Vào mùa hè nóng nực, chúng ta thường đổ mồ hôi nhiều, chính vì nguyên nhân này mà một số chứng bệnh sẽ lợi dụng cơ hội để phát triển. Trong đó phải kế đến bệnh hắc lào. Cùng tìm hiểu bệnh hắc lào ở bài viết dưới đây nhé.
1
Bệnh hắc lào là gì?
Hắc lào còn gọi là bệnh lác đồng tiền (tên tiếng anh là Ringworm), là bệnh do vi nấm thuộc nhóm dermatophytes gây nên, thường bắt đầu là vùng da phát ban hình tròn như chiếc nhẫn, hơi đỏ và ngứa, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Nếu được chữa trị đúng cách, bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi và không để lại biến chứng.
2
Những triệu chứng thường gặp
Các biểu hiện trên da khi mắc bệnh hắc lào thường khá đặc trưng và dễ phân biệt với các bệnh da liễu khác, chúng ta có thể nhận biết qua những biểu hiện trên da sau đây:
– Bạn biết rằng hắc lào ban đầu thường bắt đầu là một nốt đau nhỏ giống mụn. Bạn nên theo dõi xem nốt đó phát triển như thế nào. Phát hiện các mảng da bằng cách sờ ngón tay trên da để xem có sần sùi giống vảy không, nếu có vảy mảng da sẽ hơi nhạt màu. Bạn cần quan sát xem mảng da có lớn dần lên hoặc gây ngứa không vì đó là dấu hiệu của hắc lào. Đảm bảo rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào vùng da nghi ngờ bị hắc lào. Bước này giúp ngăn ngừa lây lan đến các vị trí khác trên cơ thể.
– Quan sát đường viền của mảng da. Vùng da bong vảy có thể có viền hơi nhô lên và lan ra ngoài khi nhiễm trùng lan rộng trên da. Mảng ra sẽ tạo thành hình hơi giống chiếc nhẫn tròn nên còn có tên gọi là lác đồng tiền. Lưu ý rằng đường nét cơ bản của vùng da bong tróc hoặc nhiễm nấm sẽ có hình tròn, nhưng cũng có thể uốn lượn sóng như hình dạng con rắn hoặc con sâu. Ngoài ra, trên da có thể xuất hiện nhiều hình tròn kết nối với nhau. Quan sát xem có mảng da ngứa nào không phải hình tròn ở bẹn hoặc bàn chân không. Những vùng da này có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm nấm phổ biến hơn gọi là ngứa vùng bẹn và bệnh nấm da chân. Kiểm tra màu sắc đường viền và xem có màu đỏ sậm hơn so với phần trong mảng da không. Đây thường là dấu hiệu rõ nhất của bệnh hắc lào.
– Kiểm tra bên trong mảng da. Bên trong và bên ngoài của hầu hết vùng da bị hắc lào đều có kết cấu hoặc vẻ ngoài khác nhau. Bạn cần kiểm tra vùng bên trong của mảng da xem có dấu hiệu nào dưới đây của bệnh hắc lào không: mụn nước, chảy mủ, nốt đỏ rải rác, có vảy,..
– Cảm giác ngứa dữ dội và khó chịu là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh hắc lào, đặc biệt là ở gần mảng da hoặc vị trí đau. Nếu cảm thấy ngứa và/hoặc khó chịu đi kèm các triệu chứng khác, có thể bạn đã bị hắc lào và cần được chẩn đoán.
3
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Mặc dù bệnh này ai cũng có thể gặp, nhưng một số trường hợp có nguy cơ nhiễm nấm cao hơn. Bạn có nguy cơ bị hắc lào cao hơn nếu:
– Nhỏ hơn 15 tuổi
– Sống ở nơi đông người và ẩm thấp
– Tiếp xúc với người hoặc động vật bị hắc lào
– Dùng chung quần áo, ga giường chiếu gối hoặc khăn tắm với người bị hắc lào
– Tham gia các môn thể thao tiếp xúc da trực tiếp như đấu vật
– Mặc quần áo chật
– Hệ miễn dịch kém
Nguyên nhân gây bệnh là do nấm da nhưng có một vài nguyên nhân phổ biến khiến cho chúng ta mắc bệnh như:
– Vệ sinh cá nhân kém như thói quen mặc quần áo ẩm ướt, ít tắm gội, vệ sinh trong khi cơ thể có nhiều mồ hôi. Đây chính là thói quen xấu tại điều kiện cho các vi khuẩn, nấm sinh sôi nảy nở.
– Bơi lội tại vùng nước bị nhiễm bẩn: Đây cũng là việc làm tại điều điện cho các vi khuẩn gây bệnh dễ dàng phát sinh.
– Mặc chung quần áo với người khác là điều kiện để các vi khuẩn, nấm gây các bệnh da liễu nói chung dễ lây lan từ người này sang người khác.
– Lây qua đường tiếp xúc da với da. Các hành động ôm, hôn tiếp xúc trực tiếp với da người bệnh đều tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh hắc lào.
– Có thể lây nhiễm từ động vật có vi khuẩn gây bệnh.
4
Điều trị bệnh
Đây là bệnh ngoài da có khả năng lây nhiễm và có thể trị khỏi nếu điều trị đúng cách, nguyên tắc điều trị dựa trên hai yếu tố trị bệnh và điều chỉnh lối sống. Bác sĩ có thể kê toa với các loại thuốc khác nhau tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh, trong trường hợp bệnh mới tái phát và còn nhẹ, có thể sử dụng các loại thuốc bôi tại chỗ như kem chống nấm dạng mỡ, gel hoặc thuốc xịt có chứa clotrimazole , miconazole , terbinafine, hoặc các thành phần khác có liên quan. Trong trường hợp nặng bệnh nhân có thể phải uống thuốc theo toa như ketoconazole , griseofulvin hoặc terbinafine.
Bạn cần tuân thủ các nguyên tắc như sau:
– Điều trị liên tục cho đến khi da lành, sau đó cần thoa thuốc ít nhất 2 tuần nữa để tránh tái phát.
– Chú ý không nên gãi, cạo vùng da bị thương tổn trước khi bôi thuốc.
– Khi bôi thuốc cần làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, nếu bôi thuốc không đúng có thể làm bệnh nặng hơn. Ví dụ nếu bôi thuốc quá mạnh, bôi dây sang da lành, da non có thể gây phỏng, chảy nước nhiều, ngứa dữ dội…Một số ít trường hợp còn gây nhiễm khuẩn vết thương.
– Thời gian điều trị thông thường từ 2-4 tuần. Nếu điều trị sau 4 tuần không có dấu hiệu cải thiện nên tái khám bác sĩ, nhưng trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân đều phản ứng tích cực với cách điều trị vừa nêu.
5
Biến chứng
– Các biến chứng thường gặp của bệnh hắc lào như làm lây lan vùng viêm nhiễm trên da sang các vị trí khác trên cơ thể, làm tăng kích thước vùng viêm nhiễm, chàm hóa, thậm chí nguy cơ lây nhiễm cho người khác là rất cao.
– Nếu chúng ta thoa thuốc không đúng cách, không tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ sẽ dễ làm xuất hiện tình trạng bỏng da, chảy nước, ngứa ngáy vùng da đó với các mức độ nặng hoặc nhẹ tùy theo lượng thuốc chúng ta sử dụng.
– Đặc biệt, một vài trường hợp nghiêm trọng có thể gây nhiễm trùng nặng nề khiến cơ thể đi lại một cách khó khăn.
6
Phòng bệnh
Hắc lào là một bệnh có khả năng tái phát rất cao, người bệnh có thể thấy các dấu hiệu hoàn toàn biến mất sau một thời gian điều trị nhưng chúng sẽ quay khi gặp điều kiện thích hợp. Vì thế, người bị hắc lào nên chú ý những điều dưới đây trong và sau khi điều trị hắc lào để bệnh không có cơ hội tái phát:
– Từ bỏ thói quen dùng thuốc bừa bãi vì nhiều trường hợp nhiễm bệnh nấm “cơ hội” do người bệnh lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc corticoid. Do thuốc kháng sinh chỉ trị được vi khuẩn, còn thuốc corticoid làm giảm sự đề kháng nên các vi nấm có điều kiện tăng sinh.
– Để ngăn chặn bệnh hắc lào tái phát, bệnh nhân cần phải diệt nấm ở những vật dụng cá nhân như quần áo, mùng mền, chiếu gối…rắc bột chống nấm.
– Không mặc chung quần áo với người khác, tránh làm việc nơi ẩm ướt, ra nhiều mồ hôi. Vệ sinh thân thể sạch sẽ.
Hắc lào là một bệnh da phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nó không phải là bệnh nguy hiểm nhưng gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, cần chữa bệnh hắc lào tận gốc, tránh tái phát và lây nhiễm cho người khác. Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa để xác định chính xác và điều trị theo hướng dẫn vì đây không phải là bệnh khó trị chỉ cần kiên trì dùng thuốc và tuân thủ các nguyên tắc điều trị, không nên tự ý dùng thuốc để tránh làm cho bệnh nặng hơn.
An Khang
Hơn 3 năm trước
826
0