Bệnh cao huyết áp nên ăn gì và không nên ăn gì? – Website chính thức của Omron tại Việt Nam

Để chữa bệnh cao huyết áp, ngoài các biện pháp dùng thuốc, tập luyện thì việc lựa chọn một chế độ ăn uống phù hợp không thể thiếu với bệnh này? Vậy người cao huyết áp nên ăn gì và không nên ăn gì? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây!

Bệnh cao huyết áp nên ăn gì và không nên ăn gì? 1

Bệnh cao huyết áp – Kẻ giết người thầm lặng

Cao huyết áp là căn bệnh gây tử vong xếp hàng thứ hai sau ung thư và là nguyên nhân tử vong cao nhất trong nhóm các bệnh về tim mạch. Theo thống kê gần đây, tỷ lệ người mắc cao huyết áp chiếm 30% dân số thế giới. Bệnh được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì việc phát hiện và kiểm soát bệnh còn rất hạn chế.

Nếu phát hiện và có biện pháp điều trị kèm theo việc bổ sung một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, kiểm soát tốt huyết áp, người bệnh vẫn có sức khỏe tốt và hầu như không ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. Khi được chẩn đoán bị cao huyết áp người bệnh nên tuân thủ chế độ điều trị nghiêm ngặt, theo dõi thường xuyên và giữ nhịp độ sinh hoạt, ăn uống thích hợp.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh cao huyết áp

Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Do đó, người bệnh cần bổ sung một chế độ ăn hợp lý để sớm đưa huyết áp trở về mức bình thường.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh cao huyết áp 1

Theo đó, người bệnh cần thực hiện các nguyên tắc chính của chế độ ăn như sau:

  • Giảm muối, giảm chất béo, giảm uống rượu bia.
  • Tăng cường sử dụng thực phẩm giàu canxi; giàu kali và giàu các chất bảo vệ.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, giảm căng thẳng và bỏ thuốc lá.

Cụ thể, chế độ ăn cần tăng và giảm tương ứng theo liều lượng như sau:

  • Mỗi ngày cần tiêu thụ khoảng 6g muối.
  • Hạn chế thực đơn có chứa nhiều calo, nhất là với những người thừa cân béo phì, chỉ nên tiêu thụ ở mức 35 – 40kcal/kg cân nặng.
  • Duy trì lượng lipid ở mức 25 – 40g/ngày. Nên dùng lipid thực vật, ví dụ như loại dầu và các hạt có dầu.
  • Giữ cân bằng lượng protein ở mức 60 – 70g/ngày, nên dùng protein thực vật, không nên ăn quá nhiều protein động vật.
  • Chế độ ăn low carb.
  • Bổ sung lượng Glucid khoảng 300 – 350g /ngày.
  • Cân bằng năng lượng cho cơ thể đảm bảo tỷ lệ %: 12 – 15% protein; lipid: 15 – 20% và glucid: 65 – 70% năng lượng khẩu phần.

Theo đó, chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người huyết áp cao là tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu magiê, kali, và canxi. Bạn nên ăn những đồ ăn giàu protein chứa ít chất béo, các loại ngũ cốc, trái cây và rau xanh. Ngoài ra, cần hạn chế ăn mặn, ngọt cũng như tránh sử dụng rượu bia và chất kích thích.

Bệnh cao huyết áp nên ăn gì?

Bên cạnh việc dùng thuốc để duy trì huyết áp ở mức bình thường, theo các chuyên gia những người cao huyết áp nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm sau đây:

Các loại rau xanh

Các loại rau xanh 1

Rau xanh là nguồn thực phẩm tốt cho sức của tất cả mọi người. Các loại rau lá xanh không chỉ nổi tiếng với hàm lượng axit folic dồi dào mà còn cung cấp nguồn kali phong phú. Bổ sung kali cho cơ thể sẽ giúp thận đẩy nhanh quá trình đào thải muối trong nước tiểu, từ đó giúp huyết áp giảm.

Một số loại ra lá xanh có hàm lượng kali cao bao gồm: rau diếp, cải xoăn, rau chân vịt, cải cầu vồng, cải búp…

Một số loại quả

  • Táo: mỗi ngày nên ăn 3 quả hoặc ép lấy nước uống 3 lần, mỗi lần chừng 50ml.
  • Lê: mỗi ngày nên ăn đều đặn từ 1 – 2 quả hoặc ép lấy nước cốt uống.
  • Nho: rất tốt cho người bị cao huyết áp, kể cả nho tươi hoặc nho khô, vì trong thành phần có chứa nhiều muối kali nên có công dụng giảm áp, lợi niệu và bồi phụ lượng kali mất đi do dùng các thuốc lợi tiểu Tây y.
  • Việt quất: Việt quất rất giàu chất tự nhiên flavonoid. Một nghiên cứu về mối liên hệ giữa bổ sung flavonoid và huyết áp cho thấy, thường xuyên bổ sung flavonoid có thể giúp ngăn ngừa cao huyết áp hiệu quả.
  • Chuối tiêu: Giống như các loại rau lá xanh, chuối cũng rất giàu kali. Mỗi ngày bạn có thể ăn 1 – 2 quả chuối hoặc có thể kết hợp yến mạch để tạo thành 1 bữa sáng bổ sung kali cho cơ thể.
  • Dưa chuột: nên dùng dưới dạng ăn sống hoặc chế thành dưa góp, nhưng chú ý không quá nhiều muối.
  • Dưa hấu: rất thích hợp cho người cao huyết áp vào mùa hè vì có tác dụng thanh nhiệt.
  • Mã thầy: mỗi ngày dùng 60-120g rửa sạch, ép lấy nước, chia uống 3 lần trong ngày hoặc dùng 120g sắc uống cùng với hải tảo 60g, uống thay trà trong ngày.

Sữa tách béo và sữa chua

Sữa tách béo và sữa chua 1

2 nhân tố quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của người cao huyết áp là canxi và những thực phẩm ít chất béo. Vì thế, sữa chua và sữa tách béo chính là lựa chọn hoàn hảo cho người bệnh cao huyết áp. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bổ sung một phần sữa chua mỗi ngày có thể giảm 20% nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.

Các loại hạt

Các loại hạt không chỉ cung cấp kali cho cơ thể mà các loại hạt còn chứa magiê và nhiều khoáng chất khác cũng có tác dụng hạ huyết áp. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng các loại hạt tươi hoặc chưa được tẩm muối. Bạn có thể bổ sung một số loại hạt sau vào bữa ăn nhẹ: hạt hướng dương, hạt dẻ, quả óc chó, hạt bí…

Yến mạch

Yến mạch là món ăn giàu chất xơ và hàm lượng chất béo cũng như natri cũng thấp nên rất có lợi cho người bệnh cao huyết áp. Chính vì thế, người bệnh cao huyết áp có thể yên tâm sử dụng. Đây là thực phẩm giúp bổ sung nhiều năng lượng cho cơ thể, nên bạn có thể sử dụng chúng vào buổi sáng.

Cá béo

Cá béo 1

Các loại cá béo như: cá thu, cá hồi chứa nhiều axit béo omega-3 và là một nguồn protein nạc tuyệt vời. Các loại cá béo có thể hạ huyết áp, giảm viêm, giảm nồng độ triglyceride “xấu” trong máu. Ngoài omega-3, cá hồi cũng là một trong số ít những thực phẩm chứa vitamin D, dưỡng chất có tác dụng hạ huyết áp.

Tỏi và các loại gia vị thảo mộc

Tỏi chứa nitric oxide thúc đẩy giãn mạch, mở rộng các động mạch giúp giảm huyết áp. Sử dụng các loại gia vị thảo mộc khi chế biến thức ăn có thể giúp bạn cắt giảm bớt lượng muối không cần thiết.

Dầu ô liu

Dầu ô liu chứa polyphenol, là các hợp chất chống viêm có thể giúp làm giảm huyết áp. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Mỹ cho thấy, khi kết hợp các loại chất béo chưa bão hòa chứa nhiều trong dầu ô liu và các loại rau tươi có thể tạo ra một loại axit béo giúp hạ huyết áp.

Chocolate đen

Chocolate đen chứa hơn 60% chất ca cao rắn và ít đường hơn chocolate thông thường. Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy bổ sung 100g chocolate đen mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Bạn có thể thêm chocolate đen vào sữa chua hoặc ăn chocolate cùng với trái cây như dâu tây, quả việt quất hoặc quả mâm xôi như một món tráng miệng lành mạnh.

Ngoài ra, người bị cao huyết áp còn nên trọng dụng một số thực phẩm khác như: ngô (bắp) đặc biệt là râu ngô, vừng (mè), hạt sen, ngó sen, củ cải, đậu tương, cải xanh, bắp cải, dầu thực vật, trà tâm sen, trà hoa hòe, trà thảo quyết minh, trà cúc hoa, trà bạch cúc, trà kỷ tử, mật ong… và không nên hoặc hạn chế dùng một số thực phẩm như: lòng đỏ trứng, não động vật, gan dê, thịt chim sẻ, thịt dê, thịt chó, thận lợn, mỡ động vật, rượu trắng, dưa hoặc cà muối mặn, thuốc lá, cà phê, trà đặc, hạt tiêu, ớt, gừng…

Bệnh cao huyết áp không nên ăn gì?

Bệnh cao huyết áp không nên ăn gì? 1

Theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, người bệnh cao huyết áp không nên dùng các chất sau:

Muối

Muối đứng đầu danh sách thực phẩm không nên bổ sung cho người bệnh cao huyết áp. Nguyên nhân là vì muối làm tăng tính thấm của màng tế bào và gây tăng nước trong thành tế bào, thành mạch tăng cương lực gây co mạch, sức cản ngoại vi tăng gây tăng huyết áp và không tốt cho tim mạch. Những người bị tăng huyết áp chỉ nên dùng tối đa 1.500mg muối mỗi ngày.

Theo cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có đến 75% lượng muối được hấp thu vào cơ thể là từ nguồn thực phẩm đóng gói. Một số thực phẩm chế biến sẵn chứa rất nhiều muối bao gồm:

  • Thịt nguội
  • Bánh pizza đông lạnh
  • Nước ép rau củ
  • Súp đóng hộp
  • Sản phẩm cà chua đóng hộp hoặc đóng chai

Đường

Đường là nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì. Khi bị béo phì, các dây thần kinh giao cảm bị căng thẳng, các hormone (adrenaline, noradrenaline,…) làm tăng huyết áp được tiết ra nhiều hơn và dẫn đến tình trạng huyết áp cao.

Hiện tại, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị phụ nữ nên bổ sung 24g đường mỗi ngày và đàn ông là 36g đường mỗi ngày.

Đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ

Đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ 1

Đồ ăn chiên, rán chứa nhiều dầu mỡ không tốt cho người cao huyết áp, đặc biệt là dầu mỡ từ động vật vì chúng là tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và huyết áp tăng cao.

Nội tạng động vật

Nội tạng động vật có chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao hơn so với thịt. Ăn nhiều thực phẩm này có thể làm tăng mỡ máu, mắc các bệnh tim mạch và tăng huyết áp.

Rượu

Bởi vì rượu làm cho tim đập nhanh hơn, mạch máu co lại, huyết áp tăng cao và làm cho muối canxi đọng lại ở thành mạch, gây xơ cứng động mạch. Vì vậy người bệnh cao huyết áp cần phải tuyệt đối kiêng rượu.

Thuốc lá

Hút thuốc là một trong những yếu tố làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và làm giảm lượng oxy cần thiết đến các tế bào và các cơ quan trong cơ thể, đồng thời hút thuốc làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.

Cafe

Trong cafe có chứa một chất gọi là caphein, nếu uống nhiều sẽ làm kích thích nhịp đập của tim làm tăng huyết áp.

Trà đặc

Trà đặc cũng là một nước uống mà bệnh nhân cao huyết áp cần phải kiêng, nhất là loại hồng trà đặc, vì nó có nhiều chất kiềm có thể gây hưng phấn đại não, gây bất an, mất ngủ, làm tim đập loạn nhịp, huyết áp tăng cao. Ngược lại bệnh nhân nên uống trà xanh sẽ rất có lợi cho việc điều trị cao huyết áp.

Trên đây là một số thực phẩm nên và không nên bổ sung cho người bệnh cao huyết áp mà bạn nên biết để phòng ngừa nếu có người thân hoặc chính bản thân bạn bị cao huyết áp. Ngoài ra để chữa cao huyết áp hiệu quả bệnh nhân cần kết hợp với dùng thuốc và các bài luyện tập hỗ trợ điều trị bệnh.

Rate this post

Viết một bình luận