GDVN- Phần trăm được hưởng khi bán được các loại sách bổ trợ, các cuốn vở bài tập, hoa hồng cho những cuốn sách thuộc danh mục tham khảo này, có khi lên đến 50%.
Một bộ sách giáo khoa của Chương trình giáo dục 2018 được các nhà xuất bản công bố với giá trên dưới 200 ngàn đồng. Mức giá này cũng đã khá cao (gấp 2 đến 3 lần) giá sách giáo khoa cũ.
Tuy nhiên, ít khi phụ huynh có thể mua được bộ sách khoảng trên 10 cuốn (chúng tôi gọi là sách chay vì không có sách bổ trợ và vở bài tập đi kèm). Nhiều nhà sách ở các địa phương thường ép phụ huynh phải mua nguyên bộ (trên dưới 30 cuốn).
Bán nguyên một bộ sách giáo khoa kèm bài tập, không bán lẻ
Một số phụ huynh đã chia sẻ với người viết, đầu năm có đăng ký mua bộ sách giáo khoa ở nhà trường. Tuy nhiên, con học được ít tuần thì đánh mất một cuốn sách tiếng Việt.
Mặc dù đã đi khắp thị xã để tìm mua một cuốn sách Tiếng Việt nhưng nhiều nhà sách lắc đầu từ chối vì không bán lẻ. Lý do họ đưa ra, bán lẻ một cuốn rồi những cuốn còn lại bán cho ai?
Không thể để con đến lớp học mà không có sách, cũng không thể mượn ai sách cũ để học vì đây là sách của chương trình mới năm nay. Chị phụ huynh nói rằng, mình đành phải cắn răng móc hầu bao tới mấy trăm ngàn để lấy nguyên bộ sách giáo khoa về mà cũng chẳng biết để làm gì.
Nói rồi chị kể ra, nào là vở bài tập Âm nhạc, Mỹ thuật, Tự nhiên và xã hội, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm… họ đều cột chung vào một bộ sách bắt phải mua hết.
Mặc dù chị nói, thầy cô cũng chỉ dạy thêm vào 2 cuốn vở bài tập Toán và bài tập Tiếng Việt, còn những cuốn vở bài tập khác sẽ không bao giờ được dùng đến nhưng nhà sách không chịu, cũng đành phải lấy luôn.
Một số phụ huynh chuyển trường cho con phải thay bộ sách khác cũng gặp cảnh tương tự. Nhiều nơi đã hết sách, nơi còn thì ép phải mua nguyên bộ.
Thế là họ chỉ có 2 quyền lựa chọn, hoặc là không mua thì con sẽ không có sách học, hai là phải chấp nhận mua cả những cuốn sách, cuốn vở không dùng đến.
Thế là, bộ sách giáo khoa tiểu học chỉ hơn mười cuốn (khoảng 15 cuốn trung học) thì phải cõng gấp đôi số từ 20 đến 30 cuốn sách.
Không chỉ riêng địa phương người viết, một vài đồng nghiệp giảng dạy tại Đắk Lắk cũng đã bức xúc về câu chuyện phải mua nguyên bộ sách, nếu không đồng ý cửa hàng sẽ không bán.
Thầy giáo M.Th. tại Đắk Lắk kể rằng: “Tôi đến một hiệu sách tư nhân của huyện định mua vài cuốn sách giáo khoa lớp 6 cho con để về cháu xem bài trước nhưng nhà sách nhất định không bán.
Họ đã soạn sẵn một bộ sách giáo khoa. Điều đáng nói là, bộ sách có tới 30 cuốn trong đó sách bài tập đã chiếm một nửa (15 cuốn)”.
Chị Hoa một công nhân lao động phổ thông nơi đây cũng có con vào lớp 6 năm học này cho biết: “Tôi chỉ muốn mua sách giáo khoa thôi nhưng nhà sách không chịu, họ bảo mua thì mua cả bộ nếu mua lẻ sẽ không bán. Mua cả bộ đồng nghĩa với việc phải mua tất cả sách bài tập mà có những cuốn sách bài tập chắc chắn sẽ không bao giờ dùng đến”.
1 bộ sách giáo khoa chị Hoa mua có giá 245 ngàn đồng nhưng mua luôn cả sách bài tập giá sách lên tới hơn 561 ngàn đồng. Vậy là, phụ huynh, học sinh phải mất thêm 316 ngàn đồng để mua sách bài tập.
Chị Hoa cũng cho biết nhà không chỉ có một con đi học, chỉ mua sách giáo khoa cho 2 con số tiền phải bỏ ra hơn cả triệu đồng.
Tại sao lại có cảnh độc quyền trong bán sách giáo khoa?
Rõ ràng, buộc phụ huynh mua nguyên bộ sách giáo khoa gần 30 cuốn (một nửa trong số đó là vở bài tập) cửa hàng sách chỉ vì lợi nhuận của mình mà không cần quan tâm đến quyền lợi của khách hàng.
Họ vẫn biết một số cuốn sách, cuốn vở bài tập sẽ không bao giờ dùng đến nhưng vì lợi nhuận người bán vẫn lạnh lùng ép phải mua.
Một chủ cửa hàng sách đã từng chia sẻ với người viết về % được hưởng khi bán được các loại sách bổ trợ, các cuốn vở bài tập. Hoa hồng cho những cuốn sách thuộc danh mục tham khảo này, có khi lên đến 50%.
Sẽ có người thắc mắc, nếu họ ép phải mua nguyên bộ thì đừng mua, đến cửa hàng khác để mua, trăm người bán, vạn người mua mà sợ gì?
Đó là thời còn những bộ sách giáo khoa của chương trình cũ. Còn bây giờ, bạn không mua chỗ này mà đến chỗ khác gần như cũng vậy thôi, may mắn lắm tìm được cửa hàng không bán ép nhưng đôi khi lại không đủ sách để bạn chọn lựa.
Khi được hỏi, một chủ cửa hàng sách lý giải, trước đây cả nước dùng chung một bộ sách nên bán năm nay không hết để sang năm, năm nữa…vẫn không sợ. Nay có nhiều sách nên mỗi năm sợ lại thay một bộ sách khác thì sách ế không biết bán cho ai nên không dám lấy nhiều về bán.
Vì thế, chỉ những cửa hàng sách lớn mới dám nhập nhiều sách giáo khoa về nên họ luôn có nguồn sách sẵn và dễ ép người mua phải theo ý người bán. Vì thế, luôn xảy ra tình trạng bán độc quyền sách giáo khoa mới.
Cách nào để phụ huynh mua đúng sách giáo khoa cần thiết?
Từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường học tại thị xã La Gi đã đưa sách giáo khoa về bán cho phụ huynh.
Giá bán đúng báo giá của nhà xuất bản. Điều đáng nói là, phụ huynh có quyền chọn đầu sách để mua, có thể mua lẻ theo cuốn, mua nguyên bộ…
Trước khi mua, luôn được tư vấn kỹ càng để loại bỏ những cuốn sách, cuốn vở không thật sự cần thiết. Bởi thế, phần lớn phụ huynh sẽ không bị mất khoản tiền oan vì mua về mà không dùng được.
Tuy nhiên, trường học cũng chỉ lấy sách bán cho những phụ huynh đã đăng ký từ trước. Vào năm học mới, những cuốn sách, cuốn vở bài tập còn sẽ được trả lại cho đơn vị cung cấp. Vì thế, học sinh có lỡ bị mất sách, làm bẩn sách hoặc có em chuyển trường nơi khác đến muốn mua sách sẽ không có.
Nếu ra cửa hàng bên ngoài mua, học sinh hay phụ huynh lại gặp cảnh ép phải mua nguyên bộ gây lãng phí mà người viết đã phản ảnh ở trên.
Nếu mỗi trường học đều có một tủ sách giáo khoa dùng chung sẽ giải quyết tốt những bất cập này. Tuy nhiên, mỗi bộ sách giá lên đến hơn 200 ngàn đồng thì nhà trường không thể có kinh phí mua sách dự trữ được.
Nếu như các nhà xuất bản khi bán sách cho các địa lý có thêm một điều khoản không được ép khách hàng mua nguyên bộ sách mà có thể mua theo nhu cầu thì may ra lúc đó, phụ huynh mới thoát khỏi việc ép mua cả bộ sách.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Đỗ Quyên