Bệnh tay chân miệng dùng thuốc gì để chữa?

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra với trẻ em từ 5 tuổi trở xuống, nhưng ngay cả người lớn cũng có thể là nạn nhân của bệnh chứng này. Ở người lớn và trẻ lớn hơn 5 tuổi, biểu hiện của bệnh chứng thường nhẹ hoặc không có triệu chứng rõ ràng để nhận biết.

Bệnh thường lây lan qua các môi trường: Nhà trẻ, gia đình, tiếp xúc với trẻ bệnh hay người lớn mắc bệnh mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần, bởi do nhiều chủng virus gây ra, do đó nếu trẻ đã mắc một lần rồi không có nghĩa là trẻ không thể mắc bệnh nữa mà chỉ miễn dịch với chủng virus đã mắc bệnh mà thôi.

Nếu thấy trẻ ngủ không yên, giật mình, khóc quấy hoặc trẻ ngủ li bì, mê mệt, cha mẹ phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị bởi có thể là bệnh đã biến chứng sang viêm màng não. Đây là lúc bệnh đã trở nặng và có khả năng gây nguy hiểm cao.

1. Điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?

Đây là một bệnh do virus và hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh.

Bệnh tay chân miệng thường sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày nếu không có các triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng. Cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan sang trẻ khác. Đồng thời cần theo dõi trẻ tại nhà để phát hiện bé có các biểu hiện: Sốt cao, quấy khóc, bỏ ăn… và đưa con đi khám bệnh, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng.

– Khi trẻ bị viêm loét miệng lưỡi rất đau, trẻ quấy khóc và không chịu ăn uống gì dẫn đến mất nước, hạ đường huyết… cần được cho trẻ dùng thuốc giảm đau và khuyến khích ăn uống chậm, chia thành nhiều bữa thật nhỏ. Thức ăn nên lỏng, mềm, dễ nuốt và cho uống nhiều nước. Nhiều trẻ sẽ chấp nhận đồ lạnh hơn vì có thể làm giảm đau ở vết loét. Không cần tránh các thức ăn, thức uống lạnh, như nước đá, kem, yaourt… mà ngược lại, có thể thử cho trẻ những thức này, để xem trẻ có dễ chịu hơn phần nào hay không. 

Bệnh tay chân miệng và những điều cần biết khi điều trị - Ảnh 1.

Các tổn thương do tay chân miệng gây ra.

– Các triệu chứng sốt (trên 38.5 độ C), đau có thể dùng thuốc giảm đau hạ sốt acetaminophen. Liều lượng 10 -15mg/kg cân nặng/mỗi 4 – 6 giờ. Hoặc ibuprofen (thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ trước khi dùng cho trẻ). 

– Nếu trẻ ngứa nhiều, luôn tay muốn gãi sẽ gây trầy xước và nguy cơ bội nhiễm da, bác sĩ sẽ cân nhắc thuốc chống dị ứng dùng đường uống giúp trẻ bớt ngứa. 

– Kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng điều trị trong bệnh tay chân miệng, trừ khi có bội nhiễm ở các vết loét và thuốc cần bác sĩ chỉ định nên không được tự ý cho trẻ uống kháng sinh.

– Vệ sinh miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng. Cho trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn. Sử dụng thêm các vitamin C, vitamin PP, vitamin A và kẽm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành.

– Đối với những trường hợp nghi ngờ bị biến chứng thần kinh, hoặc có những dấu hiệu, tiêu chuẩn, nghi ngờ khả năng hoặc nguy cơ bị biến chứng thần kinh cao, các bác sĩ sẽ quyết định cho trẻ nhập viện để bắt đầu điều trị chuyên biệt, hoặc để có thể theo dõi sát các dấu hiệu nặng nhằm can thiệp kịp thời. Vì khi trẻ bị biến chứng thần kinh, bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và rất trầm trọng. Nếu phát hiện trễ, qua “thời điểm vàng”, các can thiệp chuyên sâu sẽ không được hữu hiệu nữa, hệ quả điều trị bệnh sẽ không được tối ưu. 

2. Các thuốc không nên dùng trong bệnh tay chân miệng

Mặc dù bệnh tay chân miệng rất dễ chẩn đoán, cha mẹ có thể nhìn qua triệu chứng để biết. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, cũng khá nhiều gia đình không biết trẻ bị bệnh tay chân miệng. Khi trẻ xuất hiện các nốt ngoài da lại nghĩ con bị ngứa, mụn và tự mua thuốc về cho trẻ uống, bôi. Điều này rất nguy hiểm bởi trẻ không được đánh giá chính xác bệnh do đó không được theo dõi, điều trị đúng cách.

– Các loại thuốc bôi: Nhiều phụ huynh có con bị mắc bệnh thường sốt ruột nên muốn mua các loại thuốc bôi ngoài da để giúp con mau khỏi và nhanh giảm các triệu chứng như đau, ngứa, sát khuẩn…

Tuy nhiên, các tổn thương do tay chân miệng ngoài da thường không đau nên bôi thuốc với mục đích giảm đau là không cần thiết. Hơn nữa, hiện tại các thuốc bôi có tác dụng gây tê tại chỗ, giảm đau cũng không được khuyến cáo cho bệnh lý này. Với tổn thương trong miệng có thể gây đau và trẻ bỏ ăn, thì các thuốc bôi miệng tại chỗ không nên dùng, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Thuốc sát khuẩn cũng không nên sử dụng, bởi các nốt tổn thương của bệnh tay chân miệng thường ít khi vỡ, nó sẽ tự thu nhỏ lại, khô dần rồi mất đi, không để lại sẹo, nên không cần bôi thuốc với mục đích sát khuẩn. Chỉ với những nốt to bị vỡ, các nốt ở vùng kín dễ bị nhiễm trùng có thể bôi với mục đích đề phòng bội nhiễm.

Thuốc bôi chứa corticoid: Với các thuốc bôi có chứa corticoid, có thể gây suy giảm miễn dịch và làm bệnh thêm trầm trọng.

Thuốc bôi ngoài da không rõ nguồn gốc, dù là thuốc nam, thuốc đông y cũng có thể gây những tác dụng phụ kích ứng da. Thuốc bôi ngoài da đông y có thể gây ngộ độc, đặc biệt là ngộ độc chì.

– Thuốc kháng virus: Một số phụ huynh bôi thuốc acyclovir với mong muốn diệt virus giúp nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, acyclovir hoàn toàn không có tác dụng với virus gây bệnh tay chân miệng.

Mời độc giả xem thêm video:

Ngày đầu đến trường sau 1 năm học online: bố đưa con đến nhầm trường, trò không nhận ra cô | SKĐS

Rate this post

Viết một bình luận