Chuyên gia UN Women Việt Nam khẳng định băng vệ sinh, tã, bỉm là mặt hàng thiết yếu và việc thiếu hụt nguồn cung sẽ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe nhóm yếu thế trong xã hội.
Đảm bảo chuỗi cung ứng là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, những ngày qua, việc kiểm soát hàng hóa thiếu nhất quán ở nhiều địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận chuyển. Ở một số nơi, xe chở băng vệ sinh, tã, bỉm bị chặn với lý do không nằm trong danh sách hàng hóa thiết yếu.
Bình luận với Zing về vấn đề này, bà Vũ Phương Ly, chuyên gia cao cấp của UN Women Việt Nam, cho biết nếu việc tắc nghẽn không sớm được tháo dỡ, mặt hàng này có thể thiếu hụt trên thị trường, dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, để lại hệ lụy lâu dài với sức khỏe phụ nữ, trẻ em gái nói riêng và người dân nói chung.
Băng vệ sinh, tã, bỉm là mặt hàng thiết yếu
– Băng vệ sinh, tã, bỉm có phải mặt hàng thiết yếu không và tại sao?
– Tôi rất buồn và ngạc nhiên khi nghe được thông tin về việc cấm vận chuyển băng vệ sinh, tã, bỉm vào một số tỉnh thành. Băng vệ sinh hiện là hình thức phổ biến nhất ở Việt Nam, được hầu hết phụ nữ và trẻ em gái sử dụng cho kỳ kinh của mình.
Tương tự, bỉm và tã cũng là hình thức được nhiều gia đình sử dụng để chăm sóc vệ sinh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người già nhằm giải phóng sức lao động cho phụ nữ và người trông trẻ, cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường sống của gia đình.
Bà Vũ Phương Ly, chuyên gia cao cấp của UN Women. Ảnh: UN Women Việt Nam.
Hiện Việt Nam không có nhiều mặt hàng có thể thay thế băng vệ sinh hay bỉm, tã được làm sẵn, nhất là ở khu vực đô thị. Do đó những mặt hàng này đang là mặt hàng thiết yếu nhất và không thể thiếu đối với phụ nữ, trẻ em gái vị thành niên và trẻ nhỏ để sử dụng hàng ngày.
Nếu không có chúng, cuộc sống của mọi cá nhân và gia đình sẽ bị đảo lộn, đặc biệt trong bối cảnh cách ly tập trung hoặc sống ở khu vực bị phong tỏa vì dịch bệnh, dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài về sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em gái nói riêng và người dân nói chung.
– Theo bà, danh mục hàng hóa thiết yếu đã hợp lý chưa? Liệu có nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nào mà chúng ta bỏ quên nhu cầu của họ khi đề ra danh sách này?
– Dịch Covid-19 mang tính chất toàn cầu, và tính khó đoán của các chủng virus làm cho nhiều quốc gia lúng túng, trong đó có Việt Nam. Việc phong tỏa và giãn cách xã hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi tính đến yếu tố cần và đủ cho người dân trong mọi hoàn cảnh khủng hoảng, danh sách mặt hàng thiết yếu trên có thể chưa được áp dụng hợp lý ở từng tỉnh.
Vấn đề ở đây là cần phải có sự nhạy cảm trong quá trình thực hiện một số chính sách sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của các nhóm công dân trong mọi điều kiện khủng hoảng như tình trạng dịch bệnh hiện nay.
Chẳng hạn, trong các địa phương đang thực hiện chỉ thị 15 và 16, hiện chỉ có tỉnh Đồng Nai xem băng vệ sinh, tã, bỉm là mặt hàng thiết yếu và nêu trong văn bản hướng dẫn.
Tôi hy vọng cách làm hay của các nhà lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sẽ là ví dụ tốt cho các tỉnh để tham khảo và để đảm bảo việc phòng chống dịch Covid-19 thành công hơn, phòng ngừa và bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái, và trẻ em nói chung trước những tác hại không đáng có về bệnh tật và tâm lý, gây ra nhiều phí tổn khác về y tế cho cả gia đình và nhà nước sau này.
Chính phủ cũng có thể cùng các địa phương cấp tốc xây dựng danh sách hàng thiết yếu được lưu thông và sử dụng trong khủng hoảng để đảm bảo không nhóm dân nào bị bỏ quên, ví dụ như người mang bệnh nền, người tàn tật, người có nhu cầu hỗ trợ về y tế thường xuyên,…
Chúng tôi khẳng định băng vệ sinh, bông vệ sinh, tã bỉm, cốc nguyệt san hay dung dịch vệ sinh phụ nữ và vật dụng là mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, các sản phẩm khác nhằm bảo vệ sức khỏe, phòng chống mang thai ngoài ý muốn và bệnh lây truyền qua đường tình dục như bao cao su cũng cần được xem xét và đưa vào danh mục này.
Băng vệ sinh, tã, bỉm nên được xếp vào mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Nhật Sinh.
Thay đổi cách suy nghĩ
– Nhiều nhân viên y tế là phụ nữ phải làm việc cả ngày nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm vệ sinh. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
– Chúng ta cần lưu ý là phụ nữ chiếm đến 70% trong nhóm ngành phục vụ y tế. Do đó, việc đảm bảo nhu cầu của từng nhóm phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là các nhân viên y tế, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, là vô cũng quan trọng và cần lưu tâm.
– Lệnh hạn chế cùng giãn cách khiến một số nơi không thể sản xuất và ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, có thể dẫn đến thiếu hụt sản phẩm ở nhiều tỉnh thành. Bà có kiến nghị gì để hạn chế tình trạng này?
– Do tác động Covid-19, có rất nhiều mặt hàng không đủ nguồn cung. Chẳng hạn, bao cao su được sản xuất nhiều ở Malaysia và xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Tuy nhiên, do đại dịch bùng phát, hàng hóa không thể đến được một số nơi. Tương tự, các vấn đề cũng được đặt ra ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, tôi thấy Việt Nam may mắn hơn bởi chúng ta có khả năng sản xuất mặt hàng ngay trong nước. Chẳng hạn, nhiều công ty đang sản xuất và xuất khẩu băng vệ sinh ở Việt Nam, cho nên khó xảy ra tình trạng thiếu hụt.
Điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần đảm bảo tính lưu thông hàng hóa để các mặt hàng được vận chuyển tới người sử dụng. Việc thay đổi cách suy nghĩ, cách tiếp cận với mặt hàng thiết yếu là điều cần làm trước mắt để hàng hóa có thể đến tay nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
Gia tăng tiếng nói của nữ giới
– Vấn đề băng vệ sinh, tã và bỉm không được xếp vào danh sách thiết yếu ở một số tỉnh có phải do đa phần người ra chính sách là nam giới?
– Có nhiều yếu tố lý giải điều này, do đó mà đề xuất của chúng tôi là đảm bảo tiếng nói của phụ nữ ở nhiều cấp độ khác nhau trong cơ quan đoàn thể, và ngay cả trong ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Việc có tiếng nói của những người phụ nữ trong tiến trình ra quyết định rất quan trọng.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cần xem xét phân tích, báo cáo, tác động liên quan đến bình đẳng giới để đưa ra quyết định hợp lý đối với các nhóm xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Nếu việc tắc nghẽn hàng hóa như băng vệ sinh, tã, bỉm không sớm được tháo dỡ, mặt hàng này có thể sớm thiếu hụt trên thị trường. Ảnh: Nhật Sinh.
– Đại dịch và các biện pháp giãn cách đã tạo ra tình trạng đặc biệt mà những người chịu thiệt thòi nhất là các nhóm vốn yếu thế, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Bà có khuyến nghị gì để cải thiện trong ngắn hạn những khó khăn đối với họ không?
– Việt Nam đã phần nào đảm bảo được sự an toàn của dân chúng nói chung và phụ nữ cùng trẻ em gái nói riêng trong quá trình chống dịch. Tuy nhiên, từ góc độ bình đẳng giới và bảo vệ sự an toàn của các thành viên trong cộng đồng, tôi xin đưa ra một số khuyến nghị như sau.
Thứ nhất, cần đảm bảo sự tham gia của lãnh đạo nữ từ các cấp khác nhau trong bộ ngành liên quan quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực thi nghị định, pháp lệnh và luật giải quyết tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, thiên tai,…
Thứ hai, cần nâng cao nhận thức của người dân để họ ý thức được tác động không mong muốn đến cá nhân, gia đình và xã hội trong thời gian giãn cách.
Thực tế, quá trình chúng ta thực hiện các biện pháp này có thể gây ra hoặc làm tăng tình trạng bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử với phụ nữ, bạo lực gia đình. Phụ nữ phải làm việc nhiều hơn và vất vả hơn trong việc duy trì gia đình, trông nom người ốm và trẻ nhỏ trong thời điểm giãn cách, mất việc làm, mất thu nhập ổn định, mất nơi ở,…
Bằng chứng trên thế giới và Việt Nam cho thấy vấn đề bạo lực đối với phụ nữ gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh và mọi người ở nhà cùng nhau, cùng đối mặt với những căng thẳng tâm lý, nỗi lo lắng về sự an toàn.
Liên Hợp Quốc gọi đây là “đại dịch bóng” bởi nó xảy ra phổ biến đối với quá nhiều nhóm xã hội. Vì vậy, cần xem xét các dịch vụ thiết yếu như y tế, tư pháp hành pháp, đường dây nóng,… để đảm bảo phụ nữ và trẻ em không bị đơn độc và bị bỏ rơi giữa đại dịch
Ứng phó Covid-19 là điều chưa từng có trong tiền lệ, quá trình này đưa ra cho chúng ta thêm nhiều bài học trong khủng hoảng. Do đó, cần hoàn thiện hơn thể chế luật pháp liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong tình trạng khẩn cấp do thiên tai, bệnh dịch. Cần sự tham gia của các nhóm yếu thế trong quy trình thực hiện chính sách nhằm đảm bảo việc tái thiết hiệu quả sau khi cuộc sống bình thường trở lại.