Bệnh héo xanh hay còn gọi là bệnh héo tươi, héo rũ, bệnh thường gặp trên các loại cây họ cà và họ bầu bí. Đây là loại bệnh rất khó phòng trị, khi cây đã bị bệnh thì không thể cứu chữa, sử dụng thuốc hoá học không có hiệu quả cao mà chỉ hạn chế bệnh lây lan, vì vậy áp dụng các biện pháp phòng trị tổng hợp có hiệu quả cao hơn.
Đặc điểm của bệnh héo xanh
Nguyên nhân
Bệnh héo xanh do vi khuẩn có tên khoa học là Pseudomonas solanacearum Smith gây ra, còn có tên khác là Ralstoria solanacearum.
Đây là loài vi khuẩn này có nhiều chủng và nòi, chúng tồn tại trong tự nhiên trên các cây kí chủ khác nhau, do vậy nguồn bệnh đa dạng.
Chúng tấn công và di chuyển trong mạch dẫn của cây làm hư bó mạch, khiến cho cây không thể vận chuyển nước và dinh dưỡng dẫn đến hiện tượng héo và chết.
Điều kiện phát sinh bệnh héo xanh
☑ Vi khuẩn phát triển thích hợp ở pH 7 – 7,2. Nhiệt độ thích hợp 24 – 37 độ C. Nhiệt độ gây chết 52 độ C.
☑ Chúng thường sống lưu trong đất qua nhiều năm gặp điều kiện thuận lợi (nhiệt độ , độ ẩm cao, có nhiều vết thương cơ giới) sẽ xâm nhập và gây hại cây trồng bằng bệnh héo xanh vi khuẩn.
☑ Vi khuẩn lan truyền qua nước, gió, dụng cụ làm vườn hay qua những vết hở tự nhiên trên cây.
☑ Bệnh héo xanh phát triển nhanh trên nền đất ẩm ướt, đặc biệt là những rãnh nước ngập hoặc thoát nước kém.
Bệnh héo xanh trên cây lạc
Dấu hiệu nhận biết
Khi trời nắng, các lá non ở phần ngọn cây bị héo rũ xuống, nhưng ban đêm cây trở lại bình thường.
Đến giai đoạn bệnh nặng hơn, lá bị héo có màu xanh tái, một vài cành héo trước sau đó toàn bộ cây héo. Một số trường hợp lá non hoá nâu vẫn dính trên thân. Rễ và quả lạc bị thối đen.
Biện pháp phòng trừ bệnh héo xanh trên lạc
☑ Cày phơi đất, rải vôi trước khi trồng để diệt mầm bệnh còn trong đất.
☑ Dọn cỏ dại sạch sẽ xung quanh gốc và vườn.
☑ Chọn giống khỏe, có khả năng kháng bệnh.
☑ Xử lý hạt giống 54 độ C trong vòng 25 – 30 phút.
☑ Dùng những cây giống ở những vườn ươm không bị bệnh.
☑ Áp dụng biện pháp trồng luân canh các loại cây trồng như lúa nước.
☑ Nhổ bỏ, thu gom những cây bị bệnh rồi đem hủy chúng.
☑ Khi thu hái, tưới nước nên lưu ý để tránh tiếp xúc giữa cây khỏe và cây bệnh.
☑ Một số loại vi khuẩn có khả năng hạn chế vi khuẩn Pseudomonas solanacearum phát triển như Bacillus mesenteriensis, Bacillus sutilis, Bacillus mycoides,… Các loại vi khuẩn này có nhiều trong phân chuồng.
Bệnh héo xanh trên cà chua
Dấu hiệu nhận biết
Ban đầu là các lá ngọn héo xanh rũ xuống, về sau các lá phía gốc tiếp tục héo xanh cụp xuống, cuối cùng dẫn tới toàn cây héo rũ tái xanh, gãy gục xuống và chết.
Xuất hiện nhiều rễ phụ khí sinh mọc ra dọc trên thân. Rễ và thân thối mềm.
Khi cắt ngang thân thấy mạch dẫn bị nâu đen, để vào trong cốc nước trong sẽ thấy những giọt dịch vi khuẩn màu trắng đục chảy ra.
Những cây nhiễm bệnh thường thấy ở phần phía gốc sát mặt đất vỏ thân sù sì đó là nét triệu chứng đặc trưng của cây cà chua khi bị bệnh héo xanh vi khuẩn
Biện pháp phòng trừ bệnh héo xanh cà chua
☑ Chọn giống kháng bệnh, sạch bệnh.
☑ Xử lý hạt giống trong nước nóng 500C trong 25 phút
☑ Bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh.
☑ Sử dụng Trichoderma + phân chuồng bón lót trước khi trồng.
☑ Không nên trồng cây mật độ quá dày để tạo độ thông thoáng, giảm bớt ẩm độ trong ruộng, hạn chế sự cọ sát giữa các cây để tránh sự lan truyền bệnh.
☑ Khi làm đất cần cày bừa kỹ, nên kết hợp với bón thêm vôi bột hoặc dùng Formol, Furadan 3H, đồng Sunfat để xử lý đất.
☑ Lên luống cao để đảm bảo thoát nước tốt khi có mưa hoặc sau khi tưới, không để nước đọng trong ruộng.
☑ Trong quá trình chăm sóc hạn chế làm sây sát, tổn thương cho cây.
☑ Luân canh với cây trồng khác họ, không luân canh với cây họ cà như ớt và khoai tây.
☑ Nhổ bỏ cây bị bệnh đem đốt.
Bệnh héo xanh trên khoai tây
Dấu hiệu nhận biết
Thường ban đầu cây có biểu hiện héo, sau đó phục hồi vào ban đêm. Sau vài ngày thì cây chết không phục hồi được nữa, lá không chuyển màu vàng.
Khi cây bị héo nhưng vẫn giữ được màu xanh. Bệnh có thể làm chết cả cây hoặc chết dần từng nhánh, gốc cây bị thối nhũn.
Còn phần củ, ở phần cuối hay mắt củ có dịch hơi nhầy màu trắng, sau chuyển thành màu trắng ngà, đục như sữa, nếu bị nặng củ sẽ bị thối nhũn, bóp nhẹ sẽ thấy sủi bọt, chất dịch có mùi hôi.
Biện pháp phòng trừ bệnh héo xanh trên khoai tây
☑ Vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ trước khi trồng để loại bỏ mầm bệnh.
☑ Chọn giống củ có khả năng chịu bệnh, sạch bệnh.
☑ Biện pháp luân canh: Không trồng khoai tây hoặc các cây cùng họ trong vụ tiếp theo như cây cà chua, thuốc lá, cà các loại.
☑ Ruộng trồng khoai tây tốt nhất là bằng phẳng hoặc bố trí theo băng, có rãnh thoát nước vì vi khuẩn sẽ lây lan theo dòng nước trong đất, khi tưới hoặc mưa.
☑ Tiến hành phòng chống tuyến trùng nốt sưng rễ là tác nhân mở đường cho loài vi khuẩn gây héo xâm nhiễm.
☑ Khi chăm sóc tránh gây vết thương cho cây, dụng cụ chăm sóc, tỉa cành, thu hái cần sát trùng liên tục bằng formol.
Thuốc trị bệnh héo xanh trên cây trồng
☑ Bonny 4SL
Thuốc tác động nhanh, lưu dẫn mạnh. Phòng trị hiệu quả nhiều loại bệnh do nấm và vi khuẩn gây ra trên nhiều cây trồng. Thuốc dễ sử dụng, an toàn cho cây trồng, ít độc đối với người và gia súc.
Thành phần: Ningnanmycin 40g/l
Cách dùng: Pha 40ml thuốc với 16 lít nước rồi phun đều tán lá.
☑ Kasuran 47 WP
Là loại thuốc trừ nấm và diệt khuẩn có phổ tác dụng rộng, có tác dụng phòng và trừ bệnh hữu hiệu nhờ ưu thế trộn lẫn kasugamycin và đồng. Có hiệu lực kéo dài trên nhiều loại cây trồng.
Thành phần: Kasugamycin 2%, copper oxychloride 45%
Cách dùng: Pha 8gr với 8 lít nước, phun trên lá. Lần đầu phun khi vết bệnh mới xuất hiện, nếu vẫn còn bệnh thì phun cách quãng 7-10 ngày.
☑ Alpine 80WDG
Là thuốc dạng cốm, có tác dụng lưu dẫn hai chiều bên trong cây, có tác dụng ức chế sự hình thành và phát triển bệnh trên cây trồng.
Thành phần: Fosetyl-Aluminium 80%, Chất phụ gia 20%
Cách dùng: Pha 15-20gr cho bình 8 lít nước.
☑ Sau khi nhổ bỏ cây bị bệnh, có thể khử trùng đất bằng các loại thuốc có các hoạt chất như Oxolinic acid (Starner 20WP…), Kasugamycin (Kasuran 47WP, Kasumin 2SL,…).. có thể tưới để hạn chế được bệnh.
☑ Dùng 500ml chế phẩm nano bạc đồng plus kết hợp với 500ml chế phẩm nano đồng oxyclorua pha với 200-300 lít nước, tưới mỗi gốc dưa lưới 2-3 lít dung dịch nano đã pha, định kỳ 10-20 ngày tưới một lần (tùy giai đoạn phát triển của cây).