Bộ Nông nghiệp Mỹ đang xem xét đưa cá tra và cá basa của Việt Nam vào danh mục cá da trơn, catfish, đặt cá xuất khẩu của Việt Nam dưới chế độ kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt.
Chuyên gia nói chế độ này sẽ gây khó khăn cho công ty Việt Nam vì chúng khó thực hiện, trong khi chí phí bỏ ra khá lớn, chưa kể tốn thời gian để lập hệ thống kiểm tra.
Trao đổi với BBC ngày 22/5 ông Nguyễn Hữu Dũng Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam gọi đây là hàng rào thương mại mới.
Nguyễn Hữu Dũng: Cái việc mở rộng định nghĩa của catfish ra bao gồm cá Pangasius là cái việc chúng tôi coi là hàng rào thương mại
Bởi vì trước đây cũng chính quốc hội của Mỹ vào năm 2002 đã thông qua điều luật cấm Việt Nam cũng như các nước khác bán các sản phẩm không phải là cá nheo của Mỹ tại thị trường Hoa Kỳ dưới tên gọi là catfish. Mục đích của việc ấy nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu cá tra cá basa sang Hoa Kỳ.
Việt Nam đã phải bán cá đúng tên gọi của mình là cá tra, basa. Và cá swain, như là cái tên của người tiêu dùng Hoa Kỳ đã gọi. Việc này đã diễn ra sáu bảy năm nay rồi. Còn bây giờ một số người Mỹ muốn tiếp tục ngăn cấm việc xuất khẩu cá tra cá basa sang Hoa Kỳ, đó chẳng khác gì lập ra hàng rào thương mại.
BBC: Ông nhận xét ra sao khi báo Wall Street Journal kêu gọi tổng thống Obama can thiệp để ngăn cuộc chiến bảo hộ?
Nguyễn Hữu Dũng: Bài báo trên tờ Wall Street Journal gọi đây đây là hành động bảo hộ. Tôi biết chính sách mới của tổng thống Mỹ Barak Obama là để tạo dáng cho đường lối đối ngoại của Mỹ, sao cho cởi mở hơn, thiện chí hơn với thị trường. Và với các đối tác thương mại của Mỹ. Việc một số người muốn mở rộng định nghĩa catfish theo tôi nó có hại cho chính sách ấy.
BBC: Vậy phản ứng của Việt Nam sẽ theo hướng nào thưa ông?
Nguyễn Hữu Dũng: Gần đây Mỹ muốn mở rộng xuất khẩu thị bò sang thị trường một số nước, trong đó có Việt Nam. Nếu việc này làm cùng lúc với việc ngăn cản xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ, rõ ràng nó không công bằng chút nào. Tôi không nghĩ rằng những người Mỹ muốn thương mại công bằng họ mong muốn cái việc này.
BBC: Xin ông đánh giá tác động có thể có đối với hàng nông sản của Mỹ xuất sang Việt Nam?
Nguyễn Hữu Dũng: Nếu như phía Mỹ áp dụng chính sách không không công bằng chúng tôi sẽ tìm cách lobby chính quyền Việt Nam để đưa ra đối sách với phía Mỹ.
Có thể chưa dùng đến cái lobby đấy thì chính công ty của Mỹ xuất khẩu các loại nguyên liệu để làm thực ăn nuôi cá cho Việt Nam sẽ là phía chịu thiệt hại đầu tiên.
Cá tra xuất sang Mỹ hiện giờ chỉ chiếm 5% doanh số cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng lượng thức ăn nhập khẩu từ Mỹ để nuôi con cá tra này chiếm một tỷ trọng rất cao, với giá trị lớn hơn rất nhiều lần khoản cá tra xuất sang Mỹ.
Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu cá tra ra thế giới là 1,4 tỷ đô la, thị trường Mỹ chỉ nhập có 80 triệu USD.