Đến với những ngôi nhà sàn trong bản của người Tày, du khách sẽ được thưởng thức món ngon dân dã nhưng cũng không kém phần độc đáo, đó chính là món bánh nếp nhân trứng kiến.
Người Tày gọi loại bánh này là Pẻng Lăng Lay với nguyên liệu chính được làm từ trứng kiến với bột gạo nếp và lá ngõa- một loại lá cây rừng cùng họ với lá sung. Khi tiết trời ấm áp, vào khoảng tháng ba âm lịch cho đến tháng 7, người Tày lên rừng tìm trứng kiến để chế biến bánh.
Việc tìm nhộng kiến khá vất vả vì phải cất công lên rừng già, trèo lên thân cây to hoặc bụi rậm để lấy tổ kiến. Người Tày chỉ lấy trứng của loại kiến đen mà họ thường gọi là tua rày, kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn.
Loại kiến này đi lại khá nhanh và thường làm ổ trên cây vầu, cây xoan, cây quế, cây găng. Tổ của chúng màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục được làm từ lá cây mục và kết chặt vào những cành cây. Để tìm được một tổ kiến ngon và nhiều chất dinh dưỡng phải lựa chọn tổ có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài, khi nào lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì trứng kiến bên trong sẽ rất nhiều và ở độ căng tròn mọng sữa.
Tùy vào kích thước của từng tổ mà số lượng trứng kiến nhiều hay ít, có tổ lấy được một bát, nhưng có tổ lớn lấy được ba, bốn bát. Trứng kiến lớn bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, được mang về để chế biến thành nhân bánh.
Một chiếc bánh ngon phải có nhân là trứng kiến nguyên chất, chỉ cần hành phi thêm chút mỡ và muối không trộn thêm các nguyên liệu khác. Tuy nhiên, trứng kiến ngày càng hạn chế nên người ta đã cho thêm thịt heo băm nhỏ, hành khô, vừng hay lạc rang giã nhỏ làm nhân cùng với các gia vị khác tạo vị mặn cho bánh.
Bột nếp có thể làm từ bột khô hoặc bột ướt, pha thêm một chút bột tẻ để bánh không nhão hay quá dẻo. Sau khi bột ráo nước, đem trộn nhào với bột canh, mỳ chính. Đặt lá ngõa vào mẹt, sau đó dát mỏng bột vừa phải, dày cỡ nửa phân. Tiếp đến là cho trứng kiến đã rang phi với hành, thịt lợn băm nhỏ.
Trộn đều với vừng rang giã nhỏ. Rải đều trên mặt miếng bột, rồi cho tiếp bột nếp, lá ngõa thêm lần nữa. Ép nhẹ nhàng cho mặt bánh phẳng đều, rồi hấp cách thủy cho tới chín. Bánh trứng kiến khi thưởng thức sẽ mang lại nhiều cảm nhận dư vị khác nhau. Có vị béo ngậy của nhộng kiến, vị dẻo của bột nếp, vị ngai ngái của lá ngõa. Tất cả hòa quyện làm nên vị đặc trưng vừa lạ, vừa hấp dẫn.