Bạn thường bỏ bữa ăn vì quá bận rộn? Bạn có kế hoạch bỏ bữa sáng, bữa trưa hoặc bữa tối để giảm cân? Nếu đang có thói quen “xấu xí” này thì nên dừng lại ngay, bởi tác hại của việc bỏ bữa ảnh hưởng rất nhiều cho sức khỏe mà bạn không tưởng.
Khả năng ghi nhớ và sức tập trung kém
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi bạn đói, việc cung cấp glucose vào não bị giảm nên gây ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng ghi nhớ và sức tập trung. Đây là lý do tại sao học sinh, sinh viên không nên bỏ bữa, bởi nếu bỏ bữa ngày hôm đó thì bạn sẽ không thể tiếp thu kiến thức cũng như làm việc hiệu quả được.
Nhức đầu và mệt mỏi
Bỏ qua bữa ăn có thể làm giảm lượng đường trong máu của bạn, đồng thời khiến cơ thể bạn giải phóng các hormone làm hẹp động mạch và tăng huyết áp. Do đó, nếu nhịn ăn thì bạn có thể bị nhức đầu, mệt mỏi và buồn nôn.
Tâm trạng thay đổi thất thường
Khi bạn bỏ qua bữa ăn, cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng, lượng đường trong máu biến động nên chức năng cảm xúc của bạn thay đổi. Ngoài ra, khi quá đói, cơ thể sẽ giải phóng adrenaline và các hormone khác để thay cho năng lượng cần thiết. Chính các loại hormone này gây ra nhiều căng thẳng hơn cho cơ thể và tinh thần. Từ đó cơ thể sẽ trở nên cáu kỉnh và dễ buồn chán. Sự thay đổi tâm trạng thất thường này khiến bạn khó chịu và không vui cả ngày nên làm gì cũng thấy mệt mỏi, uể oải, kết quả thu được sẽ không cao.
Hơi thở có mùi
Bỏ bữa ăn làm giảm lượng nước bọt trong miệng và gây chứng khô miệng. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển và sinh sôi nên hơi thở cũng nặng mùi hơn. Vì vậy, để ngăn ngừa chứng hôi miệng hiệu quả thì bạn không nên bỏ ăn cho dù chỉ một bữa bạn nhé.
Ảnh hưởng trao đổi và tăng cân dễ dàng
Khi bạn đói hoặc bỏ bữa, tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể thấp hơn. Đó là lý do tại sao cơ thể không đốt thêm calories mà thay vào đó lưu giữ chúng như chất béo. Do đó, chỉ cần bỏ ăn một bữa thì không chỉ khiến sự trao đổi chất giảm sút mà còn có thể dẫn đến tăng cân dễ dàng hơn.
Tăng nguy cơ bệnh tiểu đường
Bỏ bữa ăn làm cho tế bào gan ngừng đáp ứng với insulin – một loại hormone chịu trách nhiệm phá vỡ đường. Điều này có nghĩa là gan không nhận được tín hiệu để ngừng sản xuất glucose và tiếp tục bơm glucose vào máu. Lượng đường dư thừa này tích tụ trong máu lâu dài có thể gây ra bệnh tiểu đường loại 2 khó chữa.
Nguồn: Boldsky