Bên trong chợ Nhật Tảo, chợ trời bán linh kiện điện tử cũ lớn nhất Sài Gòn – Sài·gòn·eer

Đã từ lâu, khu chợ Nhật Tảo nằm giữa quận 10 và quận 11 đã trở thành trung tâm mua bán máy móc và linh kiện điện tử cũ lớn nhất Sài Gòn.

Đây là nơi bày bán thiết bị điện tử cũ được thu gom từ khắp nơi trong thành phố và các quốc gia có thu nhập cao. Cư dân trong vùng chủ yếu là người lao động và người nhập cư; công việc của họ là tháo rời máy móc cũ, sửa chữa và bán lại cho những ai cần. Việc kinh doanh đa phần là do tự phát.

Dọc theo hai con đường Vĩnh Viễn và Lý Thường Kiệt bao quanh khu chợ có rất nhiều cửa hàng đồ điện tử, bán cả đồ cũ lẫn đồ mới, xen kẽ là các sạp sửa chữa nhỏ bày la liệt các thiết bị như điều khiển từ xa, biến áp, và radio hỏng. Không gian nhỏ hẹp của các con hẻm và vỉa hè cũng được chiếm dụng để bán hàng. Người bán trải một tấm bạt trắng và bày lên đó từng chồng máy tính bảng, laptop, và điện thoại di động. Trong khi đó, thợ sửa chữa bận bịu tháo gỡ một chiếc TV hay máy lạnh đã hỏng như thể đang bổ trái cây, không hề đeo găng tay, cũng chẳng cần mặt nạ bảo hộ lao động.

Thỉnh thoảng, một vài người thu mua phế liệu điện tử sẽ đẩy xe đến. Họ mặc áo dài tay, đội nón và đeo khẩu trang kín. Xe họ chất đầy những linh kiện vừa mua được từ những vựa tái chế rác tự phát hoặc những cô thu nhặt ve chai.




Hầu hết những chủ tiệm và nhân viên ở khu chợ trò chuyện với tôi ngày hôm đó đều hành nghề hơn 20 năm. Thế nhưng, không ai biết rõ công việc này xuất hiện từ bao giờ, hay phát triển thành một khu trung tâm lớn như vậy khi nào. Bản thân họ cũng không có lý do gì đặc biệt khi theo nghề. Có người từ nhỏ đã tiếp xúc với linh kiện điện tử nên khi lớn lên thì chọn luôn việc này để kiếm sống, có người là do tiếp quản việc kinh doanh của gia đình hoặc của nhà chồng/vợ. Cũng có nhiều trường hợp là người nhập cư đến khu vực này và học theo việc kinh doanh của hàng xóm.

Mua bán linh kiện cũ mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định nên nhiều gia đình ở đây đã giữ nghề qua nhiều thế hệ. Một chủ cửa hàng giải thích với tôi rằng “công việc này kiếm được rất nhiều tiền,” vì anh và gia đình biết cách giữ lại các bộ phận còn dùng được của đồ điện tử mà người ta vứt đi, và tận dụng các bộ phận đó để chế tạo máy móc mới hoặc sửa chữa các thiết bị hỏng khác, nhờ đó trả lại giá trị sử dụng cho những thứ bị xem là đồ bỏ.






Đa số mọi người đều chỉ nói về lợi ích kinh tế của ngành này, nhưng bên cạnh đó cũng có người chia sẻ rằng công việc của họ đóng một vai trò hữu ích trong đời sống của cộng đồng. Tôi nhận được một câu hỏi tu từ rằng: “Nếu tôi không sửa đồ điện tử hay bán đồ cũ giá rẻ thì làm sao người ta có đồ để dùng?” Như vậy, công việc không chỉ giúp họ tạo thu nhập mà còn đáp ứng nhu cầu sửa chữa đồ điện tử của bà con lối xóm, nhờ đó duy trì cuộc sống cộng đồng ở địa phương.


Mọi người vừa làm vừa tranh thủ ăn uống và trò chuyện. Khi đến đây, ta có thể bắt gặp cô chủ tiệm ngồi trước cửa ra vào, vừa dùng tay không cắt rời và phân loại dây điện, vừa nhâm nhi ly đồ uống mua từ hàng rong kế bên. Cách đó không xa là mấy cụ ông vừa trò chuyện vừa nghe radio, xung quanh họ là máy móc đã tháo rời đang thải ra hóa chất.

Phía bên kia đường, một anh thợ đang ăn bữa trưa muộn giữa hàng đống phụ tùng điện tử, trong khi đồng nghiệp của anh đã ăn xong và đang tháo rời vài chiếc TV cũ. Có lẽ cư dân trong những căn hộ phía trên khu chợ cũng đã quen với âm thanh của thiết bị điện cùng với hơi dầu máy và hóa chất xuất hiện thường trực trong cuộc sống của mình.


Dẫu biết không nên xem những người thợ trong chợ là nạn nhân bất đắc dĩ của rác thải điện tử, và hiểu rằng họ có quyền tự chủ trong việc kiếm sống từ phế liệu công nghệ, chúng ta cũng không nên tô hồng nghề này, rằng nó không bị chính quyền quản lý, hay không tiềm ẩn nhiều rủi ro.



Sự thật là rất nhiều người ở chợ Nhật Tảo là người lao động nhập cư, họ không có nhiều điều kiện văn hóa xã hội để tiếp cận cơ hội việc làm tốt hơn. Đa phần họ chỉ có thể làm việc nặng nhọc và phải tiếp xúc với hóa chất có hại như việc tái chế rác thải điện tử. Ngành nghề này tuy nuôi sống nhiều gia đình qua nhiều thế hệ, nhưng mối nguy hại từ việc thu gom và xử lý phế liệu vẫn luôn đe dọa chất lượng cuộc sống của người lao động. Thực trạng đáng lo ngại này khiến chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo hơn về những bất công trong vấn đề môi trường sống, khi mà những người có thu nhập thấp thường phải gánh chịu hậu quả của rác thải tiêu dùng và ô nhiễm môi trường.

Rate this post

Viết một bình luận