói có sách, mách có chứng” – Hãy luôn thận trọng thu thập những bằng chứng bạn bị tấn công cá nhân từ sếp của mình.
Chúng có thể là hình ảnh, tin nhắn được ghi chú rõ về thời gian và địa điểm cụ thể. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho bạn nếu cần làm việc với những người có trách nhiệm cao hơn, đặc biệt là nhân sự của công ty.
Bằng chứng phải đúng, xác đáng, và đáp ứng đủ tiêu chí để có thể được xem là công kích cá nhân và bắt nạt. Những thông tin mập mờ, không rõ ràng sẽ không chứng minh được điều gì, còn biến bạn trở thành người đa nghi khi làm to chuyện không đáng.
4. Nói chuyện với nhân sự và các cấp quản lý cao hơn
Bạn có thể nhờ sự trợ giúp từ bộ phận nhân sự để báo cáo về những vấn đề bạn gặp phải khi bị sếp ghét.
Họ sẽ giúp bạn xem xét các bằng chứng bạn cung cấp, cho bạn lời khuyên chính xác nhất về các quy định, chính sách của công ty trong trường hợp này, cũng như có những phương pháp hóa giải giữa đôi bên.
© Freepik.com
Tuy nhiên khi báo cáo lên nhân sự hoặc cấp trên, bạn hãy chắc chắn sẽ có thể giải quyết vấn đề một cách triệt để với sếp của mình để tránh tình trạng “bằng mặt không bằng lòng” sau này. Hãy chân thành nhận lỗi nếu điều đó xuất phát từ phía bạn, và cư xử bình thường với sếp sau tất cả.
5. Làm tốt công việc của bạn và không để bị ảnh hưởng bởi sếp
Làm gì khi bị sếp ghét luôn là một câu hỏi khó trả lời. Sẽ có rất nhiều cách thức khác nhau để giải quyết vấn đề này, nhưng một trong những cách hiệu quả nhất là làm tốt công việc của mình để không ai có thể soi mói hay chỉ trích nó.
Thông thường khi bị sếp ghét ra mặt, họ sẽ luôn tìm cớ để bắt lỗi và chỉ trích bạn. Tại thời điểm này, điều duy nhất bạn cần làm là luôn hoàn thành tốt công việc được giao một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, bạn cần có những lời nói và hành động để ngầm chứng minh rằng bản thân không hề có lỗi gì và xứng đáng được tôn trọng nhiều hơn.
6. Cân nhắc chuyện thay đổi công việc
Nếu sau tất cả mọi nỗ lực, tình hình vẫn không trở nên khả quan, đã đến lúc bạn cần cân nhắc việc gắn bó lâu dài với công việc đó.
Một môi trường làm việc luôn tồn tại vấn đề bắt nạt, bị “sếp tồi” ghét và bè phái không thực sự là một nơi phù hợp để phát triển hay tạo dựng các mối quan hệ.
Bạn có thể bắt đầu tìm kiếm những cơ hội tốt hơn với một môi trường làm việc phù hợp hơn để cảm thấy thoải mái nhất, không ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Đọc thêm: Những Thời Điểm Thích Hợp Để Bạn Nghỉ Việc
Bạn cũng có thể cân nhắc nói thật về lý do nghỉ việc với nhân sự để giúp công ty xây dựng môi trường công sở hòa đồng hơn trong tương lai.
Kết luận
Làm gì khi bị sếp ghét không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Tuy vậy, nếu bạn có trực giác nhạy bén, tinh tế cùng hành động thấu đáo, bạn có thể dễ dàng vượt qua khó khăn này trong công việc. Trong những tình huống như thế, bạn cần nằm lòng “câu thần chú” này: Bạn luôn luôn xứng đáng được đối đãi tốt hơn trong cả công việc lẫn cuộc sống!
Bài viết có hữu ích đối với bạn?
Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn
Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!
Tác Giả
Tran Le The Bao
Hi, I’m Bao, a Content Writer. Welcome to my tiny world at Glints where you can figure out many useful articles ❤️
See author’s posts