Bát Tràng – lấp lánh hồn quê làng nghề

Bát Tràng – lấp lánh hồn quê làng nghề

Gốm Bát Tràng hình thành làng nghề khoảng 500 năm nay, nằm bên tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 10 km. Với hàng ngàn gian hàng, xưởng sản xuất, Làng gốm Bát Tràng thu hút và hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế bởi sự phong phú, nổi tiếng của sản phẩm, bởi chính văn hóa kinh doanh nội tại. 

 

Tên Bát Tràng hình thành từ thời Lê, thế kỷ XVI, bằng sự hội nhập giữa 5 dòng họ gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh: Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm. Họ dời làng di cư về phía kinh thành Thăng Long và dừng chân tại vùng 72 gò đất sét trắng làng Minh Tràng lập nghiệp. Địa danh Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng) có từ đó để nghề gốm phát triển thành Bát Tràng về sau.

 

Những người thợ gốm tỉ mẩn thổi hồn vào sản phẩm. Ảnh: M.Đạo

Những người thợ gốm tỉ mẩn thổi hồn vào sản phẩm. Ảnh: M.Đạo

Thổi hồn cho đất thăng hoa 

 

Cũng như nghề khác, gốm Bát Tràng qua nhiều thăng trầm hưng suy, nhưng rồi giữ được là một trong 10 làng nghề truyền thống kết tinh những giá trị văn hóa – nghệ thuật của vùng địa linh nhân kiệt Tràng An: lụa Vạn Phúc, hoa Tây Lựu, quạt Chàng Sơn, đúc đồng Ngũ Xá… Hơn thế, Làng gốm Bát Tràng là 10 làng nghề nổi bật nhất ở Việt Nam, cùng với Làng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh); Làng Lụa Hà Đông (Hà Nội); Làng trống Đọi Tam (Hà Nam); Làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng); Làng thúng chai Phú Yên (Phú Yên); Làng nghề làm muối Tuyết Diêm (Phú Yên); Làng cói Kim Sơn (Ninh Bình); Làng nghề Sơn Đồng và Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (Hà Nội).   

 

Những sản phẩm gốm cao cấp của Bát Tràng phải kỳ công qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ chọn đất sét, xử lý đất, phơi sấy để có xương chuẩn nhất, đến trang trí và vẽ hoa văn, tạo công thức men, tráng men, sửa hàng men, rồi vào khuôn mộc, cuối cùng là công đoạn nung… “Nhất xương, nhì da thứ ba đến lửa”, đó là đúc kết của nghệ nhân gốm Bát Tràng. Tôi đến với Làng gốm Bát Tràng đã nhiều lần, lần nào cũng cảm nhận sự mới mẻ tiềm ẩn trong những con ngõ rất hẹp, đượm rêu phong và cổ kính. Cơ man loại hình và sắc màu sản phẩm gốm được sắp xếp khắp nơi, tầng tầng lớp lớp. Những cặp lộc bình to bằng thân người; những chum, chóe, thạp, “củ tỏi”, “củ kiệu” cao thấp, to nhỏ; những ấm chén, bát, đĩa, bình hoa, chân đèn, lư hương, con vật, đồ lưu niệm… Những men ngọc, men hoa lan, men rạn, men chảy, men rau, men đá… với các sắc màu trắng, lam, nâu, xanh, tím, vàng, đỏ, đen… Gốm mỹ thuật, gốm sứ công nghiệp, đồ giả cổ, gốm xây dựng cao cấp… Cách tạo hình, bố cục nhẹ nhàng, nét vẽ phóng khoáng; những đường nét, hoa văn dung dị và thanh thoát. Vật phẩm nào cũng có hồn vía của cơ thể sống, tồn tại trong luật tương sinh ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trần Văn Sáu – anh thợ của cơ sở gốm Trần Độ vừa chăm chú tỉ mẩn tỉa tót hoa văn những con chim Lạc như mặt trống đồng Ngọc Lũ vừa nói với tôi: “Để đạt cái hài hòa của bố cục và gam màu thanh nhã cần phải đặt được sự tinh tế của hồn người vào đây chú ạ”. Vâng, thổi hồn cho đất bằng kỳ công những bàn tay hoa!

 

Gốm sứ Bát Tràng trở thành sản phẩm đặc biệt không chỉ của mọi nhà người Việt mà còn “cất cánh” đến nhiều quốc gia châu Âu, châu Á, châu Mỹ… Người ta sắm một món đồ gốm Bát Tràng không chỉ là một đồ dùng, đồ trưng mà còn gửi gắm vào đó như là một kỷ vật quý, chất chứa và đậm dấu ấn của một vùng văn hóa thẳm sâu… Gốm Bát Tràng hội đủ cả hai yếu tố về văn hóa: vật thể và phi vật thể. 

 

Ngược dòng sử với gốm Trần Độ 

 

Lần nào đến Bát Tràng tôi cũng bước vào gian hàng và xưởng của nghệ nhân Trần Độ. Năm nay anh tròn 60 tuổi, xưởng gốm của anh tròn 30 năm. Năm 1987, lập gia đình, Trần Độ quyết định không làm công cho xí nghiệp nữa mà mở lò sản xuất gốm. Nhưng tiếng tăm trở thành “vua men gốm Bát Tràng” như hôm nay anh mất gần 20 năm mày mò. Đó là quá trình “ngược dòng” tìm công thức men cổ của những thế kỷ trước. Bây giờ, trong tay Trần Độ đã tạo được hơn 70 loại men quý, trong đó anh phục chế thành công bóng dáng gốm men ngọc thế kỷ XI, gốm hoa nâu thời Lý, gốm hoa lam thời Mạc, gốm men nhiều màu thời Hậu Lê, thời Nguyễn… Riêng dòng men ngọc, anh tạo được 12 công thức pha chế để có 12 biến tấu vừa cổ vừa tân. Gam men nâu trầm bóng của Trần Độ chưa từng có ở Bát Tràng. Men với anh là ngôn ngữ vừa thực tại đời thường vừa thoát tục bay bổng như anh tâm sự. Sản phẩm gốm Trần Độ ngày càng đạt độ tinh xảo và hội đủ bốn yếu tố: nhất dáng, nhì men, tam tích, tứ họa. Anh giảng giải: “Một sản phẩm đầu tiên phải dựng được dáng, sau đó mới tính chuyện phủ men bên ngoài cho phù hợp. Nhưng sản phẩm đó cũng cần gắn với một tích chuyện và những họa tiết minh họa thì mới có giá trị lâu bền”. Đúng như cô gái giao dịch Nguyễn Thị Hằng khẳng định với tôi: “Anh cứ ra ngoài tìm mà xem, em chắc chắn không có sản phẩm nào giống của gốm Trần Độ cả!”.

 

Không phụ lòng đam mê, năm 2004, sản phẩm gốm Trần Độ được Chính phủ đặt chế tác bình rượu giả cổ triều Lê-Mạc để làm quà tặng cho các đại biểu dự Hội nghị cấp cao ASEM 5. Một năm sau, anh lại được Văn phòng Chính phủ đặt 219 món với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Nghệ thuật. Những sản phẩm này được Thủ tướng Phan Văn Khải mang sang Mỹ và Canada làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia và các chính khách. Tài năng của anh còn được tỏa sáng thông qua việc phục dựng hơn 50 hiện vật cổ khác để cung tiến cho đền Vua Lê, đền Đô, đền Hùng, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Cố đô Huế… Đó là ý thức “uống nước nhớ nguồn” như anh chia sẻ.

 

Trần Độ xứng đáng được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân duy nhất của làng gốm Bát Tràng cùng với nhiều giải thưởng như Huy chương “Bàn tay vàng” do Liên hiệp HTX Thủ công nghiệp Trung ương tặng, “Đôi bàn tay vàng” của Hội Mỹ thuật Đông Dương, “Ngôi sao Việt Nam của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2016, anh còn là một trong chín công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội. 

 

Ngọt ngào lời mời gọi 

 

Tôi ấn tượng một nét văn hóa kinh doanh của người Làng gốm Bát Tràng là bất kỳ khách nào đến với các gian hàng đều được chủ nhân đon đả mời: “Mời (bác, cô, anh, chị, cháu…) vào ngắm hàng đi ạ!”. Ngắm thỏa thuê, mua hay không thì tùy, khách chẳng bị những cái nhìn hay lời nói khó chịu. Du khách không chỉ hỏi về các sản phẩm mà còn hỏi địa chỉ gian hàng, đường đi lối lại… đều được tận tình hướng dẫn cụ thể. Tôi còn nhớ, sau khi mua một chiếc bình và đã rời khỏi khu chợ thì gặp lại chị Ngọc Xuân, chủ gian hàng Ngọc Xuân đi lấy hàng cho nhóm người từ Quảng Ngãi ra nhận để mở đại lý, chị xởi lởi ngọt ngào với tôi: “Hôm nào bác lại đến chỗ em mua hàng nữa nhé”. Cái tinh tế của gốm luôn phả vào mọi người phục vụ. Nếp ứng xử giao tiếp ấy càng tôn thêm những nét đa sắc đa thanh lung linh từ Làng gốm Bát Tràng cuốn hút mỗi du khách. 

 

Làng Bát Tràng ngày nay được mở rộng và chia làm hai khu, làng mới và làng cổ. Tháng 10/2004 chợ gốm Bát Tràng được khai trương với gần 1.000 hộ tham gia các gian hàng trên diện tích hơn 5.000 m². Nó là nơi giao thương của làng, vừa là điểm tham quan nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Sản phẩm gốm sứ cũng nhờ đó lan tỏa theo “tiếng lành” đến khắp nơi trên thế giới. Một vùng nghề lấp lánh và sống động, tiềm tàng và gợi mở nhiều lý thú từ những nắm đất quê hương nước Việt! 

 

Để ủng hộ sự “cất cánh” của một làng nghề nổi tiếng, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án quy hoạch phát triển Làng gốm Bát Tràng. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 116 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2015 – 2018. Bước đi này nhằm cụ thể hóa chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch đi đôi với phát triển làng nghề truyền thống. Chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, tích cực khai thác và mở rộng thị trường; đăng ký, xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, xây dựng văn minh thương mại, tạo nét đẹp văn hóa riêng…

 

Trở về Đà Lạt – Lâm Đồng, tôi nghĩ, vùng đất này cũng có ba làng nghề trồng hoa và những nghề truyền thống khác. Ưu thế của Đà Lạt còn là điểm du lịch nổi tiếng với “chứng chỉ” xanh-sạch-đẹp, hiền hòa mến khách. Định hướng của Đà Lạt là phát triển theo một đô thị đặc thù của một vùng ưu thế về khí hậu, sinh thái, kiến trúc, địa hình… Mũi nhọn kinh tế của vùng đất này là du lịch – dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…Để những lĩnh vực này trở thành kinh tế động lực của địa phương, cần đặc biệt quan tâm đến nhiều vấn đề, từ đa dạng phong phú về sản phẩm du lịch, tính bài bản quy củ của làng nghề đến văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử… Có như thế Đà Lạt mới trở thành bức tranh hấp dẫn và nhiều thiện cảm đối với du khách trong nước và quốc tế. Thương hiệu Đà Lạt phải được kết tinh chính từ văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của một vùng có thế mạnh về địa kinh tế và chủ nhân của nó.

 

Bút ký: MINH ĐẠO 

Rate this post

Viết một bình luận