Bệnh sán chó và những điều cần đặc biệt lưu ý

Bệnh sán chó (hay còn gọi là bệnh giun đũa chó mèo) là một bệnh khá phổ biến tại Việt Nam. Vậy bệnh sán chó là gì? Đâu là những điều chúng ta cần biết để có thể điều trị và dự phòng bệnh sán chó?  

Bệnh sán chó là gì?

Bệnh sán chó (hay còn được gọi là bệnh giun đũa chó mèo) là một bệnh nhiễm ký sinh trùng do tác nhân là giun đũa Toxocara: bao gồm Toxocara canis thường gặp ký sinh trong ruột của chó và một tác nhân hiếm gặp là Toxocara cati ở mèo.

Chó và mèo nhiễm giun đũa thì sẽ thải ra phân có chứa trứng giun ra môi trường. Khi ở trong môi trường, sau từ ​​2 đến 4 tuần ấu trùng Toxocara sẽ trưởng thành và có khả năng lây nhiễm. 

Trứng giun đũa chó mèo có một lớp vỏ bảo vệ chắc chắn. Cho phép trứng tồn tại trong môi trường hàng tháng, thậm chí hàng năm trong điều kiện thích hợp. Con người có thể bị nhiễm bệnh do vô tình nuốt phải trứng giun hoặc do ăn thịt chó mèo chưa được nấu chín có chứa ấu trùng.

Khi vào cơ thể người, trứng Toxocara nở ra trong ruột non. Sau đó ấu trùng có thể di chuyển trong máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Bao gồm gan, tim, phổi, não, cơ hoặc mắt,…

Từ đó gây ra các triệu chứng của bệnh sán chó do ấu trùng di cư gây ra như:

  • Sốt, ho

  • Thường xuyên mệt mỏi, đau bụng

  • Ngứa, nổi mề đay
  • Chàm
  • Viêm gan hoặc các vấn đề về mắt,….

Phương thức lây nhiễm sán chó
Phương thức lây nhiễm sán chó

Những ai có nguy cơ mắc bệnh sán chó

Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm Toxocara và mắc bệnh sán chó. Tuy nhiên nhiều nhất là ở trẻ nhỏ từ 1-4 tuổi 

Bệnh sán chó thường gặp ở nông thôn hơn là các khu vực thành thị, những người thường hay tiếp xúc với đất, chăn dắt chó mèo,…

Nguyên nhân gây nhiễm bệnh sán chó

Nguyên nhân gây ra bệnh sán chó là do nuốt phải trứng hoặc ấu trùng Toxocara:

  • Ở trẻ em thường là do các thói quen nghịch đất, chơi tiếp xúc với đất. Tiếp xúc nhiều với chó mèo.

  • Người lớn cũng có thể mắc bệnh do các thói quen như ăn rau sống không rửa kỹ

  • Ăn thịt chó mèo chưa được nấu chín,….

    Nguyên nhân gây bệnh sán chó
    Nguyên nhân gây bệnh sán chó

Các biểu hiện của bệnh sán chó

Đa phần những bệnh nhân bị bệnh nhiễm sán chó thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi ấu trùng nở ra ở ruột non sẽ di chuyển trong máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Bao gồm gan, tim, phổi, não, cơ hoặc mắt. Từ đó gây ra các triệu chứng và làm tổn thương các cơ quan chúng đi qua.

Có hai thể bệnh chính của bệnh nhiễm giun đũa chó mèo. Bao gồm bệnh do ấu trùng di chuyển ở nội tạng (VLM), và bệnh do ấu trùng di chuyển ở mắt (OTM).

Bệnh do ấu trùng di chuyển ở nội tạng có thể gây ra các triệu chứng tùy cơ quan như:

  • Gan: gan to, các tổn thương dạng nốt trên gan,…

  • Phổi: khó thở, ho khan, khò khè, ran phổi,….

  • Tim: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc

  • Hệ thần kinh trung ương: tổn thương choán chỗ, viêm màng não, viêm hệ thần kinh ngoại biên

  • Hệ cơ xương

Cần đặc biệt lưu ý các triệu chứng này do có thể đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng

Bệnh do ấu trùng di chuyển ở mắt có thể gây ra các triệu chứng như giảm thị lực, viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn,… Và thậm chí có thể thể tiến triển đến mù hoàn toàn

Ngoài ra bệnh sán chó còn có thể có các biểu hiện khác như nhiễm dưới da gây ra ngứa da, mề đay mãn, nốt dưới da, chàm, viêm mô tế bào…

Triệu chứng bệnh sán chóTriệu chứng bệnh sán chó

Chẩn đoán và điều trị bệnh sán chó

Theo bộ y tế thì một trường hợp chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh giun đũa chó mèo khi có các triệu chứng sau:

  • Ngứa, nổi mẩn

  • Đau đầu, đau bụng, khó tiêu

  • Đau nhức mỏi, tê bì

  • Sốt, thở khò khè

  • Có thể kèm theo một hoặc các triệu chứng sau: gan to, viêm phổi, đau bụng mãn tính, rối loạn thần kinh khu trú, tổn thương ở mắt, giảm thị lực, viêm mắt, tổn thương võng mạc.

Và chẩn đoán xác định khi một trường hợp bệnh nghi ngờ và tìm thấy ấu trùng hoặc giun đũa chó, mèo trưởng thành. Hoặc xác định được kháng thể kháng ấu trùng giun đũa chó, mèo bằng xét nghiệm ELISA hoặc phát hiện đoạn gen đặc hiệu của ấu trùng giun đũa chó, mèo bằng kỹ thuật sinh học phân tử.

Bệnh có thể được điều trị đặc hiệu với các thuốc trị sán chó như: 

  • Albendazol 400 mg x 2 /ngày x 5 ngày

  • Mebendazol 100-200 mg x 2/ngày x 5 ngày

  • Ivermectin 200 µg/kg/ngày 1 liều duy nhất

Ngoài ra bệnh nhân còn có thể được điều trị hỗ trợ với các thuốc giúp giảm đau, kháng viêm, giảm ho, rối loạn tiêu hoá…

Nếu nghi ngờ mình bị mắc bệnh sán chó thì các bạn cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm sán chó và điều trị kịp thời. Không được chủ quan do bệnh sán chó nếu muộn có thể đưa đến nhiều biến chứng tại các cơ quan thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Xem thêm: Điều trị bệnh sán chó dưới góc nhìn bác sĩ

Các phương pháp phòng ngừa bệnh sán chó hiệu quả

Bệnh sán chó là một bệnh truyền nhiễm chính vì vậy việc dự phòng mắc bệnh là một điều vô cùng quan trọng, mọi người có thể thực hiện tốt các biện pháp dự phòng bao gồm:

  • Mang chó mèo nuôi trong nhà đến bác sĩ thú y để tẩy giun định kỳ. Không thả rông chó mèo.

  • Vệ sinh khu vực sinh sống của thú cưng ít nhất 1 lần / tuần.

  • Rửa tay thật kỹ sau khi xử lý chất thải của chó mèo

  • Dạy trẻ em rửa tay thật sạch bằng xà phòng sau khi chơi với chó mèo. Không được cho các đồ bẩn hay đất vào miệng, không được mút tay

  • Không cho trẻ nghịch đất cát

  • Hạn chế cho trẻ chơi ở các khu vực có đất dính nhiều phân của chó mèo. Hạn chế tiếp xúc với chó mèo

  • Dạy cho trẻ em tầm quan trọng của việc rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm  

  • Ăn chín, uống nước đun sôi để nguội… và xử lý tốt nguồn nước, thực phẩm

  • Đối với rau sống thì cần phải được rửa đúng quy trình thật sạch trước khi ăn

Tóm lại, bệnh sán chó là một bệnh không quá nguy hiểm. Bệnh hoàn toàn có thể được điều trị và phòng ngừa một cách dễ dàng. Nên nếu các bạn mắc phải bệnh thì cũng không cần phải lo lắng mà nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Rate this post

Viết một bình luận